Con cái thành đạt, cha mẹ quạnh hiu

Mai Thúy,
Chia sẻ

Con cái ông bà Thất thành đạt nhưng ông bà ngày càng thấy cô đơn. Không còn những buổi chúng đưa cháu về thăm ông bà...

Lần hồi kiếm sống

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Thị Lan (thị xã Ninh Bình) vẫn tần tảo sớm hôm đến từng nhà xin cơm nguội về phơi để bán cho những hộ nông dân nuôi lợn. Công việc của cụ bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng, sau khi đưa đứa cháu trai đi học, trên đường từ trường của cháu về nhà cụ Lan lại chậm rãi rẽ vào từng nhà xin cơm nguội mang về phơi.

Trước đây, mỗi tháng cụ phơi được 1 yến cơm khô, bán được 45.000đ. Nhưng hiện nay giá gạo tăng cao, nhiều gia đình xót của chỉ nấu vừa đủ ăn nên 2,3 tháng, cụ mới gom đủ 1 yến cơm khô.

Trao đổi với PV, cụ Lan cho biết hoàn cảnh gia đình cụ không phải vào diện đặc biệt khó khăn ở địa phương. Tuy nhiên, vì các con cụ làm ăn cũng chỉ đủ tiêu nên cụ không muốn là gánh nặng cho con. Số tiền kiếm được từ việc phơi cơm nguội, cụ dành dụm để trang trải mỗi khi hàng xóm có việc ma chay, cưới hỏi.

Cùng độ tuổi với cụ Lan, cụ Trần Thị Tấn (phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình) vẫn tất tả ngược xuôi buôn bán. Cụ Tấn thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, đến các lò mổ gia súc ở thành phố lấy lòng lợn về làm sạch, luộc chín rồi đóng gói vào thùng xốp và rời khỏi nhà vào lúc 6 giờ sáng để ra bến xe cho kịp chuyến vào huyện Kim Bôi (cách thành phố Hoà Bình khoảng 30km). Vì món lòng của cụ Tấn khá ngon nên chỉ sau 2-3 giờ ngoài chợ, cụ Tấn đã “giải quyết” xong một thùng 20kg hàng cho dân địa phương, sau đó lại tất tả từ đầu chợ xuống cuối chợ để tha về thành phố những “đặc sản” của Kim Bôi, khi vài chục trứng gà, lúc thì khệ nệ tải măng đắng, kèm mớ tôm rảo…

 

Theo lời hàng xóm, trước đây gia đình cụ Tấn cũng thuộc diện khá giả. Nhưng sau ngày vợ chồng người con trai bị chết vì thuốc phiện, để lại đứa cháu gái cho bà nội nuôi thì mọi gánh vác trong gia đình đều dồn lên vai cụ. Các cô con gái tuy ở gần nhưng cũng chẳng giúp mẹ được nhiều vì họ cũng phải bươn chải lo cuộc sống riêng của mình.

Người già ở nông thôn gặp khó khăn hơn thành phố

Không ít người ở huyện Thanh Oai (Hà Tây) thèm muốn có được cuộc sống gia đình với con cái trưởng thành,  công ăn việc làm tử tế như gia đình ông Trương Văn Thất. Nhưng với hai vợ chồng ông thì đó lại là một nỗi buồn, bởi các con càng thành đạt, hai ông bà càng quạnh hiu. Cậu con trai trưởng hiện đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân khá lớn  ở mãi Sơn La. Con trai thứ ba của ông bà cũng đang là chủ một showroom ô tô có tiếng ở Hà Nội, còn cô con gái thứ tư đang yên vị ở một cơ quan trung ương.

Ông Thất bồi hồi nhớ lại: Cách đây 5,7 năm, khi các con ông chưa thành lập doanh nghiệp, chưa lao vào làm ăn lớn, thì ngày cuối tuần hoặc cuối tháng, các con đều thay phiên nhau đưa cháu về thăm ông bà. Nhưng từ khi lao vào thương trường, thay vì bồng bế con cái về thăm ông bà, các con ông thường gửi tiền dưỡng già cho bố mẹ qua đường bưu điện, hoặc dúi vào tay mẹ một cục tiền mỗi khi có dịp đi công tác tạt qua.

Xét về điều kiện kinh tế, gia đình ông bà chẳng thiếu thứ gì,  nhưng lại khát khao tình cảm gia đình. Vợ ông mỗi lần nấu một món ăn ngon lại bùi ngùi ngồi nhớ: món này ngày trước đứa nọ thích ăn, món kia ngày trước đứa kia thèm muốn... rồi ông bà rủ nhau bỏ đũa đứng dậy. Đã nhiều lần các con ông xin được đón bố mẹ lên ở cùng, nhưng nếu ông bà đi, thì mồ mả tổ tiên quê nhà ai hương khói?

Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam, có 64% người già khi được phỏng vấn đã cho biết, hiện đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài tỷ lệ các cụ không đủ tiền sinh hoạt hàng ngày và khám chữa bệnh đã nêu ở trên, còn có 1,8% cụ già không được con cháu quan tâm, không tôn trọng và một số những khó khăn khác. Trong đó, tỷ lệ người già ở nông thôn không đủ tiền sinh hoạt và chữa bệnh cao hơn nhiều so với người già ở thành phố (37,6% không đủ tiền sinh hoạt và 19,5% không đủ tiền chữa bệnh ở nông thôn so với 26% tiền sinh hoạt và 13,4% tiền chữa bệnh ở thành phố).

Tỷ lệ cụ bà gặp khó khăn do sức khoẻ yếu và do thiếu thốn trong đời sống cũng cao hơn cụ ông. Nguồn sống chính của người cao tuổi, cao nhất hiện nay vẫn là do con cháu chu cấp, có khoảng 30% do lao động từ bản thân, gần 30% do trợ cấp từ lương hưu hoặc các nguồn khác. Có sự khác biệt rất lớn giữa người già ở thành phố và nông thôn, là các cụ ở thành phố chủ yếu sống bằng lương hưu và nguồn trợ cấp. Còn ở nông thôn, các cụ chủ yếu là tự lao động kiếm sống để lo miếng ăn bản thân.

Theo Mai Thúy
 Gaidinh.net

Chia sẻ