Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ

T.Q - Thế Long,
Chia sẻ

Nếu không sơ cứu kịp thời trẻ bị sặc, hóc dị vật thì chỉ sau 5-6 phút sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Sặc, hóc dị vật đường thở là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai thì có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi.

Ngoài sặc sữa, cháo, trẻ còn có thể bị sặc, hóc dị vật đường thở khi ăn hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá... hay khi chơi với mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc... Các dị vật đi vào đường thở khiến trẻ bị bịt đường thở, khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây tử vong.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 1.

Các dị vật đi vào đường thở khiến trẻ bị bịt đường thở, khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây tử vong.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hóc dị vật thường xảy ra đối với trẻ nhỏ, nếu xử lý đúng cách và kịp thời thì có cơ hội cứu được bé. Nếu không kịp thời thì chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật.

Theo TS. Dũng, khi sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thuốc, các loại hạt, thạch đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 3.

Ngay lập tức phải quay em bé lại và đặt nằm sấp trên tay, nếu bé nặng có thể một tay đỡ cổ còn phần dưới đặt lên chân mình cho đỡ nặng. Lưu ý để đầu bé chúc xuống nhưng cổ thẳng. Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 4.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 5.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 6.

Thao tác vỗ lưng đẩy dị vật đường thở của bé ra ngoài.

Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào vùng thượng vị (chỗ giữa ngực, trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 7.

Động tác ấn ngực.

Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

Nếu dị vật chưa ra hẳn, ta quay bé lại và dùng tay moi dị vật ra.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 8.

Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich).

Cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang người bé sao cho lưng bé áp sát vào bụng mình, để tay dưới xương ức trẻ, dùng sức mạnh xốc bé lên 5 cái. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 9.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn tường tận các bước sơ cứu hóc dị vật cho trẻ - Ảnh 10.

Nếu trẻ lớn bị hóc dị vật, có thể dùng phương pháp ép bụng.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Chia sẻ