Cô tôi!

nguyenhuongdhkt226@...,
Chia sẻ

Điều quan trọng nhất tôi học được từ người phụ nữ ấy là ý chí sắt đá, sức sống bền bỉ và khát khao mãnh liệt. Cô đã bước qua đổ vỡ, bước qua nỗi đau, điều tiếng để bước về phía trước.

Ở đời, người ta vẫn truyền miệng nhau câu nói: “Sinh ra là phụ nữ đã khổ, chọn nhầm người đàn ông của mình còn khổ hơn”. Soi vào cuộc đời cô tôi thì thấy rõ. Tất cả những đắng, cay, ngọt, bùi lẫn chua xót cứ theo đó mà vấn vào người phụ nữ ấy. Số cô không được may mắn như những người con gái khác.

Nghe mẹ kể lại, ngày đó nhà nội tôi nghèo lắm. Gia đình lại đông anh em, bố và các bác tôi phải đi lính làm nghĩa vụ. Cô tôi là con gái duy nhất trong nhà, học xong lớp bảy thì ông bắt nghỉ ở nhà phụ bà làm đồng rồi thêu thùa, may vá. Cô tìm mọi cách để xin ông bà cho học tiếp, lén lút gặp cả thầy hiệu trưởng – bạn thân với nội tôi để nhờ thuyết phục nhưng cũng bị phản đối. Ông tôi tính gia trưởng, một khi đã quyết thì khó bề thay đổi. Cô đành ngưng học, ở nhà quanh quẩn với cây kim mũi chỉ, vụ chiêm vụ mùa thì ra đồng cấy gặt. Bạn bè cùng trang lứa đều tiếc cho cô. Nghe bảo cô tôi học văn rất giỏi. Mẹ tôi kể, lúc về làm dâu nhà nội, vẫn thấy cô tôi đam mê viết lách, nhất là viết tiểu thuyết chương hồi.

Năm cô mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái cũng là bước ngoặt định mệnh của cuộc đời cô. Ngày đó ở làng xôn xao về chuyện chú Đông, con bà Lan ở đội bên vừa đi làm kinh tế mới ở miền Nam về. Thấy vậy ông tôi bèn mối mai có ý gả con gái cho chú vì nghĩ chú mới từ Nam về nên cũng có chút ít dư giả. Vậy là chỉ vẻn vẹn có hai tháng tròn thì diễn ra đám cưới. Cô tôi phản ứng dữ dội, khóc rồi nhịn ăn nhưng không một chút tác dụng. Bà nội thương con gái cũng cố khuyên can ông rồi cuối cùng nhận lại cũng chỉ là những câu giáo huấn, mắng chửi. Vì nội, hai lần cô tôi rơi nước mắt…

Đời người con gái lênh đênh như cây bèo giữa sóng gió mây trời đâu lặng- nước chảy thì bèo trôi. Cô tôi sống không hạnh phúc. Chú từ ngày lấy vợ lại sinh ra tật rượu chè, trai gái. Có lần về khuya lại mang cô tôi ra đánh đập. Uất ức nhưng sợ mẹ ở nhà lo cho con gái lại phát bênh, cô đành cam chịu. Được nửa năm, chú Đông bất chợt vào miền Nam rồi viết thư để lại báo định cư luôn ở đó. Bố mẹ chồng cô tự viết đơn li dị cho con trai rồi bắt cô tôi kí vào ra tòa giải quyết. Cô đặt bút kí và bước ra khỏi căn nhà u ám ấy về nội. Nội tôi vừa thấy cô thấp thoáng ngoài cổng đã ra chỉ tay từ mặt con và cấm vào nhà. Ông bảo: “ Bao nhiêu đứa con gái ở làng đi lấy chồng thì êm ấm, con bồng con bế hết thảy còn con nhà này thì bị người ta đuổi, làm muối mặt bố mẹ”. Cô lững thững bước đi, nước mắt chảy dài vì bế tắc. Bố và các bác tôi ở trên Lai Châu không hề biết gì về chuyện em gái mình. Ngày đó mạng điện thoại, thư tín không hiện đại như bây giờ. Bà cũng vì lo nghĩ mà sinh bệnh nhưng uống thuốc rồi một thời gian cũng khỏi.

