Chuyện thị phi của mỹ nhân thời xưa (P1): Điêu Thuyền, người đàn bà mở ra thời kỳ Tam Quốc phân tranh

Anh Đào,
Chia sẻ

Vẻ đẹp khiến “hoa hờn nguyệt thẹn” ấy ẩn chứa một nguồn sức mạnh phi thường đủ để làm cho bánh xe lịch sử phải đổi hướng.

Điêu Thuyền thực sự là ai?

Cái tên Điêu Thuyền trở nên lừng lẫy đến vậy là nhờ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Tương truyền, Điêu Thuyền tên thật là Hồng Xương, họ Nhiệm, sinh ở thời Đông Hán. Khi 15 tuổi, Điêu Thuyền vào cung làm nữ tỳ chuyên phục vụ chăm sóc trang phục cho các quan trong triều, sau đó mới đổi tiên.

Nàng là 3 trong số 4 tứ đại mỹ nhân Trung Hoa nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ít ai ngờ rằng, vẻ đẹp khiến “hoa hờn nguyệt thẹn” ấy lại ẩn chứa một nguồn sức mạnh phi thường đủ để làm cho bánh xe lịch sử phải đổi hướng khi khiến liên minh Đổng Trác - Lã Bố bị tan rã. Nhiều nhận định cho rằng Điêu Thuyền chính là “nữ tướng” mạnh nhất thời Tam Quốc.

Điêu Thuyền
Tạo hình của Điêu Thuyền trong phim cổ trang Trung Quốc.

Người con gái hồng nhan bạc mệnh

Sinh ra trong gia đình nghèo, trong lúc chạy loạn tới Lạc Dương, cha mất sớm vì bạo bệnh. Khổ sở vì không có tiền làm ma cho cha, Điêu Thuyền đã quỳ khóc suốt mấy ngày liền. May có Vương Doãn, một vị quan to trong triều thấy tình cảnh đáng thương ấy liền cho tiền nàng làm ma. Sau này, ông nhận nàng làm con nuôi.

Vương Doãn vốn là quan to trong triều nhưng lại không có quyền hành gì. Tất cả quyền lực nằm trong tay của thái sư Đổng Trác. Đổng Trác vốn nổi tiếng là người tàn bạo, hoang dâm. Thế nên, chẳng ai dám động tới ông cả. Đứng trước tình cảnh này, Vương Doãn và Điêu Thuyền đã bày kế ly gián liên hoàn nhằm lật đổ Đổng Trác.

Vương Doãn hứa gả nàng cho con nuôi Đổng Trác là Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác. Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố là mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ.

Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác. Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Lã Bố phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Đổng Trác để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình, từ đó mở ra thời đại Tam Quốc phân tranh.

Vì đã đem lòng yêu Lữ Bố từ khi ông ta cứu mình nên Điêu Thuyền chỉ muốn được gả cho vị tướng quân này. Nhưng vì cha nuôi mà nàng chấp nhận làm ‘gián điệp’, ly gián tình cha con. Sau khi thực hiện được mục tiêu, Điêu Thuyền trở thành thiếp của Lã Bố. Tuy nhiên, ngày vui của hai người kéo dài không lâu. Sau đó, thiên hạ đã loạn lại càng loạn hơn. Dư đảng của Đổng Trác đánh đuổi Lã Bố khiến Điêu Thuyền cũng theo đó mà chạy loạn khắp nơi. Hai người chưa hề có phút giây nào thảnh thơi uống rượu, ngâm thơ, đàm đạo.

Điêu Thuyền
Ảnh minh họa Điêu Thuyền và Lã Bố.

Lúc Lã Bố bị Tào Tháo giết, Điêu Thuyền theo người nhà Lã Bố tới Hứa Xương. Từ đó, Điêu Thuyền “bặt vô âm tín”. Sự biến mất của Điêu Thuyền đã trở thành một dấu hỏi lớn từ thời anh hùng tranh bá cho tới khi thống nhất đất nước mà chưa có lời giải đáp.

Sự biến mất bí ẩn của Điêu Thuyền

Điêu Thuyền về sau đi đâu, số phận ra sao cũng chưa có ai chắc bởi có quá nhiều giai thoại ghi lại để lại cho hậu thế. Có sách ghi lại rằng, nàng bị Tào Tháo bắt đem về phủ hầu hạ. Có nơi lại viết, nàng đã tự vẫn khi được Tào Tháo cống cho Quan Vũ nhưng không được sủng ái và đã tự sát.

Một thuyết khác lại nói, nhờ sự sắp xếp của Quan Vũ, Điêu Thuyền trở về quê hương, sống cho tới già. Cũng có người nói, sau khi về quê, Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật, yên bình.

Điêu Thuyền
Số phận của Điêu Thuyền đi đâu về đâu vẫn còn là câu hỏi bí ẩn.

Điêu Thuyền có thực sự xứng đáng là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa?

Có nhiều ý kiến nghi ngờ việc xếp Điêu Thuyền vào danh sách tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa bởi sắc đẹp của người phụ nữ này thực tế hết sức mờ nhạt. Điêu Thuyền chỉ được mô tả như một phụ nữ có diện mạo xinh đẹp và giỏi ca múa - mẫu người dễ dàng "lọt vào mắt xanh" của những nhân vật thô thiển như Đổng Trác và Lữ Bố. Trong khi đó, khả năng âm nhạc, thi ca và tài ngoại giao của những Dương Quý Phi, Tây Thi hay Vương Chiêu Quân lại là một đẳng cấp hoàn toàn khác.

Dù Điêu Thuyền chỉ là nhân vật trong truyền thuyết nhưng từ đây, có một bài học được rút ra cho các đấng anh hùng là đừng vì mĩ nhân mà đánh mất giang sơn. Điêu Thuyền thời bấy giờ chính là một ‘minh chứng’ lịch sử cho việc sắc đẹp làm bại hoại quốc gia, quần thần tranh mỹ nữ.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