Clip cô dâu nhỏ tuổi ở Ấn Độ khóc nức nở trong đám cưới trẻ con khiến dư luận dậy sóng

Yến Như,
Chia sẻ

Những “cô dâu”, “chú rể” trong những đám cưới này đều là những trẻ em dưới tuổi vị thành niên và chưa có nhận thức gì về hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên, tại Ấn Độ những đám cưới thế này vẫn được diễn ra.

Mới đây, một đoạn video chưa đầy một phút về một đám cưới trẻ em tại thành phố Chittorgarh, bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ đã được cư dân mạng trên khắp thế giới chia sẻ rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội.

Nội dung của đoạn clip là một bé gái khoảng 10 tuổi mặc trên người chiếc váy cô dâu truyền thống đang khóc nức nở và cầu xin sự giúp đỡ của những người xung quanh trong khi người cha đang ra sức tiến hành các nghi lễ của lễ cưới.

Clip ghi lại đám cưới trẻ em tại Ấn Độ.

Một đám cưới trẻ em đang được diễn ra dưới sự chỉ huy của người lớn là cha mẹ và những người thân của hai em.

Các em như một con rối chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của người lớn nhưng không ý thức được ý nghĩa của hành động mình làm.

Được biết chỉ trong 2 ngày diễn ra lễ hội Akshaya Tritiya, một lễ hội truyền thống của những người theo đạo Hindu tại Ấn Độ thì đã có 6 đám cưới trẻ em được tổ chức song song ngày này. Theo quan niệm của đạo Hindu, khi đám cưới diễn ra trùng với ngày lễ hội  Akshaya Tritiya thì sẽ tốt cho tương lai của những đứa trẻ.

Trong một đoạn video khác, một bé trai 11 tuổi và bé gái chỉ mới 5 tuổi đang được người lớn hướng dẫn các nghi thức trong một lễ cưới. Hai em oà khóc và có vẻ như không muốn nghe lời nhưng cha em và mọi người xung quanh đều cố gắng dỗ dành để lễ cưới được tiếp tục.

"Cô dâu" trong hình ảnh này hẳn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 5 - 6 tuổi nhưng đã phải thực hiện lễ cưới theo sự chỉ đạo của người lớn.

Những tập tục cổ hủ này xuất hiện rất nhiều tại các vùng quê Ấn Độ.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình của Ấn Độ quy định, nữ dưới 18 tuổi và nam dưới 21 tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật. Những người kết hôn dưới độ tuổi cho phép có thể bị phạt tù 2 năm và phạt tiền tới 200.000 rúp (hơn 60 triệu đồng). Tuy nhiên, theo ước tính của UNICEF, có tới 33% các thiếu nữ Ấn Độ kết hôn trước khi họ bước sang tuổi 18. Việc tảo hôn phổ biến nhất ở các vùng nông thôn.

Theo ước tính của UNICEF, có tới 33% các thiếu nữ Ấn Độ kết hôn trước khi họ bước sang tuổi 18.

Theo ông Ved Prakash, một chánh án tại quận Chittorgarh cho biết: “Ngay khi chúng tôi biết những thông tin về một đám cưới trẻ em nào đó sẽ diễn ra, chúng tôi sẽ quyết tâm ra sức ngăn chặn nó lại. Tuy nhiên, để lách luật, các gia đình thường bí mật tổ chức cưới xin. Thậm chí, nhiều nhà chọn cách tổ chức cưới vào đêm hôm khuya khoắt để tránh bị người ngoài dòm ngó hoặc chính quyền phát hiện. Người lạ không bao giờ được phép vào dự các đám cưới này. Hôn lễ chỉ diễn ra dưới sự chứng kiến của những người thân của hai bên gia đình nhà trai và nhà gái”.
 
Cô dâu 13 tuổi đang phải thực hiện lễ cưới với chú rể 15 tuổi.

Họ đều là những trẻ em dưới tuổi vị thành niên và chưa có những kiến thức cơ bản về hôn nhân, gia đình.

Theo bà Kriti Bharti, người sáng lập hiệp hội Saarthi Trust, một tổ chức phúc lợi cho những cô dâu còn là trẻ con và có những tổn thương về tinh thần và thể xác, cho biết: “Tôi cảm thấy nghẹn ngào khi chứng kiến những đám cưới trẻ em thế này. Cảnh sát nên vào cuộc để ngăn chặn những hành động sai lệch này lại”.

Hiệp hội Saarthi Trust từ lúc thành lập cho đến nay đã giúp xã hội Ấn Độ ngăn chặn được 850 đám cưới trẻ em. Bà Kriti cho biết: “Xã hội chúng ta sẽ không thể phát triển khi còn tồn tại những tập tục cổ hủ thế này. Những phúc lợi dành cho trẻ em cần được cải thiện, và trẻ em luôn cần được bảo vệ. 

Để cải thiện tình trạng này, hiệp hội chúng tôi sẽ ra sức tiếp cận những người ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, truyền đạt cho họ những kiến thức về kết hôn và gia đình, tư vấn cho học những thông tin cần thiết. Để làm được điều đó rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương”.

Xã hội chúng ta sẽ không thể phát triển khi còn tồn tại những tập tục cổ hủ thế này.
Nguồn: Daily Mail
Chia sẻ