Clip: Không cần mổ xẻ hay gây mê, bác sĩ lôi bật đồng xu kẹt ở cổ họng bé chỉ trong 2 phút

Phương Phương,
Chia sẻ

Khi bé gái bị hóc dị vật là một đồng xu trong cổ họng, thay vì phải phẫu thuật hay gây mê để lấy đồng xu ra thì vị bác sĩ chỉ thao tác trong 2 phút và lôi bật dị vật ra trước sự chứng kiến của nhiều người.

Clip bác sĩ rút bật đồng xu ra khỏi họng bé gái thu hút 15 triệu lượt xem

Sự hiếu động và nghịch ngợm của trẻ nhỏ luôn đặt các bé vào những tình huống nguy hiểm khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Những tai nạn như bị bỏng, điện giật, đuối nước, đặc biệt là nguy cơ hóc dị vật là những tai nạn thường xảy ra bất cứ đâu dù ở nhà hay bên ngoài và có thể khiến trẻ rơi vào nguy hiểm, thậm chí khiến trẻ mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp các bé bị hóc nghẹn đã xảy ra khá nhiều, có bé may mắn thoát khỏi án tử, nhưng cũng không ít trường hợp do không cấp cứu kịp thời nên không thể cứu được tính mạng của bé. Mới đây, trường hợp một bé gái bị hóc nghẹn do nuốt phải đồng xu lại gióng lên hồi chuông cảnh báo tới các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây lại là kĩ năng xử lý vô cùng nhanh và hiệu quả của bác sĩ khi rút bật đồng xu ra khỏi cổ họng bé mà không cần bất cứ thao tác gây mê hay phẫu thuật phức tạp nào.

Tận mắt xem bác sĩ lấy đồng xu kẹt cứng trong cổ họng đứa trẻ.

Đoạn video đã có hơn 15 triệu lượt xem và thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thao tác nhanh gọn, chính xác và kĩ năng rút đồng xu của nữ bác sĩ khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục. Chỉ với một ống dây nhỏ và thao tác trong vòng 2 phút, đồng xu nhỏ mắc trong cổ họng bé gái đã được lôi bật ra ngoài mà không cần bất cứ sự can thiệp y học nào quá phức tạp, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Clip: Không cần mổ xẻ hay gây mê, bác sĩ lôi bật đồng xu kẹt ở cổ họng bé chỉ trong 2 phút   - Ảnh 2.

Clip: Không cần mổ xẻ hay gây mê, bác sĩ lôi bật đồng xu kẹt ở cổ họng bé chỉ trong 2 phút   - Ảnh 3.

Các bác sĩ vui mừng khi rút bật được đồng xu ra khỏi họng bé gái mà không cần phẫu thuật hay gây mê.

Theo như nội dung đăng tải, bé gái trong đoạn video đã nuốt phải 1 đồng xu và được quấn kín trong chăn chỉ để hở phần đầu để các bác sĩ thực hiện lấy đồng xu ra. Nữ bác sĩ chính cố gắng luồn một chiếc ống dài vào trong cơ thể đứa trẻ qua đường miệng. Sau khi ống được luồn vào khá sâu, nữ bác sĩ bắt đầu bơm không khí vào bên trong sau đó cẩn thận và dứt khoát kéo toàn bộ ống ra khiến đồng xu bật ra khỏi miệng bé gái. Nữ bác sĩ thậm chí còn cầm đồng xu khoe thành quả và nhắc nhở bé gái không bao giờ được nghịch ngợm nuốt những đồ vật như vậy nữa.

Không ít người đặt câu hỏi nữ bác sĩ đã làm thế nào để lôi được đồng xu ra ngoài như vậy. Người đăng tải clip giải thích đây là thủ thuật sử dụng ống thông nhỏ luồn vào bên trong, phối hợp với phản xạ cổ họng (Gag reflex) để rút đồng xu ra. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không được tự ý thực hiện thao tác này mà phải để các y bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề cao thực hiện, nếu không sẽ chỉ đẩy đồng xu vào sâu hơn mà thôi.

Triệu chứng và cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật

Những dị vật trẻ thường bị hóc có thể kể đến như đồng xu, viên bi, quả pin, móng tay, đinh vít, miếng nam châm, các loại đồ chơi tròn nhỏ... Cha mẹ lưu ý khi nuốt phải đồng xu hay các dị vật, trẻ sẽ có các biểu hiện phổ biến như sau:

- Nghẹt thở.
- Thở khò khè, khó thở.
- Ho.

Clip: Không cần mổ xẻ hay gây mê, bác sĩ lôi bật đồng xu kẹt ở cổ họng bé chỉ trong 2 phút   - Ảnh 4.

Dị vật như viên bi, đồng xu có thể mắc kẹt trong đường thở của trẻ, làm cho trẻ khó thở, viêm nhiễm, thậm chí tử vong (Ảnh minh họa)

Một số trường hợp trẻ nuốt dị vật khá dễ dàng, không bị kẹt trong cổ họng và trôi tuột xuống dạ dày thì có thể không có bất kỳ triệu chứng tức thời nào. Nếu thuận lợi thì dị vật sẽ được bài tiết ra ngoài khi trẻ đi vệ sinh.

Khi dị vật bị kẹt trong thực quản hoặc ruột, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn bao gồm:

- Nôn mửa.
- Chảy nước dãi.
- Đau tức ngực, đau cổ.
- Chán ăn, bỏ bú.
- Đau bụng.
- Sốt.
- Lờ đờ, mệt mỏi.

Khi dị vật bị mắc kẹt trong cơ thể trẻ trong thời gian dài có thể gây nhiễm trùng như viêm phổi, phế quản, làm cho trẻ đau ngực, ho đờm hoặc thở khò khè, đôi khi kèm theo sốt và các triệu chứng khác.

Khi phát hiện trẻ bị hóc, nuốt phải dị vật, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhanh chóng lấy ra cho trẻ. Bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp để tìm ra vị trí dị vật như chụp X-quang, soi phế quản để xem xét kỹ hơn đường hô hấp nếu trẻ không thể thở dễ dàng. Biện pháp xử lý sẽ tùy vào từng trường hợp, thường sẽ là thao tác vỗ lưng, ấn ngực để đẩy dị vật bắn ra ngoài. Nếu trẻ nuốt hoàn toàn vào dạ dày thì có thể theo dõi đường bài tiết qua phân của trẻ. Trường hợp trẻ nuốt phải vật trơn, sắc nhọn, gây đau hoặc tổn thương ruột, thực quản, có thể phải phẫu thuật mổ phanh hoặc nội soi để đưa dị vật ra.

Clip: Không cần mổ xẻ hay gây mê, bác sĩ lôi bật đồng xu kẹt ở cổ họng bé chỉ trong 2 phút   - Ảnh 5.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và phòng tránh hóc dị vật cho trẻ (Ảnh minh họa)

Việc phòng tránh luôn là vấn đề cấp bách của bất cứ gia đình nào có con nhỏ. Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm và tạo cho trẻ môi trường vui chơi an toàn dù là ở nhà hay chơi bên ngoài để hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ. Ngoài ra cha mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ không ăn uống vội vàng, không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo mà cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.

Nguồn: Healthline, Facebook

Chia sẻ