Cơm để qua đêm đổi thành màu đỏ: Chuyên gia nói gì?

Hương Thu ,
Chia sẻ

Chỉ đến khi ăn gần hết 5 ký gạo mua về, ông T. mới phát hiện ra cơm nấu từ gạo này chỉ qua một đêm hóa thành màu đỏ. Các chuyên gia nói gì về hiện tượng này?

Qua một đêm, cơm trắng chuyển thành màu đỏ quạch.

Vụ việc trên xảy ra tại gia đình của ông N.V.T (ngụ ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM). Đã mấy ngày sau khi chứng kiến cơm trắng dẻo hóa thành màu đỏ rực, ông Thuận vẫn chưa hết lo lắng.

Ông kể lại: “Khoảng giữa tháng 3/2016, tôi ra chợ Bình Chánh mua 5kg gạo trắng với giá 18.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu đây là loại gạo mới, ngon. Trước kia, gia đình tôi thường chỉ sử dụng gạo ở quê mang lên. Mới đây, do chưa mang gạo lên kịp nên mới phải ra mua”.

gaodailoan3
Cơm có màu đỏ rực sau một đêm.

Khi nấu ăn, ông thấy cơm rất dẻo và thơm, ngon.  “Ăn cơm giống các loại gạo khác và còn ngọt ngọt ở lưỡi nữa. Tôi định ăn hết số gạo này sẽ ra mua tiếp nữa để về ăn”, ông T nói. Đến ngày 25/3, ông nấu cơm từ sáng nhưng do có công việc nên không ăn hết. Đến sáng hôm sau, ông lấy nồi cơm ra định đi rửa thì thấy cơm nổi màu đỏ quạch như được tẩm thuốc đỏ.

Nghi ngờ chất lượng gạo có vấn đề, ông tiếp tục nấu thêm một nồi để đến sáng mai thì vẫn thấy gạo đổi màu đỏ kỳ lạ như thế. “Tôi không biết gạo này có bị nhuộm thuốc hoặc hóa chất gì không nhưng thấy cơm nấu để qua đêm chuyển từ màu trắng sang màu đỏ. Khi phát hiện ra sự việc này, gia đình đã ăn hết gần 4kg, chỉ còn lại hơn 1kg gạo chưa nấu. Giờ cả nhà đang rất hoang mang, không biết có bị bệnh tật gì từ gạo này không”, ông T. lo lắng nói.



gaodailoan2
Hiện ông T. còn giữ lại khoảng 1kg gạo.

gaodailoan5
Bằng mắt thường, loại gạo này tương tự như nhiều gạo khác.

Nhiều hàng xóm thấy sự việc quá kỳ lạ không tin nên lấy một ít gạo về nấu thử để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng chuyển sang màu đỏ tương tự khiến mọi người hết sức hoang mang. Theo quan sát, loại gạo này có hạt nhỏ, bóng lưỡng và trong hơn so với gạo thường.

Đặc biệt, những hạt cơm để qua đêm chuyển sang màu đỏ quạch nếu bỏ trong nước khấy một hồi cũng sẽ làm cho nước cũng chuyển sang màu hồng tương tự và hạt cơm vẫn trong tình trạng bóng, không vữa, không hôi. Hiện tại, ông T. vẫn giữ 1 ký gạo và số cơm bị chuyển sang màu đỏ.  Tuy nhiên, sau vài ngày loại cơm trên đang dần khô, chuyển sang màu tím đen.

gaodailoan4

Nếu đem cơm của loại gạo này khoáy vào nước thì ra màu đỏ hồng.

gaodailoan1
Cơm khi khô thì chuyển sang màu tím đen.

“Mấy ngày nay tôi cảm thấy hơi tức bụng đầy hơi, ăn không tiêu và cũng không dám ăn nhiều cơm. Trước kia ăn được một tô giờ chỉ ăn được một chén. Vợ tôi buôn bán ngoài chợ đến tối, không ăn cơm nhà nên không có triệu chứng gì. Giờ tôi rất hoang mang, sợ gạo bị tẩm hóa chất độc hại”, ông T. bộc bạch.

Theo sự chỉ dẫn của ông T.  chúng tôi đến gặp chủ cửa hàng bán loại gạo này ở trên đường Trịnh Như Khuê (ngay chợ Bình Chánh). Bà chủ bán gạo thừa nhận số gạo đó được mua tại đại lý của mình. “Qua kiểm tra mẫu gạo được lấy từ nhà ông T.  tôi thấy giống loại gạo Đài Loan mà chỗ tôi có bán. Tôi cũng không chắc có bán cho ông T. không nữa vì có quá nhiều người mua nên không thể nhớ cụ thể được”, chủ đại lý gạo cho biết.

