Chuyện phiếm với Hà Anh về thời trang

Minh Cao,
Chia sẻ

Thiếu chuyên nghiệp, non nớt, công nghệ hình ảnh chưa phát triển, ít có chuyên gia thực sự trên sàn catwalk... đó là những nhận định của Hà Anh về thời trang Việt.

Có nhiều ý kiến cho rằng thế hệ người mẫu trẻ Việt Nam bây giờ đang khủng hoảng, Hà Anh nghĩ sao?

Hà Anh nghĩ không hẳn là “sự khủng hoảng”. Có lẽ người ta muốn nói đến số lượng người mẫu tỉ lệ nghịch với chất lượng chuyên nghiệp. Rất nhiều người mẫu trẻ đang đi lên nhưng chưa thật sự đi vào "chuyên nghiệp". Hà Anh nghĩ có nhiều yếu tố dẫn đến điều này. So với những người mẫu lâu năm, thì tính nghề, trải nghiệm và bản lĩnh sân khấu của người mẫu trẻ bây giờ chưa nhiều.

 
Nhìn chung bây giờ có nhiều gương mặt trẻ có nhiều triển vọng. Có những người mẫu trẻ đi lên từ vị trí cao trong các cuộc thi người đẹp, nhưng sắc đẹp chưa gọi là đủ. Họ đều thiếu sự đầu tư sâu sát để có được nhiều kinh nghiệm sân khấu, để làm chủ bản thân, tự tin trên sàn catwalk với kỉ luật sân khấu chặt chẽ, khả năng xử lí tình huống nhạy bén và thông minh trên sân khấu. Ngoài ra còn là khả năng vận dụng ngôn ngữ cơ thể của mình để thể hiện xuất sắc.
 

Cách xử lý tình huống trên sân khấu? Điều này hẳn là quan trọng trong sự đánh giá về tính chuyên nghiệp của người mẫu Việt Nam.

Đúng. Và điều này thể hiện rõ trong nền thời trang Việt Nam: còn non trẻ và chưa chuyên nghiệp. Ví dụ, có những người mẫu thăng hoa với sân khấu mà diễn quá mức so với kịch bản có sẵn. Kịch bản có sẵn bao gồm rất nhiều bước, từ chỉ định số nhịp đi, đến thời gian phân cảnh… Nên khi vô tình phá vỡ kỷ luật sân khấu, thì người mẫu đi sau sẽ gặp sự cố, họ phải nhanh nhẹn xử lí để tạo lại đội hình sân khấu. Thành ra khi diễn trên sàn catwalk, ngoài việc cần tự điều chỉnh kĩ thuật của bản thân, cũng cần biết, và đoán được các tình huống xảy ra. Bởi khi diễn thời trang, sự kết nối và cộng tác giữa các cá nhân người mẫu là một trong những yếu tố then chốt tạo nên vẻ đẹp cho buổi diễn. 

Với 4 năm kinh nghiệm diễn thời trang trên thế giới, Hà Anh có thể chia sẻ ý kiến của mình về các lò luyện người mẫu bây giờ được không? 

Chủ yếu các bạn trẻ bây giờ tự luyện cách nhìn thời trang bằng sự mày mò, tìm hiểu qua các kênh thông tin. Ít có chuyên gia thật sự trên sàn catwalk để hướng dẫn các bạn về những tiêu chuẩn tương đối của thời trang thế giới. Chỉ 7 năm trở lại đây, theo Hà Anh, thì ngành thời trang Việt Nam mới có những bộ ảnh có định hướng thời trang rõ rệt.
 
Có phải lí do đến từ sự thiếu chuyên biệt trong ngành thời trang?
 
Thời trang có nhiều loại hình. Từ diễn trên sàn catwalk, đến chụp hình thời trang quảng cáo, từ chụp hình cho báo chí đến những yếu tố tiểu tiết như makeup, làm tóc… Ở Việt Nam, người mẫu kiêm luôn nhiều chức năng thời trang, chưa có sự chuyên môn hóa riêng biệt với các định hướng thời trang nói trên. Chính thế nên ở mỗi định hướng, thì sự chuyên nghiệp cũng chưa thật rõ. Với bề dày còn non trẻ và công nghệ hình ảnh chưa thật phát triển, thì rất cần xây dựng một môi trường thời trang gắn liền với văn hóa thời trang để phát triển tốt hơn. 

"Công nghệ hình ảnh" xem ra là một cụm từ rất nhiều tính chuyên môn. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng gần đây có rất nhiều bộ ảnh thực sự là gây ấn tượng của thời trang Việt chứ?

Cái Hà Anh muốn nói đó là việc tạo dựng hình ảnh tĩnh trong các bộ ảnh thời trang. Có rất nhiều nhiếp ảnh gia tên tuổi ở Việt Nam sâu sắc trong nghề nghiệp và xuất sắc trong sáng tạo. Có rất nhiều tay máy trẻ tuổi giàu sáng tạo, đặc biệt là có cái nhìn thời trang. Nhưng đó chưa phải là công nghệ! Mọi sản phẩm tạo ra từ sự tự tìm tòi, học hỏi thế giới, bởi họ chưa có điều kiện sinh ra trong môi trường thời trang để có điều kiện tiếp xúc với những cái nhìn thời trang toàn diện.  

Thời trang là một thứ nghệ thuật, và nghệ thuật thì thường là không có giới hạn, khuôn khổ. Vậy thì thước đo của thời trang là gì?

Đằng sau mỗi bộ trang phục là một câu chuyện. Như Roberto Cavalli thổi hồn Bohemian vào các trang phục của mình. Là những gì? Là sự xuyềnh xoàng trong trang phục, hoang dã trong makeup, tự do trong âm nhạc, nhưng tất cả đều có chủ ý, diễn tả sự khao khát tự do và khát vọng sống. Mỗi thứ đều theo một logic văn hóa nhất định. Và người mẫu hiểu được những điều đó để diễn tả bộ trang phục mình đang mặc. Thời trang cũng được nằm trong hệ quy chiếu của thứ gọi là văn hóa thời trang thôi. 

Vậy về văn hóa thời trang Việt Nam, ví dụ một người mẫu trong đêm diễn các trang phục về Hà Nội xưa nên có những điều gì? 

Để gợi mở cảm hứng về một Hà Nội xưa, có lẽ ngoài sự diễn tả của người mẫu, cần nhiều tương hỗ từ ánh sáng, âm nhạc và cảm hứng sáng tác của nhà thiết kế. Khi một người con gái Á Đông mặc tà áo dài thanh lịch ấy xuất hiện trên sàn diễn, thì có lẽ điều đầu tiên nên hiểu văn hóa của chính mình, và hiểu được ranh giới của thời trang với các nghệ thuật khác.  

Chính thần thái của người mẫu sẽ thổi hồn cho bộ sưu tập. Từ ánh mắt nữ tính nhưng bí ẩn, từ sự duyên dáng đến thanh lịch, từ dáng đi đến ngôn ngữ cơ thể đến cách suy nghĩ cởi mở… Tất cả đều là chất liệu đẹp cho đêm diễn thời trang. Bởi nếu hiểu được văn hóa từ bộ trang phục và hiểu sứ mệnh của mình là truyền tải vẻ đẹp của bộ sưu tập, thì người mẫu sẽ không bao giờ bị nô lệ cho một bộ trang phục nào, và rất tự nhiên.
 
 
Bài và ảnh: Minh Cao
Chia sẻ