Chồng bức xúc vì bị vợ đùn đẩy việc nhà

Thu Hiền,
Chia sẻ

Đêm tân hôn, chưa kịp trút bỏ xiêm y của vợ mới cưới anh đã bị chị gạt tay ra và tuyên bố “điều kiện”: “Anh phải giúp đỡ em việc nhà”...

“Sau bốn năm chung sống, không la cà quán xá nhậu nhẹt, không tụ tập bạn bè. Làm về là lao vào bếp phục vụ cơm nước cho vợ, tắm rửa cho thằng con trai… Xong xuôi ngồi đợi vợ về, ăn cơm… Lết được lên giường là lăn ra ngủ, sáng hôm sau lại nguyên một vòng quay hệt như ngày hôm trước”. Đó là những lời tâm sự đầy buồn rầu của anh Chiến (Hai Bà Trưng – Hà Nội) nói về việc thay vợ làm “mama tổng quản” trong nhà. Ngồi kế bên anh Chiến, chị Xuân không nói nổi một lời, chỉ nhìn anh trân trân, đuối lý. Có thể nói, những ai chứng kiến cuộc sống hôn nhân của anh chị từ lúc chị về nhà anh đến bây giờ mới thấu hiểu được nỗi niềm mà bấy lâu nay vì nể vợ, thương con nên anh Chiến âm thầm giữ kín và giấu nhẹm cả hai bên gia đình nội – ngoại. Cũng giống như anh Chiến, có vô số những ông chồng khác buộc lòng phải gách vác việc nhà bên cạnh việc đại sự…

“Em bận việc, anh lo đi”

Vốn dĩ đàn ông thường hay đùn đẩy hết việc nhà cho vợ, từ đi chợ, nấu cơm, rửa bát, lau dọn nhà, giặt quần áo… đến đủ các loại việc linh tinh khác liên quan đến đối nội, đối ngoại trong gia đình. Lúc đó các bà vợ do phải “ôm” nhiều việc quá thường thấy mặt chồng về là hầm hè, nặng nhẹ không tiếng to thì cũng bóng gió xa xôi để nhắc nhở, “dằn mặt” chồng. Thế nhưng với anh Chiến thì khác, đêm tân hôn, chưa kịp trút bỏ xiêm y của vợ mới cưới anh đã bị chị gạt tay ra và tuyên bố “điều kiện”: “Anh phải giúp đỡ em việc nhà”. Bình thường thì có thể dễ bề suy tính, thế nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” của đêm tân hôn, anh Chiến gật đầu vội cho xong chuyện.

Tưởng rằng mọi việc sẽ qua đi, lời nói gió bay, anh có thể dễ dàng “xù” bà xã. Tuy nhiên, chị Xuân – vợ anh, mới sáng ra vừa chuẩn bị bữa sáng sẵn có trong tủ lạnh (chiều hôm trước mẹ chồng đã chuẩn bị cho hai vợ chồng son) cho chồng vừa dùng tay gõ chiếc thìa xuống cạnh bàn và không quên nhắc nhở anh việc đã hứa hẹn đêm hôm trước: “Mình cứ tưởng cô ấy nói đùa. Chứ mình từ lớn đến bé, đã bao giờ đụng vào chợ búa, bếp núc… đâu mà giúp. Không làm hỏng chuyện là may rồi. Thanh minh với vợ, vợ bảo cứ làm rồi khắc biết. Xong xuôi cô ấy ngúng nguẩy rời nhà đi làm. Ngày đầu tiên trong cuộc đời trai có vợ của mình là như thế”, anh Chiến thở dài chia sẻ.
 
Nhiều ông chồng đã phải "đảm đang" thay vợ... (Ảnh minh họa).

Từ ngày đó đến giờ, muôn lý do được chị Xuân đưa ra để đùn đẩy việc nhà cho anh Chiến. Đầu tiên chị đưa ra lý do: “Đàn đúm quán bia với mấy ông đàn ông chán ngắt, thà anh ngồi nhà giúp em làm việc nhà có phải tốt không” rồi “Em sinh con đã là công lớn lại còn sinh quý tử thì phải là đại công thần vì thế anh đừng mong đẩy lại việc nhà cho em” hay “Hôm nay em bận việc lắm, anh lo đi, ở nhà đón con, đi chợ, nấu cơm…”. Cuối cùng anh Chiến trở thành “chuyên gia mua sắm” và “mama tổng quản” trong nhà. Không có thời gian gặp gỡ bạn bè, hết giờ làm phóng xe đến trường đón con, tạt qua chợ mua đồ ăn rồi về nhà hì hục nấu nướng. Đầu tiên anh nấu dở òm, đến bản thân cũng phải nhăn mặt, dần dần lên tay, chị Xuân “dúi” luôn cho danh hiệu “người đầu bếp tài năng” và cũng từ đó chị không bao giờ xuất hiện trong bếp nữa.

