Chưa tăng học phí: Trường ĐH được tự chủ 'kêu cứu'

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Nếu chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 thì dự kiến nguồn kinh phí của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ viên chức, người lao động và không duy trì được hoạt động bình thường.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (từ đây gọi là Nghị định 81).

Chưa tăng học phí: Trường ĐH được tự chủ 'kêu cứu' - Ảnh 1.

Ảnh: Mạnh Thắng

Tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định này và không tăng học phí năm học 2023 - 2024 ; trình Chính phủ trước ngày 8/8.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81 theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.

Trước thông tin này, Trường ĐH Y dược Thái Bình có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đề xuất mức thu học phí năm học 2023 - 2024 và cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định 81.

Theo đó, Trường ĐH Y dược Thái Bình cho biết Trường là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành Khoa học sức khỏe ở trình độ ĐH, sau ĐH cho Việt Nam, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Mô - dăm - bích và Hàn Quốc với quy mô 6.500 học viên, sinh viên và tuyển sinh mỗi năm khoảng 1.500 học viên, sinh viên.

Nhà trường được Bộ Y tế giao tự chủ mức 2 (đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên) từ năm 2021.

Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của trường gồm: học phí trên 90% và thu dịch vụ đạo tạo, thu khác gần 10%.

Trong 3 năm học qua thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhà trường duy trì, không tăng học phí (mức thu 1.430.000 đồng/sinh viên/năm học) và đã cố gắng tối đa cân đối thu, chi để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Từ 1/7 nhà trường đã điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định với mức tăng tương đương trên 20% so với mức lương cơ sở hiện hành.

Chính vì những lí do trên, Trường ĐH Y dược Thái Bình cho rằng nếu thực hiện theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhà trường là một trong những đơn vị tự chủ không có ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên; học phí 4 năm liên tục không tăng; chi phí đào tạo cho ngành Khoa học sức khỏe rất cao nên dự kiến nguồn kinh phí năm học 2023 - 2024 của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, lương, phụ cấp... và không duy trì được hoạt động bình thường.

Vì vậy, Trường ĐH Thái Bình đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường ĐH đã được giao tự chủ mức 1 (tự chủ 1 phần chi thường xuyên), mức 2. Trường hợp được tăng học phí, nhà trường cam kết thực hiện đúng các quy định hỗ trợ các học viên, sinh viên diện khó khăn theo qui định của Chính phủ và có hỗ trợ của nhà trường để đảm bảo người học có đủ điều kiện theo học tại trường.

Nếu không được điều chỉnh mức học phí, nhà trường cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục ĐH theo đúng mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định 81 cho các đơn vị tự chủ mức 1, mức 2.

Chia sẻ