Con dâu dám bảo mẹ chồng: "Phải gió à?"

,
Chia sẻ

Mặc dù rất mệt nhưng thím Tám vẫn phải nói cho đỡ cục tức: Lần sau có hỏi thì phải hỏi: “Mẹ bị trúng gió à? Chứ con hỏi thế chẳng hóa ra mẹ là “đồ phải gió” à?”.

Lan, con dâu thím Tám năm nay mới 20 tuổi. Thế mà con gái Lan đã được 6 tháng. Ở quê bây giờ, Lan lấy chồng tuổi đó cũng được tính là trẻ.

Vì còn trẻ nên nhiều lời ăn, tiếng nói của Lan không khỏi làm thím Tám phiền lòng. Chưa sinh con, Lan đã dặn dò mẹ chồng một cách rất hồn nhiên: Khi nào con đẻ, mẹ không đi làm thì mẹ giặt tã cho cháu mẹ nhé.

Biết con dâu chẳng có ý gì nhưng thím Tám vẫn bực: Mẹ còn việc đồng áng, có rảnh thì mẹ giặt. Mà con muốn mẹ giặt thì phải nói con muốn nhờ mẹ chứ con nói như đang sai mẹ thế à. Lan nghe xong cũng chỉ cười xòa.

Có lần, con Lan ốm, chồng Lan và thím Tám cho uống thuốc trước khi ăn để đứa trẻ không trớ nhưng lại trái với chỉ dẫn ghi trên lọ thuốc là phải cho trẻ uống sau khi ăn no. Thấy vậy, Lan lớn tiếng với chồng: “Anh không biết chữ à, đơn thuốc ghi rành rành thế này mà cũng không làm theo được”. Nghe vậy, thím Tám giận lắm và phải “rút kinh nghiệm” ngay cho Lan để lần sau cô không tái diễn.

Một hôm, thím Tám bị trúng gió. Lan đang chơi ở nhà mẹ đẻ nghe tin hộc tốc chạy về. Lan gọn lỏn: “Mẹ phải gió à?”.

Mặc dù rất mệt nhưng thím Tám vẫn phải nói cho đỡ cục tức: Lần sau có hỏi thì phải hỏi: “Mẹ bị trúng gió à? Chứ con hỏi thế chẳng hóa ra mẹ là “đồ phải gió” à?”.
 
Mỗi lần bị mẹ chồng nhắc nhở lời ăn tiếng nói thì Lan cười xòa, vâng dạ.

Liên, con dâu bác Hoa, hơn Lan 2 tuổi, là dâu thành phố nhưng lời ăn tiếng nói của cô cũng chẳng hơn Lan là mấy. Bác Hoa kể lại chuyện tháng trước đến thăm người bạn ốm nằm viện. Bác gọi cho Liên để bảo vợ chồng cô đi cùng. Nghe điện thoại của mẹ chồng, Liên đồng ý với một câu nửa Tây nửa ta “Oke mẹ”.

Bác Hoa hiểu được Liên nói Oke nghĩa là đồng ý nhưng mỗi khi nghe vậy bác cảm thấy như con dâu thiếu tôn trọng mình dù bác biết Liên chỉ quen miệng chứ không có ý gì.

Đến viện, cô bạn bác Hoa ra sức khen Liên hiền lành, xinh xắn. Lúc ra về, cô bạn bác Hoa ngỏ lời cảm ơn gia đình bác Hoa đã đến chơi. Liên nhanh mồm nhanh miệng nói một cách đầy lịch sự: “Có gì đâu ạ, chẳng mấy khi cô ốm”. Chồng Liên nhìn sang lườm vợ.

Qua thái độ của chồng, Liên hiểu mình đã lỡ lời còn bác Hoa tím mặt khi thấy người bạn tròn mắt nhìn Liên. Sống gần con dâu nên bác hiểu ý của Liên nên vội “dịch” lại: “Chị thông cảm, ý cháu Liên là chẳng mấy khi đến chơi thăm hỏi cô, cô đừng khách sáo”.

Khi bác Hoa ra về, mấy người cùng phòng bạn bác Hoa cứ thì thầm cười. Mỗi lần bị mẹ chồng nhắc nhở lời ăn tiếng nói thì Lan cười xòa, vâng dạ.

Còn thím Tám đành chấp nhận chuyện con dâu vụng dại nên bảo ban dần dần. Liên có lúc cũng xị mặt ra với chồng “giận dỗi” rằng sẽ chẳng nói gì nữa vì toàn bị mẹ chồng “săm soi”. Vì thế, bác Hoa luôn phân tích để con dâu rút kinh nghiệm.

Chủ nhật, bác Hoa gọi Liên xuống nấu ăn cùng. Bác Hoa nhẹ nhàng:“Làm dâu như các con bây giờ là sướng đấy, xảy ra vấn đề gì cũng có “mác” còn trẻ, non dại bảo vệ. Nhưng con không thể cứ vụng dại mãi như thế.

Khi mẹ nhắc nhở, không có nghĩa là mẹ xét nét con. Con đã tự hỏi tại sao những câu nói đơn giản của con lại dễ khiến mọi người hiểu sai ý? Tại sao mẹ cần “dịch” lại những lời lẽ đời thường của con thì mọi người biết được ý con cần diễn đạt?”... Nghe mẹ chồng dạy, Liên thấm thía: Phải chăng mình đang quá dễ dãi với những ứng xử đời thường?
 
Theo TGPN
Chia sẻ