Chuyện cổ tích về hai người đàn bà chung chồng

Đinh Liên,
Chia sẻ

Câu chuyện về hai người phụ nữ chung chồng, cùng sống dưới một mái nhà, mà cơm lành, canh ngọt, cùng nhau chăm 5 đứa con cả lành lặn lẫn tật nguyền thật sự làm người đọc cảm động.

Tìm vợ cho chồng

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà vách nứa của bà Trương Thị Bích (Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) vào một ngày giá rét. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, hở trước, trống sau là nơi sinh sống của 7 con người cả già lẫn trẻ…

Trong ngôi nhà tồi tàn, tường bở loang lổ có ba giường mục và duy nhất một chiếc tủ gỗ ọp ẹp, bốn bề trống huếch. Bà Bích cười buồn, phân trần: “Nhà chỉ có hai bà còng với năm đứa nhỏ chứ có gì đâu mà cần cửa rả”. Ấy là bà nói thế cho vui, chứ ngôi nhà tuềnh toàng này trộm thì chả lo, chỉ lo mưa gió. Mùa hè cửa mở cho thoáng, còn mùa đông gió mùa thông thốc thì da thịt nào chịu thấu...

Bà Bích lấy ông Nguyễn Văn Thư khi ông trở về từ mặt trận với chế độ thương binh hạng 3/3, hưởng 70 đồng/tháng. Ông Thư đi kháng chiến từ năm 1962 - 1976, trải qua nhiều vùng bom đạn khốc liệt, từng lập nhiều chiến công.
Bà Duệ chăm hai con khờ khạo của bà Bích

Một năm sau ngày cưới, đứa con đầu lòng của ông bà Nguyễn Thị Bài ra đời - khờ khạo và ngơ ngác. Đứa con thứ hai (SN 1974) vừa lọt lòng mẹ đã ngừng thở. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, cậu con trai Nguyễn Văn Thu (SN 1975) và cô con út Nguyễn Thị Tĩnh (SN 1983) cũng cùng chung cảnh ngộ: Không biết đi đứng, nói năng, chỉ thi thoảng ú ớ phát âm một cách vô thức.

Thương chồng, xót con mà bất lực, bà Bích thức trắng nhiều đêm. Bà lo ông Thư phận làm con trưởng, đứng mũi chịu sào trong gia tộc mà chưa trọn đạo, sau này xế bóng về già cũng không biết nương tựa vào đâu?
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà Bích vẫn làm lụng vất vả

Thôi thì số kiếp mình vậy”, bà Bích ngậm ngùi xót xa riêng mình, chẳng hề so đo tính nhẽ thiệt hơn. Bà gạt nước mắt, nén nỗi đau, xuôi ngược khắp xóm trên làng dưới đi tìm vợ lẽ cho “đức lang quân” đã chung chăn gối hơn chục năm ròng, chỉ mong trời đoái thương cho ông đứa con lành lặn để nối dõi…
 
Chung chồng, chung cả nỗi đau

Ngày ấy, có bà Duệ bên xã Tuyết Nghĩa, lúc đó còn làm ở HTX nông nghiệp, Bà Duệ trước vốn là thanh niên xung phong, nhan sắc nổi tiếng một vùng. Vì ôm mối tình đầu sâu nặng với anh lái xe hi sinh ngoài mặt trận mà để mặc tuổi xuân đi qua. 37 tuổi, bà Duệ đã định sẽ ở vậy, không màng xây dựng hạnh phúc gia đình…

Biết gia cảnh người phụ nữa làng bên, bà Bích qua lại động viên, thăm hỏi, sớm tối chuyện trò, nghẹn ngào tỏ bày niềm mong mỏi kết tình chị em. Ân tình ấy khiến bà Duệ cảm động, xuôi lòng. Đám cưới đơn sơ của bà Duệ - ông Thư được tổ chức trong một ngày bình dị năm 1986, cũng do một tay bà Bích lo liệu. Từ dạo ấy cho tới khi ông Thư nằm xuống (năm 1997), trong căn đơn sơ giữa thôn Thông Đạt, chưa ai nghe thấy một tiếng cãi vã, hờn ghen giữa hai người đàn bà...cùng chung sống với một ông chồng!
 