Chủ cửa hàng có nghe thông tin vụ việc người dân mua gạo về nấu cơm rồi xảy ra hiện tượng lạ cơm trắng biến màu đỏ. “Loại gạo Đài Loan này chúng tôi nhập về khoảng giữa tháng 3. Tôi nấu ăn thử trước thấy khá ngon, giá hợp lý nên nhập về để bán. Cũng đã có nhiều khách mua nhưng chưa nghe ai phản ánh biểu hiện lạ nào sau thời gian sử dụng. Vây nên tôi cũng rất bất ngờ về thông tin trên”, bà chủ cửa hàng phân trần.

gaodailoan6
Chủ đại lý nơi ông T. mua gạo cũng bất ngờ khi cơm chuyển sang màu đỏ.

Theo người chủ, đại lý gạo này mở được hơn 10 năm, chưa từng xảy ra hiện tượng cơm trắng hóa màu đỏ như vậy. Hầu hết nguồn cung ứng gạo của đại lý được lấy từ công ty ở Tiền Giang. “Trước giờ cửa hàng chúng tôi làm ăn luôn giữ uy tín. Vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ thực hư để yên tâm hơn khi bán gạo cho khách”, người chủ cho biết.

Các chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Pv Trí Thức Trẻ, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan (Giảng viên Hóa, ĐH Khoa học tư nhiên TP.HCM) cho biết: “Tôi nhớ hồi bé, khi còn ở ngoài Bắc thì tôi cũng từng ăn một loại gạo, khi nấu lên cũng ra màu đỏ đỏ nhưng lâu rồi nên không nhớ là loại gạo nào. Tuy nhiên gạo này thì bản thân hạt gaọ đã có màu hơi đỏ, càng vo ít thì khi nấu càng đỏ hồng, ăn vào rất tốt. Nhưng chắc do năng suất thấp nên nông dân ít trồng”.

Về trường hợp cơm chuyển sang màu đỏ sau một đêm, bà Lan nhận định: “Thông thường, cơm khi để ra môi trường ngoài cũng thay đổi màu, khi bị thiu thì chuyển sang màu vàng nhạt, có nấm mốc. Trường hợp cơm chuyển sang màu đỏ, có thể do có chất Anthocyanin, là hợp chất hữu cơ có màu đỏ tía. Nếu chất này tự nhiên có trong gạo thì gạo này ăn vào rất tốt. Còn để biết gạo có độc hay không thì phải có cụ thể mẫu gạo kiểm chứng mới có thể kết luận được”.

Ông Nguyễn Quốc Lý (Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam) cho biết: “Trường hợp này mới chỉ có một trường hợp phát hiện thì quá cá biệt nên tạm thời chưa thể khẳng định là bị phá hoại. Thường một lô gạo chế biến ra thì đơn vị phải vài chục tấn nên nếu hiện tượng này phổ biến thì phải có nhiều nhà bị như vây. Ví dụ như trước kia có thông tin gạo giả thì cũng không phải do phá hoại. Vì gạo giá không đắt, số lượng nhiều, làm giả rất khó nên không có lợi nhuận kinh tế nếu làm giả”.

Theo ông Lý, chưa thể dựa vào hiện tượng này để đánh giá chất lượng gạo. Biết đâu, có thể cơm bị đỏ không phải do gạo mà là trong quá trình bảo quản, nấu nướng, vận chuyển hoặc đồ dựng gạo có vấn đề. Hiện tượng cơm thành màu đỏ sau một đêm thì trước giờ tôi chưa nghe nói bao giờ nên không thể giải thích nguyên nhân. Cơ quan chức năng phải mang mẫu gạo đi kiểm nghiệm mới có kết luận cụ thể.

Trả lời trên báo Người Đưa Tin,  PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng Đây là hiện tượng cá biệt, gia đình nấu gạo đó thì nên nấu lại và quan sát”.

Cũng theo ông Thịnh những hiện tượng như vậy là bất bình thường, thế nhưng có thể khi nấu vô tình có vật lạ ở trong nồi mới dẫn đến gạo chuyển màu.

PGS Thịnh cho rằng tất cả thông tin cho rằng gạo giả đều là bịa đặt. Theo ông gạo giả chỉ có thể là giả nơi xuất xứ loại gạo đó ví dụ: “Gạo tám thơm Hải Hậu thì lại nói xuất xứ ở Hưng Yên chẳng hạn, hay đơn giản nói khoai tây của Trung Quốc mà nói là khoai tây Đà Lạt thì đó là giả. Làm gạo giả từ chất khác thì chỉ có người điên mới làm điều đó, vì làm được gạo giả là vô cùng khó khăn chứ không hề đơn giản”.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nhấn mạnh: “Gạo là một sản phẩm không đáng ngại về mặt an toàn”.

Chia sẻ