Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết vui khỏe, không gặp biến chứng nguy hiểm

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Thống kê cho thấy hiện có khoảng 4 triệu người Việt đang bị đái tháo đường. Vào dịp Tết hầu hết các thức ăn như bánh chưng, lạp xưởng... đều có chỉ số đường huyết hoặc chỉ số muối natri rất cao, nếu người bệnh không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ gây hại cho sức khỏe.

Thông tin này được bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết trong buổi trò chuyện ra mắt chương trình "Dinh dưỡng diệu kỳ" do Đài truyền hình TP.HCM sản xuất, nhằm góp phần phổ biến kiến thức về dinh dưỡng đến cộng đồng.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 1.

Chuyên gia chia sẻ về câu chuyện dinh dưỡng cho người dân.

15% trẻ độ tuổi học đường bị cao huyết áp

Theo bác sĩ Diệp, hiện nay tuổi thọ người dân ngày càng cao, kéo theo gánh nặng bệnh tật càng lớn.

Các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 2.

Bác sĩ Diệp cung cấp tình hình bệnh đái tháo đường của người Việt.

Ước tính có khoảng 4 triệu người Việt Nam bị đái tháo đường, 30% người dân có rối loạn đường huyết. Ở TP.HCM, tỉ lệ bị đái tháo đường gấp đôi tỉ lệ trung bình cả nước.

Trong đó, phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ xuất phát từ lối sống không phù hợp, ăn quá ngưỡng chiếm tỉ lệ 11%.

Ở trẻ em, béo phì cũng là một thực trạng đáng ngại. Có 15% trẻ trong độ tuổi học đường bị tăng huyết áp vì dinh dưỡng không hợp lý, dẫn đến thừa cân.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 3.

Bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng được điều trị.

"Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giảm 40% nguy cơ ung thư, khoảng 40-60% các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch... và giúp nâng cao thể hình, thể chất, phát triển xương.." - Bác sĩ Diệp nói.

Tết Nguyên đán 2019 đang đến gần, đây là thời điểm mà tiệc tùng ăn uống diễn ra liên tục. Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ, đồ ăn dịp Tết hầu như đều có chỉ số đường huyết và muối Natri rất cao.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 4.

Thức ăn chứa nhiều muối có hại cho sức khỏe người bệnh tiểu đường.

"Chỉ cần ăn 1 cây lạp xưởng đã chiếm 30% lượng muối cơ thể cần cho 1 ngày. Con số này lên đến 60% khi ăn 1 quả trứng kho và 1 miếng thịt.

Chỉ số đường huyết của bánh chưng là 86, cao hơn cơm gạo (76-77) và cao gần gấp 3 lần khi ta ăn bưởi. Do đó để không làm đường huyết tăng cao khi ăn bánh chưng là phải kết hợp ăn kèm với nhiều rau, tăng cường chất xơ" - bác sĩ Diệp phân tích.

Người bị đái tháo đường cần ăn uống điều độ, tuân thủ giờ ăn để uống thuốc, đồng thời phải tuân theo nhịp điệu khoa học của cơ thể.

Người đái tháo đường nên ăn uống thế nào ngày Tết?

Những món ăn truyền thống trong ngày Tết đều là những món nhiều năng lượng. Chất bột đường, chất béo và nhiều muối… lại là những thành phần mà người đang mắc bệnh đái tháo đường cần ăn kiêng.

Nhưng theo bác sĩ Diệp, nói như vậy không có nghĩa là kiêng khem quá mức khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi, căng thẳng với bệnh tật.

Nếu không phải nhập viện hoặc đang điều trị các biến chứng của bệnh, người đái tháo đường vẫn có thể ăn chung cùng gia đình và ăn được tất cả các món cổ truyền ngày Tết. Chỉ cần chú ý ăn bằng với số lượng thực phẩm trong khẩu phần ăn của mình như ngày thường.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 5.

Người bệnh không kiêng khem quá mức mà vẫn ăn uống như bình thường, đúng giờ, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Cụ thể, nếu ngày thường mỗi bữa ăn một chén cơm thì ngày Tết có thể ăn một góc tám (1/8) bánh chưng loại một ký hoặc 1/2 chén xôi, 5-6 cái bánh tráng cuốn với thịt kho rau sống… và không được ăn thêm cơm trong bữa ăn đó.

Nếu ăn cơm với món thịt kho trứng thì nên ăn phần nạc bỏ mỡ, chỉ ăn 1/2 quả trứng, hạn chế chan phần nước thịt kho để tránh đưa vào cơ thể nhiều chất béo và nhiều muối.

Hạn chế ăn củ kiệu, dưa hành, dưa món, dưa giá vì có nhiều muối không có lợi cho sức khỏe.

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 6.

Ăn nhiều trái cây.

Ăn khoảng 200-250g trái cây mỗi ngày là đủ. Nên chọn các trái cây ít ngọt nhiều chất xơ như bưởi, ổi, sơ ri, mận, táo… muốn ăn trái cây ngọt thì nên ăn xen kẽ các bữa ăn chính và nên ăn trái cây nguyên miếng.

Bánh, kẹo, mứt, các loại chỉ nên ăn bằng 1/10 người thường. Kiêng khem nước ngọt. Ngoài ra, nên ăn các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa…

Chuyên gia mách nước cho 4 triệu người Việt bị tiểu đường cách ăn Tết đậm đà, không gặp biến chứng nguy hiểm - Ảnh 7.

"Nói không" với rượu, bia, nước ngọt.

Cố gắng duy trì 3 bữa ăn chính đúng giờ, uống nhiều nước lọc hoặc nước trà xanh, hạn chế nước ngọt, bia rượu đến mức thấp nhất (tối đa 2 đơn vị cồn/ngày).

Cùng với chế độ ăn, người bệnh đái tháo đường phải nhớ uống thuốc đầy đủ hàng ngày, đúng giờ. Tránh tâm lý kiêng uống thuốc ngày Tết vì có thể gây hậu quả xấu đến sức khỏe.

Chia sẻ