Ly hôn, bị bố đuổi, không nhà, không nơi nương tựa, không tiền bạc trang sức trong người, cuộc đời cô tôi tưởng chừng như đang rơi vào chỗ tăm tối nhất. May sao lúc đó có người bác họ về đằng bà nội đang kiếm người lên Thái Nguyên hái chè. Cô tôi quyết định đi. Trước ngày lên xe, cô có về xin phép ông bà cho phải đạo rồi đi thẳng. Lần đó cô không khóc, cô mạnh mẽ, bản lĩnh, can đảm với cái vỏ ngoài gan góc nhưng ẩn sâu trong đó lại là một trái tim rất đỗi yếu mềm…

Từ đó, cô thỉnh thoảng vẫn viết thư về cho gia đình, nói cô vẫn ổn và dặn dò mấy anh trai trông nom bố mẹ. Bố tôi thương cô vì từ nhỏ cô là đứa hiếu thảo và biết nghe lời nhất. Cô tôi lên Thái Nguyên hái chè làm thuê cho một xưởng sản xuất nhỏ. Về sau nghe nói cô chịu khó mày mò tìm hiểu đã tìm ra công thức chế biến chè mới, vừa ngon lại có hương vị đậm đà hơn hẳn. Thấy cô có tố chất, lại ham làm giàu, người chủ xưởng trước khi lên thủ đô ở hẳn với con trai bèn để lại cho cô cơ ngơi đó với giá rẻ. Cơ hội đến, cô tôi nhận lời. Cô ra ủy ban địa phương xin hội phụ nữ cho vay vốn rồi tu sửa lại cơ sở, trang thiết bị, thuê thêm đồi trồng chè rồi mướn công nhân phụ giúp. Chẳng mấy chốc việc làm ăn thuận lợi , cô cũng trả dần được nợ rồi có chút lời lãi. Biết em gái trên đó làm ăn được, bố mẹ tôi cũng mừng. Vì là quản lí nên cô tôi bận tối ngày, chỉ có dịp Tết nguyên đán cô cho công nhân nghỉ vài ngày còn mình tiện về thăm quê. Lần nào cô về cũng vội, tôi lại xa cô từ nhỏ nên ít khi được nói chuyện với cô. Thời gian trôi qua, ông tôi cũng nguôi ngoai dần chuyện quá khứ, trong bụng mừng thầm vì con gái có chí làm ăn…

Năm 2011, sau dịp tết âm lịch, cô lại lên Thái Nguyên tiếp tục công việc. Năm đó hai vụ chè của cô vì một số lí do đều kém chất lượng, các bạn hàng đều phá bỏ hợp đồng và bắt đền bù. Cô đành ngậm ngùi bán xưởng đi để bù vào khoản đó. Chuyện như vậy mà cô vẫn giấu gia đình, không ai hay biết. Quyết tâm không chịu bỏ nghề, cô hành trình lên Tân Cương học cách chế biến chè ngon, đúng quy trình, và bảo quản tốt. Cũng vì có chút ít kinh nghiệm nên có người mời cô về cùng quản lí phân xưởng chè, từ đó hai người cùng nhau kinh doanh và trở nên phát đạt. Cuối cùng thì may mắn cũng mỉm cười với cô, bởi vì cô có cả đam mê và ý chí.

Đợt tết dương lịch vừa rồi tôi có về gặp cô. Năm nay cô về quên ăn tết sớm với gia đình. Tôi đã là cô sinh viên năm thứ ba của trường kinh tế nhưng bản lĩnh và quyết tâm vẫn thua xa ngày cô bằng tuổi tôi. Điều quan trọng nhất tôi học được từ người phụ nữ ấy là ý chí sắt đá, sức sống bền bỉ và khát khao mãnh liệt. Cô đã bước qua đổ vỡ, bước qua nỗi đau, điều tiếng để bước về phía trước.

 Lần về quê đó tôi đã vô tình tìm được tập tiểu thuyết của cô viết thuở lên mười sáu để trong tủ của bà.

-  Cháu cũng thích đọc tiểu thuyết sao? Giọng cô chợt vọng lại phía sau làm tôi giật mình.

Tôi cười trả lời:

- Vâng ạ.

- Nếu cháu thích, hè này lên chỗ cô chơi, cô cho cháu đọc mấy bộ nữa. Từ ngày lên Thái Nguyên cô vẫn lấy đam mê viết lách để giải trí.

Tôi cười tít  đồng ý bởi với một đứa thích khám phá và du lịch như tôi thì đó là một lời mời vô cùng hấp dẫn. Trong đầu tôi bây giờ chỉ còn là hình ảnh những đồi chè bát ngát màu xanh, những cơn gió nhẹ nhàng và rất nhiều người công nhân đang trong mùa thu hoạch. Tôi bỗng thấy bóng dáng cô tỏa sáng giữa không gian rộng lớn ấy, một người phụ nữ dạt dào nghị lực và luôn vươn lên chỗ nhiều ánh sáng nhất của cuộc đời!
Chia sẻ