Que cấy tránh thai và một vài rắc rối thường gặp khi sử dụng

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Que cấy tránh thai là một trong các dụng cụ có tác dụng tránh thai hiệu quả cao và được khá nhiều chị em sử dụng. Nhưng không phải ai sử dụng biện pháp này cũng thuận lợi.

Tôi dùng que cấy tránh thai tại bệnh viện, nhưng 9 tháng sau đó không có kinh. Sau đó có có kinh trở lại nhưng lại bị rong đến 2 tháng chưa hết. Tôi đi khám thì bác sĩ cho siêu âm, kết quả là bình thường. Bác sĩ kết luận do rối loạn nội tiết và kê thuốc uống. 

Nhưng đến nay tôi vẫn chưa hết kinh. Tôi đang rất lo lắng và không biết mình có bị sao không. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Hồng Linh)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Hồng Linh thân mến,

Cấy que tránh thai cũng là một trong những biện pháp tránh thai có hiệu quả cao và được khá nhiều chị em sử dụng. Que cấy tránh thai là một que nhỏ chứa hormone progesterone và được cấy vào dưới da để tránh thai. Hormone sử dụng trong que cấy tránh thai là progesterone: levonorgestrel hay etonogestrel. Số lượng que cấy có thể từ 1 đến 6 que tùy loại.

Hoạt động của que cấy tránh thai là hàng ngày, que sẽ tiết ra hormone progesteron có tác dụng ngăn cản quá trình rụng trứng. Mặt khác, que cũng "củng cố" nút nhày ở cổ tử cung, không cho tinh trùng đi vào đó. Mỗi lần cấy que tránh thai có thể đạt hiệu quả từ 3-5 năm.

Mỗi lần cấy que chỉ mất vài phút (mất 1,5 phút để đặt vào và 3,5 phút để tháo ra) và được thực hiện từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt. Khi thực hiện cấy que chỉ cần gây tê tại chỗ.

Que cấy tránh thai và một vài rắc rối thường gặp khi sử dụng 1
Không phải ai sử dụng biện pháp cấy que tránh thai cũng thuận lợi. Ảnh minh họa

Phương pháp này có thể có lợi cho những chị em không thích hợp với việc dùng các loại thuốc tránh thai (có chứa oestrogene và progesteron), những người bị bệnh tim mạch, hút thuốc hoặc không muốn áp dụng phương pháp đặt vòng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp với việc cấy que tránh thai và việc cấy que lúc nào cũng thuận lợi. Rất nhiều chị em gặp phải những tác dụng phụ sau khi cấy que, bao gồm: rối loạn chu kì kinh nguyệt (không thấy kinh hoặc thấy ít, rong kinh), chóng mặt, chảy máu thường xuyên...

Bạn đã cấy que tránh thai và thấy không có kinh trong vòng 9 tháng, sau đó lại có kinh trở lại nhưng rong kinh... có thể nói đây là những dấu hiệu tác dụng phụ của biện pháp này mà thôi. Nếu bạn đã đi siêu âm và kết luận là do rối loạn nội tiết thì bạn cũng không nên lo lắng quá. Rất nhiều chị em cũng rơi vào tình trạng này. Đó là do cơ thể phản ứng lại với các hormone có trong que cấy. Và trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nội tiết cho chị em uống để cân bằng các yếu tố nội tiết trong cơ thể.

Bạn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sau khi hết thuốc thì đi khám lại để xem có tiến triển tốt hơn không. Các bác sĩ căn cứ trực tiếp vào những thay đổi của cơ thể bạn để biết nên có phương án điều trị phù hợp thế nào. trong trường hợp cơ thể bạn không thể dung hòa với que cấy tránh thai thì phương án cuối cùng sẽ là lấy que cấy ra và bạn có thể chuyển sang sử dụng biện pháp tránh thai khác.

Chúc bạn vui khỏe!


Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Muốn ngừa thai hiệu quả cũng phải dựa theo tuổi tác nữa đấy
Que cấy tránh thai và một vài rắc rối thường gặp khi sử dụng 2
Chia sẻ