Chồng đòi "giải thoát" cho vợ khi nhận kết quả khám hiếm muộn và cái kết vỡ òa sau 5 năm kết hôn

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Nhớ lại hành trình 5 năm lo lắng, khát khao, đôi khi là bế tắc, vợ chồng anh lại cảm thấy giây phút này đây như một phép màu.

Tranh thủ những ngày hiếm hoi được về thăm nhà, Trung úy Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật) cố gắng dành hết thời gian để bế bồng cậu con trai hơn một tháng tuổi. Bé Thiện An chính là "trái ngọt" mà vợ chồng anh dành đến 5 năm mới có được. Nhớ lại hành trình 5 năm lo lắng, khát khao, đôi khi là bế tắc, vợ chồng anh lại cảm thấy giây phút này đây như một phép màu.

"Hay mình dừng lại, em đi lấy chồng khác để có đứa con"

Vợ chồng Trung úy Phan Tuấn Anh.

Kết hôn năm 2018, do bận công việc sau 2 năm chưa thấy tin vui, vợ chồng Trung úy Tuấn Anh mới có điều kiện đi thăm khám sức khỏe sinh sản.

Khi đó, kết quả xét nghiệm cho thấy anh gặp một số vấn đề về chất lượng tinh trùng dẫn đến khó có thai tự nhiên. Được bác sĩ tư vấn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, vợ chồng trẻ chưa có tài sản tích lũy cùng đồng lương ít ỏi nên anh chị không dám nghĩ đến việc thực hiện IVF.

Biết kết quả nguyên nhân hiếm muộn là do mình, anh Tuấn Anh luôn tự dằn vặt: "Mình lúc đó rất sốc. Điều kiện kinh tế thì không có để làm IVF, biết vợ áp lực nhưng không hề nói ra vì thế mình đã chủ động nói: Hay mình dừng lại, em đi lấy chồng khác để có đứa con, anh không trách móc gì cả".

Thế nhưng, câu nói đó lại càng khiến chị Lan (vợ anh Tuấn Anh) nắm tay chồng chặt hơn nữa. Chị dặn chồng có khó khăn thì cùng nhau cố gắng, chịu khó tích cóp và vay mượn để "tìm con" đến cùng.

Hai vợ chồng quay về cuộc sống thường nhật, tìm cơ hội có con qua những bài thuốc dân gian được anh em bạn bè giới thiệu, nhưng mãi không có kết quả.

Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Tuấn Anh kể: "Vợ mình là giáo viên mầm non. Ban ngày đến trường được tiếp xúc với nhiều đứa trẻ nên rất vui, khi về nhà thì lại thấy hụt hẫng. Công việc của một quân nhân là thường xuyên đi công tác xa nên không ở cạnh vợ để động viên được, những lúc đó mình càng thấy lo lắng vì sợ vợ ở nhà tủi thân và chịu nhiều áp lực... Có những đêm hai vợ chồng ôm nhau khóc. Nhưng rồi lại động viên nhau để cố gắng hơn.

Làm vợ bộ đội đã là vất vả, với những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn còn vất vả hơn. Lúc ấy mình chỉ tự nhủ, hãy cố gắng lên, phải tin tưởng vào y học rồi nhất định con sẽ về".

Những "lần đầu tiên" vỡ òa vì xúc động của ông bố 5 năm hiếm muộn

Giây phút anh Tuấn Anh được bế con sau 5 năm hiếm muộn.

Tháng 5/2022, biết đến chương trình hỗ trợ 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí dành cho quân nhân của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội, vợ chồng anh Tuấn Anh đã nộp hồ sơ và may mắn được nhận gói hỗ trợ này. Vậy là giấc mơ con yêu thêm phần hi vọng, anh chị vội vàng xuống viện thăm khám và bắt đầu hành trình tìm con.

Hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Lan đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Anh nhớ lại: "Lúc đó mình lo lắng phôi sẽ không đạt. Nhưng khi nghe bác sĩ nói có phôi để chuyển, mình cảm thấy vừa vui mừng, vừa xúc động. Không ngờ vợ đã đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên".

Niềm vui duy trì chưa được bao lâu thì chị Lan có dấu hiệu dọa sảy ở tuần thai thứ 6. Hai vợ chồng tức tốc bắt xe đi cấp cứu, với bao suy nghĩ ngổn ngang. Cả hai đều nghĩ đến điều tồi tệ nhất, nhưng không ai dám nói ra.

Rất may mắn khi "thai quý" vẫn ở lại với vợ chồng anh chị đến tuần 39. 9 tháng mang bầu là những tháng ngày vợ chồng anh chị hạnh phúc vô tận với "những lần đầu tiên": Lần đầu tiên biết tin có con, lần đầu tiên được nghe tiếng tim thai, lần đầu tiên thấy con đạp và lần đầu tiên được làm bố mẹ...

Tháng 11 vừa qua, một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu của vợ chồng anh Tuấn Anh, chị Lan đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và ông bà nội ngoại hai bên. Anh Tuấn Anh xúc động nhớ lại giây phút lần đầu được bế con trên tay: "Quá dự sinh 3 ngày, vợ mình vẫn không có hiện tượng đau đẻ. 2 vợ chồng quyết định đi khám và bác sĩ cho nhập viện luôn. 11 giờ trưa làm thủ tục thì 4h chiều đã được bế con. Thời gian chờ đợi vợ ở trong phòng sinh thực sự vô cùng sốt ruột và lo lắng.

Lần đầu tiên được bế con là một cái gì đó thiêng liêng, xúc động mà mình không thể quên. Vui nhưng nước mắt cứ chảy ra, không thể kìm lại nước mắt".

Bế được con trên tay, nhưng Trung úy Tuấn Anh vẫn chưa thôi lo lắng, hỏi các bác sĩ xem vợ mình như thế nào, đang ở đâu... Đến khi được bác sĩ giải thích rằng chị Lan đang được nằm trong phòng hồi sức, anh mới yên tâm bế ẵm thiên thần nhỏ của mình.

"Lần đầu tiên ôm con, lần đầu tiên thấy mặt con, lần đầu tiên nghe tiếng khóc của con là niềm hạnh phúc của bất kể người bố nào. Với người bố đã trải qua quãng thời gian hiếm muộn như tôi, cảm giác đó còn hồi hộp, cảm động và khó diễn tả hơn thế", anh Tuấn Anh nhớ lại.

Tổ ấm hạnh phúc của Trung úy Tuấn Anh.

Khi trong nhà có thêm một thiên thần nhỏ, cuộc sống của vợ chồng Trung úy Tuấn Anh thực sự đã ngập tràn màu sắc. Anh nói, niềm vui như được khởi động lại từ đầu, mọi thứ đều mới mẻ và hạnh phúc.

Tết năm nay, chắc chắn sẽ là một cái Tết đầy ý nghĩa, ấm áp, nhiều niềm vui mới với vợ chồng Trung úy Tuấn Anh và gia đình hai bên.

Chia sẻ