“Lắm hôm bạn bè có bù khú, tụ tập, gọi điện thoại léo nhéo cũng không dám nghe vì nghe rồi lại sợ mang tiếng là ‘biến thành đàn bà chỉ biết lo chuyện bếp núc’. Vợ mình thì ỉ lại, khoán trắng luôn việc nhà cho mình. Có rảnh rỗi về sớm cô ấy cũng ôm con, rung đùi ngồi xem tivi. Không dám nói vì sợ cô ấy tự ái nghĩ mình so đo, tính toán nhưng quả thật mình mong được một ngày khuây khỏa lắm rồi…”, anh Chiến nói xong bèn lét ánh mắt dò xét sang nhìn chị Xuân đang đỏ ửng mặt vì những bộc bạch của chồng.

“Em không biết gì đâu”

“Bệnh” lười của chị Hoa – vợ anh Thủy buộc anh phải đảm đang lại khác và có vẻ có đẳng cấp hơn. Từ ngày anh chị cưới nhau, chị Hoa lúc nào đụng đến việc cũng “em không biết gì đâu” hoặc “cái này làm thế nào hả anh”; “em mới sơn móng tay, anh làm giúp em nhé”… rồi chị ra sức tỏ ra mình thật sự rất lóng ngóng và chưa làm bao giờ. Nhìn thấy vợ tay cứ cuống quýt giơ lên, đặ xuống vẻ khó khăn, anh thấy vậy bèn chặc lưỡi làm cho xong chuyện. Dần dà, mỗi lần có việc gì, muốn “sai” vợ nhưng lại nghĩ đến cảnh vợ cứ ngơ ngơ anh lại thở dài “làm quách cho xong”. Thế là lâu dần, việc lớn việc bé trong nhà, tất tật đều phải qua tay anh. Cũng bởi vậy anh Thủy lúc nào cũng đầu tắt, mặt tối, lu bu hết việc nhà đến việc cơ quan mà không có sự giúp đỡ của vợ.
 
Khổ sở vì vợ cứ "không biết gì" để phó mặc cho chồng (Ảnh minh họa).
 
“Đã đành việc nhà riêng của hai vợ chồng thì mình giúp cô ấy cũng chả có vấn đề gì, vợ hay chồng làm đều được hết. Thế nhưng mỗi lần bên nội hay họ hàng có việc gì cần là cô ấy kiếm cớ ôm con. Nhiều khi cô bác họ hàng và anh chị em nhìn mình ngán ngẩm, mình chỉ muốn độn thổ cho xong”, anh Thủy bộc bạch. Anh còn chia sẻ rằng bù đầu thế thì lấy đâu ra thời gian mà vui thú với bạn bè nữa. Trong khi đó chị Hoa háo hức đi khoe với bạn bè chiến tích “bẫy” chồng làm việc nhà của mình mà không mảy may để ý rằng anh Thủy đang dần rất khó chịu về thái độ của chị.

Tạm kết

Ngày nay, khi xã hội thoáng hơn về tư tưởng, cánh mày râu cũng không ngại ngần gánh vác, chia sẻ việc nhà cùng vợ với mong muốn người phụ nữ của mình sẽ được thoải mái có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc cho bản thân mình hơn. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều bà vợ lại quá ỉ lại vào chồng, luôn tìm mọi lý do để đùn đẩy hết việc nhà vào tay người đàn ông trong khi người chồng cũng đã phải gồng mình kiếm tiền để lo cho gia đình.

Vẫn có nhiều bà vợ không những không cảm ơn nghĩa cử tốt của chồng mà còn lấy đó làm cớ để “buộc chân” chồng, không cho chồng giao du, quan hệ với bạn bè bên ngoài dẫn đến người đàn ông rơi vào tình trạng ức chế nói không được mà nhịn cũng chẳng xong. Bởi vậy nếu đặt vào địa vị những ông chồng trong hoàn cảnh này mới thấy khó có thể nói hết nỗi khổ của những ông chồng lấy phải những cô vợ lạ kỳ như vậy.

Dù không nói ra, nhưng cánh mày râu luôn muốn mình có thể hãnh diện với bạn bè, với người thân về cô vợ đảm đang của mình. Cho nên chắc chắn, đến một lúc nào đó, khi không thể chịu thêm được thói đùn việc, chây lười của vợ mình, các ông chồng cũng đành “một đi không trở lại” vì không thể chịu nổi tính cách khác thường đó của vợ.

 

Chia sẻ