Chưa cưới thì "hăng", cưới xong lại "ỉu"

Theo DatViet,
Chia sẻ

Chưa cưới thì sẵn sàng “phi” 200 cây số về để được “yêu” nàng một đêm, giờ thấy nàng mặc váy ngủ lại gần thì vội vàng… lỉnh đi xem bóng đá.

100 vụ “ăn cơm trước kẻng” thì chắc phải có ít nhất 95 vụ do nam giới khởi xướng. Điều này được các chàng biện bạch là “nhu cầu tình dục của nam giới bao giờ chả cao hơn, không kiềm chế được cũng là thường”. Nhưng với những cặp đã cưới được một số năm thì có vẻ điều đó không hẳn đúng.

Thấy vợ mặc váy ngủ sexy, xức nước hoa là… sợ

“Quái lạ các ông ạ, cái món kia ấy mà, sao hồi chưa cưới thì máu thế, hăng thế, mà cưới xong thì ỉu thế, cứ là xịt như pháo ướt”, một anh mở đầu cho màn tán gẫu về sex giữa các quý ông. Thế là những chàng khác hưởng ứng rào rào.

“Tôi đây này”, một anh nói, “hồi yêu nhau nàng ở Hà Nội, tôi đi làm tận Thanh Hóa. Phải năn nỉ gãy lưỡi, tận tâm tận lực chứng tỏ lòng thành mới được nếm trái cấm. Nếm được rồi đâm nghiện, những lúc được ở gần nhau thì bao nhiêu cũng không vừa. Nhiều lần hễ có dịp là tôi phi xe máy hoặc bắt xe khách đi 200 cây số về Hà Nội chỉ để gặp và ‘yêu’ nàng một tối, sáng hôm sau từ sớm tinh mơ lại vượt 200 cây số đi làm. Thế mà bây giờ sao thấy oải thế không biết. Rõ ràng vợ ngày càng biết làm đẹp hơn, tôi cũng chẳng mê cô nào khác, ấy thế mà cứ thấy vợ gợi ý chuyện đó là chỉ muốn trốn. Mà có vẻ bà ấy càng có tuổi càng thích cái món kia, lại được báo chí mách nước nên chịu khó đầu tư nào váy ngủ sexy, nào nến, nào nước hoa để âm mưu hâm nóng hâm nguội gì đó, mà nói trắng ra là đòi nợ, là truy sát chồng. Tối muộn hễ thấy vợ bắt đầu nhẹ nhàng tiến lại gần với cái váy ngủ hở ngực, nước hoa thơm lừng là tôi phải kiếm cớ tẩu thoát. Khi thì tôi ôm gối ra phòng khách xem bóng đá, lúc lại kêu phải làm việc. Khổ thật”.

Một anh khác kể lể: “Tôi còn thảm hơn ông. Mụ vợ tôi nghĩ tôi là chồng nó thì có nghĩa vụ phải hầu hạ nó, đáp ứng đủ nhu cầu. Thế nên nó chả thèm nến niếc hay váy ngủ nước hoa gì sất, giá mà có thì tôi còn được trợ giúp một tí. Mụ ấy cứ thỏ thẻ với tôi rằng anh ơi báo chí đã nói rồi máy phải chạy đều thì mới không hỏng, tuổi chúng mình đầu ba thì ba chín hai bảy, 20 ngày 7 lần, chỉ cần thế thôi anh ạ. Ối giời ôi, cái chỉ cần thế thôi của mụ, tôi có dốc hết vốn liếng ra cũng không trả đủ. Thế là nó hờn, nó trách, nó nghi. Hôm nào nó cũng căn vặn đi đâu mà về muộn thế, áo cởi ra nó ngửi, nó xem có dấu vết gì lạ không. Nó lại còn dựa vào cớ đấy để lục ví của tôi, giữ tiền tôi vì nếu nhiều tiền sợ anh lại rửng mỡ cho gái hết. Đúng là đàn bà nguy hiểm còn hơn thú dữ”.
 
 
"Ruộng nhà không đổ, đổ đi đâu?"

Trong khi các đức lang quân kể tội tham lam vô độ của bà xã trong chuyện giường chiếu thì các bà lại cũng gặm nhấm bao nhiêu “oán hờn” vì sự bỏ bê của chồng.

“Hồi chưa lấy nhau, lão ấy làm như mình là nữ hoàng, toàn ngon ngọt xin mình ban ân huệ, lúc nào cũng xuýt xoa rên lên là sao em đẹp thế, anh thật diễm phúc này nọ. Lúc nào cũng đòi, xong lần nào cũng cám ơn. Giờ thì năm thì mười họa lão mới đụng đến vợ, mà lúc nào cũng qua qua quýt quýt chỉ biết cái thân mình, chẳng cần ngó xem vợ đẹp xấu ra sao chứ đừng có nói là khen. Mình có mặc váy lụa hay giẻ rách, lão cũng chả cần biết, vì đằng nào cũng chả kịp ngắm”, một bà U40 xả stress.

