Con dâu tai quái bắt mẹ chồng... ngửi bô

Bằng Lăng,
Chia sẻ

Rồi những lúc thằng Tít bị đau bụng, đi ngoài, không hiểu ngại bẩn hay thế nào, chị bắt mẹ chồng ngửi bô xem mùi có gì lạ không, "để còn đưa cháu đi khám".

Hoảng hồn dâu "láo"

Ngày cưới của Tường - con trai cả của ông bà Xương – Minh diễn ra trong sự chuẩn bị vô cùng chu đáo. Nhà có ba anh em, thằng cả đã ngoài 35, giục năm lần bảy lượt, anh mới chịu có người yêu rồi giờ đây là đám cưới này. 

Tường là một chàng trai khôi ngô, và hiện giờ rất thành đạt, anh đang quản lý một công ty về may mặc. Trước đây, cứ khi nào bố mẹ định giới thiệu cho mấy cô cạnh nhà là anh lại gãi đầu gãi tai khất lần. 

Rồi một ngày, anh đưa Hạ về nhà giới thiệu với bố mẹ. Họ mừng lắm và giục các con cưới nhanh để rồi ông bà còn có cháu bế.

Hạ xinh xắn, đầy đặn, là gái phố cổ, lại là con một nên cô được bố mẹ rất cưng chiều. Ngày đầu về nhà, cô nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới. Càng về sau, cô càng cảm thấy mình không hợp với gia đình này. 

Thấy mẹ chồng hiền, cô con dâu càng được thể (Ảnh minh họa)

Mỗi ngày, cô lại than vãn với chồng về việc gia đình anh "nhiễu sự" và rồi bố mẹ anh không khéo léo. “Em chẳng hiểu sao, bố mẹ anh đã nghỉ hưu hết, các cụ bây giờ chẳng có việc gì vậy mà đến bữa ăn tối họ chẳng chú ý gì? Nấu mỗi bữa ăn chẳng nên hồn. Mâm cơm lèo tèo thức ăn, thịt thì mặn chát như cho năm lần muối, ăn thế có mà chết sớm.”

Chẳng hiểu Tường nghĩ gì, anh cũng hùa theo quay ra mắng mẹ tới tấp. 

Hôm sau, mặc dù bà Minh để ý, cũng nấu cơm với nhiều món hơn, nêm gia vị nhạt nhưng cô con dâu vẫn chưa vừa lòng, giãy nảy lên: “Mẹ con nấu ăn rất ngon. Mỗi bữa phải 2 đến 3 món ăn khác nhau. Thêm vào đó, nhà con chẳng bao giờ ăn gà tây như thế này, thịt bở lắm. Rau mẹ cũng nên mua trong siêu thị chứ mua ngoài chợ chẳng vệ sinh chút nào.”

Mà nói thẳng ra, hàng tháng, nếu như người khác, họ sẽ đưa một khoản tiền nhỏ cho bố mẹ nhưng anh chị này đã gửi được một đồng nào cho bố mẹ đâu. 

Vậy là từ khi có con dâu trưởng, bà Minh lại bận hơn khi sáng sáng phải dậy sớm chuẩn bị mua đồ ăn cho các con, lo bữa cơm tối thế nào để con dâu được hài lòng, hàng tháng thì hai ông bà hưu trí lại “chết” tiền điện khi các con suốt ngày bật điều hòa. 

Sau khi các con đi làm, bà lại tranh thủ lên phòng dọn dẹp nào là quần áo, sách báo vứt đầy nhà, đồ ăn uống rải từ đầu phòng tới cuối hành lang…

Có hôm bà giật mình thon thót khi trong bữa ăn, cô con dâu tuyên bố bị mất sợi dây chuyền trong phòng, mà phòng này chẳng có ai đi ra đi vào ngoài họ và mẹ chồng. Bà tá hỏa đi tìm, cuối cùng hóa ra con dâu mang vào nhà tắm rồi tháo ra để quên trên bồn rửa mặt. 

Tường biết bố mẹ hiền, anh đôi khi thấy vợ cũng quá đáng, anh nói thì nàng khóc tu tu lên: “Từ khi em lấy anh, em khổ như thế nào anh biết không? Em được bố mẹ chiều, chẳng bao giờ phải làm gì mà về nhà anh suốt ngày phải nhìn trước ngó sau. Ngày nghỉ thì chẳng được ngủ nhiều. Em mệt mỏi lắm rồi…”.