Hai bà vợ coi nhau như chị em (ảnh: VTC)
 
Chín bỏ làm mười”, bà Bích giãi bày: “Đã coi nhau là chị em thì không có gì là không thể sẻ chia, bao dung cả…”

May mắn sao, cả 3 đứa con của bà với ông Thư đều... lành lặn! Đứa con trai cả ra đời (1987) như bao đứa trẻ khác, mừng quá, bà đặt luôn tên là Được. 4 năm sau, bà có thêm cái Huệ, cái Hoà. Ngôi nhà đơn sơ líu lo tiếng nô đùa con trẻ …

Bà Duệ luôn coi hai đứa con khốn khổ của bà Bích như con mình dứt ruột đẻ ra. Cũng như ba đứa con bà, yêu thương cả hai mẹ như một. Cùng là đàn bà với nhau, bà Duệ thấu hiểu hơn ai hết suy nghĩ của bà Bích. Phúc phận làm mẹ, bà chẳng gom riêng cho mình. Nỗi đau của bà Bích, bà chia vai gánh bớt. Hai người đàn bà chung chồng, chung cả nỗi buồn vui, vun đắp tình mẫu tử và san sẻ những đắng cay, cơ cực. Ở họ sự hy sinh, nhẫn nhịn đã vượt lên mọi nhỏ nhen, nanh nọc của cuộc đời.
 
Đến thăm căn nhà tồi tàn của hai bà Bích – Duệ, không thấy có cảnh bà cả bà hai, chỉ có em và chị. Bao nhiêu năm qua, họ nương tựa vào nhau mà sống, tình như ruột thịt. Bà Bích thương dì Duệ: “Về làm dâu việc gì cũng đến tay, tôi chẳng đỡ đần gì được. Nghĩ cực cho dì quá!”. Bà Duệ cười xòa: “Chị còn tham công tiếc việc hơn cả em. Sức vóc đã vậy rồi cứ cố mãi, ốm ra lại khổ”.
Theo cuốn sổ này, bà Duệ có quan hệ là em với bà Bích (ảnh: VTC)

Hai đứa con bà Bích - Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Thị Tịnh ngày một yếu. Bởi thế suốt mấy năm trời nay bà không đêm nào có một giấc ngủ an lành. 5 năm trước, người con cả Nguyễn Thị Bài bỏ bà ra đi trong một trận sốt rét ác tính. Giờ đây những cơn sốt rét ám ảnh ấy lại tấn công Thu và và Tịnh. “Một tuần mấy đêm liền chúng nó lên cơn sốt, co giật dữ lắm. Tôi gom tất cả chăn, vải trong nhà, rồi mẹ nằm ôm con mà chúng vẫn không hết lạnh. Cũng may còn có thêm dì Duệ với 3 đứa nhỏ đã biết đỡ đần”.

Vắt qua hai thế kỷ, nỗi nhọc nhằn của kiếp người vẫn chưa thôi đè nặng lên hai tấm lưng oằn còng mệt mỏi. Hai người mẹ tảo tần bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vắt kiệt những giọt mồ hôi tuổi tác, gắng gỏi nuôi 5 đứa con.

Bán những hạt thóc cuối cùng lấy tiền mua sách cho cái Huệ, cái Hòa, bà Bích buồn rầu nói: “Sống chết thế nào cũng phải cho mấy đứa đi học, có cái chữ sau này bớt khổ.Chẳng biết sắp tới sẽ sống bằng cái gì đây? Chị em tôi chịu khổ đã đành, nhưng còn mấy đứa nhỏ, không lẽ bắt tụi nó nhịn đói?”.
 
Nhìn hai người đàn bà lưng còng, đã già yếu, cùng 5 đứa con, ai cũng thương xót, cảm động. Câu chuyện về tình người, tình chị em của hai người đàn bà chung chồng, chung nỗi đau thật sự khiến người ta cảm động. Ở họ, đức hi sinh, tình thương lớn hơn mọi nhỏ nhen, toan tính đời thường...
 
Chia sẻ