Bà khác đế vào: “Chẳng qua là cả thèm chóng chán. Cứ lấy cớ mệt nọ mệt kia để trốn vợ thôi, chứ tôi biết, mới chừng ấy tuổi làm sao mệt được, đến những ông già 80 tuổi mà con ham hố, thậm chí còn đẻ con. Đây chẳng qua là chê vợ già, vợ là đồ cũ ấy mà, thử cho một đứa gái trẻ xinh nõn ra xem, lại chẳng khỏe như vâm ý chứ. Thế nên tôi là tôi quán triệt quy định, mệt cũng tuần hai lần, làm thế nào thì làm. Đằng nào cũng chừng ấy phân gio thóc giống, không đổ ruộng nhà thì chắc chắn là đổ ruộng lạ, đừng có đùa với tôi”.

Tại ông hay tại bà?

Có lẽ là cả hai. Như trường hợp của nhà anh Phê, chị Liễu thì chắc chắn lỗi thuộc về đấng lang quân mê chơi điện tử. Vẫn phải kiếm tiền nên anh chẳng dám lơ là công việc, ngày ngày vẫn đến giờ là đi, làm hết công suất, hết giờ mới về. Nhưng kể từ lúc đó toàn bộ con người anh dành cho game, cấm ai làm phiền, xâm phạm chút quyền thư giãn cuối cùng còn sót lại này của anh. Chỉ trừ lúc đi vệ sinh và lúc ăn tối, anh mới chịu rời khỏi máy. Thậm chí vào bữa, anh cũng ăn vội ăn vàng để còn lao trở lại “chiến đấu”, mặc kệ vợ con ngồi bên mâm với nhau.

Đến tắm rửa còn không cần thì dĩ nhiên chuyện “mây mưa” cũng được Phê xếp vào hàng mục “lưu kho”. Đêm khuya, đặt cái lưng mỏi dừ vì ngồi cả ngày bên máy xuống giường, Phê sức cùng lực kiệt chỉ muốn ngủ ngay thì vợ khều khều gợi ý. Anh chàng gạt phắt ra: “Mai người ta còn đi làm sớm”. Vợ có dỗi thì anh phẫn nộ: “Cô bóc lột chồng vừa chứ. Tôi ngày đã làm việc như thằng khổ sai, tối cũng không được yên thân”.

Nếu như Phê chủ yếu đốt sức vào game thì anh Hùng đúng là làm việc khổ sai thật. Anh làm ngày làm đêm, công việc càng có thành tựu thì anh càng mê, càng cố. Ai cũng nói Hùng bị nghiện việc. Với anh, công việc là trên hết. Công việc lấy hết quỹ thời gian và quỹ sức khỏe của anh nên vợ dĩ nhiên là hết phần. Chị đang mơn mởn xuân xanh, khát khao rừng rực, nhưng không dám kêu ca gì vì anh là trụ cột kinh tế, vả lại anh “yếu” cũng vì công việc, để lo cho vợ con ấm no chứ chẳng phải chơi bời gì nên Liễu cũng không có cớ để phàn nàn.

Thế nhưng nhiều lúc các ông chồng cũng muốn mặn nồng với vợ lắm mà không nổi, vì đúng là các bà “cũ quá, nhàm quá”. Anh Quý, 40 tuổi, tâm sự: “Bà ấy lúc nào cũng trách móc là hồi chưa cưới anh mê em thế nào, giờ thì không thèm đụng đến. Sao bà ấy không thấy trước và sau cưới và ấy biến hình như thế nào. Trước đi đâu cũng phấn son, ăn diện, đến khi lừa được tôi vào tròng rồi, chắc ăn rồi là chẳng cần chưng diện gì nữa. Lúc nào cũng đầu bù tóc rối, da nẻ mốc thếch cũng chẳng thèm bôi tí kem, quần áo thì ai cho cũng mặc để khỏi phải mua, lúc thì như nghé cưa sừng, khi lại như hội phụ lão, đến chán”.

Úi xùi như vợ Quý chắc là trường hợp “nặng”, điển hình. Đa số chị em ở mức nhẹ hơn, nhưng cũng đủ làm chồng hết hứng, như đi làm thì diện, về nhà lôi thôi, mặc mãi một kiểu đồ bộ nhàm chán và cứng nhắc, móng tay sứt sẹo, rồi trong “chuyện ấy” thì thụ động, không chịu “cải tiến” hay “sáng tạo”….

Nhưng dù lỗi thuộc về ai, nếu chỉ một trong hai người nhận ra sự nguy hiểm của tình trạng “lảng tránh” thì tình trạng người “đòi nợ”, kẻ chạy trốn vẫn diễn ra dài dài.

Chia sẻ