Tường lại im thin thít và dỗ dành ngọt nhẹ cô vợ đỏng đảnh. 

Con dâu như Hạ còn đỡ, Thanh còn tai quái hơn. Từ ngày về làm dâu, cô chẳng bao giờ phải mó tay vào bất cứ việc gì. Sáng đi làm, tối về nhà, mẹ chồng đã cơm bưng nước rót cho con trai và con dâu. Nhìn qua cũng thấy Thanh khó tính. Rồi từ khi có con, tính tình Thanh ngày càng ghê gớm hơn. 

Dù chăm bẵm thế nào, thằng Tít - con cô, người vẫn gầy nhẳng mà hay đau ốm vặt, cô suốt ngày chì chiết, hậm hực ra mặt rồi trách: “Chẳng hiểu sao mình lại vớ phải thằng chồng ốm yếu, cả gia đình ốm yếu nên bây giờ con mình mới khổ như thế này đây.” 

Mẹ chồng nghe xong chẳng nói lời nào, tái mặt quay đi. 

Rồi những lúc thằng Tít bị đau bụng, đi ngoài, không hiểu chị ngại bẩn hay thế nào, chị bắt mẹ chồng ngửi xem mùi có gì lạ không, "để còn đưa cháu đi khám".

Thương cháu, sợ con dâu, bà răm rắp làm theo. Chồng đi công tác, chị càng được thể lên mặt với mẹ chồng hiền. 

Nhiều khi bà tủi thân lắm, chồng thì mất, con thì đi công tác xa... 

Chị Thanh ngang ngược hơn khi lấy lý do bà nội không trông được cháu, cô gọi mẹ đẻ lên phụ giúp mình. Nhà lại chật, bà ngoại lại là khách, cô đề nghị bà nội xuống nhà kho ngủ để mẹ mình tiện trông cháu. 

Cũng buồn lòng, bà lại vác cái gối cũ kỹ xuống nhà kho. Lâu dần, bà thấy đây là nhà của con dâu chứ không phải là nhà của mình, mà bà là ô sin chứ không phải mẹ chồng. 

Rồi dần dần, con dâu nấu cơm riêng ăn với mẹ, còn bà  lại vò võ "gặm" tạm bánh mỳ cho xong bữa...

Căng thẳng không thể hạnh phúc

Ngày nay, nếu nói mẹ chồng “quái thai” một thì phải nói con dâu “quái thai” mười. Vì dù có thế nào thì mẹ chồng vẫn chỉ là mẹ chồng chứ chẳng phải mẹ của mình. Ít ra là với những nàng dâu như trong bài viết này. Họ đều không bao giờ thấy sự bất ổn của bản thân mà luôn chỉ nhìn thấy sự bất ổn từ người khác.
 
Khi các nàng ngồi với nhau nói chuyện gia đình thì chủ đề nào sẽ là chủ đề hot nhất? Mẹ chồng! Đương nhiên! Nói về mẹ chồng, bao nhiêu phần trăm câu chuyện là những điều tốt và bao nhiêu phần trăm là những chuyện chưa tốt?
 
Xin đáp ngay: Chuyện tốt thì có gì để buôn? 

Mẹ chồng nàng dâu - cuộc chiến không cân sức (Ảnh minh họa)
 
Nhưng các nàng dâu thử kiểm điểm lại xem trong 5 lần nói chuyện về mẹ chồng của mình gần đây nhất (mà không có chồng bên cạnh) thì có bao nhiêu điểm tốt của mẹ chồng được kể ra? Xem ra, yêu mẹ chồng như mẹ đẻ chỉ là huyền thoại.
 
Hội những người nói xấu mẹ chồng nếu có thật chắc chắn số lượng thành viên đăng kí sẽ ít nhưng lượng thành viên bí mật theo dõi sẽ rất đông. 

Tóm lại, bạn đừng nên than thở mình kém may mắn khi không hợp mẹ chồng mà hãy ngẫm nghĩ xem mình đã là một nàng dâu tốt hay chưa. 

Nếu quan hệ giữa bạn và mẹ chồng không được tốt, người buồn nhất là chồng bạn. Vì vậy, cách tốt nhất để yêu chồng là bạn hãy cố gắng làm vui lòng mẹ chồng. Bạn hãy tìm hiểu tâm tư, sở thích của bà qua người nhà hoặc chồng. 
Chia sẻ