Chữa cháy nhà siêu cao tầng: Bộ Công an nghĩ tới phương án máy bay không người lái

Luân Dũng,
Chia sẻ

Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái phục vụ chữa cháy đám cháy nhà siêu cao tầng; chế tạo xe thang 32 mét phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Chữa cháy nhà siêu cao tầng: Bộ Công an nghĩ tới phương án máy bay không người lái - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vừa có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC).

Qua rà soát, thống kê, hiện nay cả nước có 5.209 cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, các cơ quan chức năng đã yêu cầu, kiến nghị chủ đầu tư tổ chức khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác PCCC được 1.253 cơ sở (đạt tỷ lệ 19,39%); các cơ sở còn lại đã có kế hoạch và lộ trình để khắc phục theo các giai đoạn.

Giai đoạn từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, toàn quốc xảy ra 1.748 vụ cháy, làm chết 105 người, bị thương 95 người, tài sản thiệt hại sơ bộ 1.033 tỷ đồng và 125 ha rừng. Cũng trong thời gian này đã xảy ra 20 vụ nổ, làm 13 người chết, bị thương 20 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 5 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc đối với các cơ sở đông người, khu vực có nguy cơ cao về cháy, nổ nhất là: thành lập các Đoàn trực tiếp kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của một số Công an địa phương để chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm.

Báo cáo cũng cho thấy, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã lập 13.357 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; xử phạt 12.949 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với tổng số tiền phạt là khoảng 200 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.276 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.096 trường hợp; khởi tố 7 vụ với 7 bị can.

Cùng với đó, đã tổ chức điều động tổng cộng 11.130 lượt phương tiện chữa cháy cơ giới các loại cùng 70.242 lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trực tiếp tham gia chữa cháy 2.913/5024 vụ cháy, sự cố cháy; điều động tổng cộng 4.222 lượt phương tiện và 16.269 lượt CBCS tổ chức cứu chữa 2.713 vụ sự cố, tai nạn.

Trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp cứu và hướng dẫn thoát nạn an toàn cho 5.147 người; tìm được 753 thi thể nạn nhân, đồng thời hướng dẫn cho hàng nghìn người bị nạn trong các đám cháy và sự cố, tai nạn thoát nạn an toàn; trực tiếp cứu và bảo vệ an toàn cho hàng nghìn ngôi nhà và công trình, trực tiếp cứu được tài sản trị giá ước tính hàng nghìn tỷ đồng và hàng nghìn héc ta rừng.

Xử lý vi phạm 51 tập thể, 127 cá nhân trong lực lượng

Đáng lưu ý, trong quá trình tổ chức chữa cháy, CNCH, với tinh thần xung phong không ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy; đã có những tấm gương chiến sĩ anh dũng hi sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Điển hình như vụ cháy tại quán karaoke ISIS, số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, thành phố Hà Nội, ngày 1/8/2022, trong quá trình tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an thành phố Hà Nội đã anh dũng hi sinh…

Nguyên nhân được chỉ ra là một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ. Một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều số công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Nhiều công trình đã quá cũ, không thể cải tạo, sửa chữa, nhiều công trình đã bố trí để di dời nhưng người dân không chấp hành.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”; chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Báo cáo viện dẫn, trong năm 2021, Bộ Công an đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý vi phạm đối với 51 tập thể và 127 cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân được giao phụ trách địa bàn, cơ sở xảy ra vi phạm về PCCC.

Về nghiên cứu khoa học, Bộ Công an đã triển khai xây dựng và hoàn thiện phần mềm Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố trực tuyến phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy, CNCH từ trung ương đến cơ sở; sản xuất thử nghiệm 8 xe chữa cháy cỡ nhỏ.

Bộ Công an cũng phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong nước nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực PCCC và CNCH như: máy bay không người lái phục vụ chữa cháy đám cháy nhà siêu cao tầng; nghiên cứu chế tạo xe thang 32 mét phục vụ chữa cháy và CNCH…

Chia sẻ