Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Khai tử Chứng minh nhân dân từ 1/1/2025

Mới đây, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội thông tin về những điểm mới của Luật Căn cước (Số 26/2023/QH15, có hiệu lực từ 1/7/2024).

Trong số những điểm mới của Luật Căn cước, điểm đáng chú ý là bỏ chứng minh nhân dân từ 1/1/2025. Chứng minh nhân dân còn thời hạn vẫn được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025- Ảnh 1.

Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 1/1/2025. Ảnh minh hoạ

Cụ thể tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Như vậy, với quy định này Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tức là chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 1/1/2025.

Lưu ý: Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025- Ảnh 2.

Dự kiến mẫu căn cước mới dành cho người từ 6 tuổi trở lên. Ảnh: Bộ Công an

Dùng song song CMND và CCCD có bị phạt?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA sẽ thu lại CMND, thẻ CCCD đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.

Đồng thời, khoản 8, Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA cũng quy định, thu hồi CMND/CCCD cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì khi cấp CCCD sẽ phải thu hồi CMND. Khi đó, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng. Đồng nghĩa với việc pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận duy nhất một loại giấy tờ tùy thân với mỗi người ở mỗi thời điểm (CMND hoặc là CCCD).

Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025- Ảnh 3.

Việc thu lại CMND cũ khi làm CCCD mới là quy định bắt buộc. Ảnh minh hoạ.

Trường hợp nếu vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, người dùng có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Mức phạt đối với vi phạm này là phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, việc sử dụng song song CMND và CCCD còn khiến bạn gặp nhiều rủi ro pháp lý trên thực tế. Do đó, để đảm bảo thống nhất thông tin khi đã làm CCCD mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD này trong tất cả các giao dịch, thủ tục.

Sử dụng CMND hết hạn, người dân có thể đối mặt với rủi ro nào?

Khi công dân làm CCCD gắn chip mới, CMND/CCCD cũ sẽ hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dân vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ do không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục chưa thu lại… Điều này khiến một số người có cùng lúc hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân là CCCD gắn chip mới làm và CMND/CCCD cũ.

Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025- Ảnh 4.

Số CMND và CCCD là hai số hoàn toàn khác nhau, nếu sử dụng CMND cũ hết hiệu lực để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.

Ví dụ: Hợp đồng đã ký kết sẽ bị vô hiệu do sử dụng CMND hết hiệu lực hoặc không may xảy ra tranh chấp nhưng văn bản thỏa thuận lại không được công nhận do một bên sử dụng CMND hết hạn…

Khi đã làm CCCD mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD này trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin.

Ngoài ra, việc sử dụng CMND, CCCD cũ để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công dễ dẫn đến thông tin không trùng khớp (giữa CNMD cũ và CCCD gắn chip mới) nên có thể gây khó khăn cho người dân trong việc cập nhật thông tin về sau.

Chính thức bỏ chứng minh nhân dân kiểu cũ kể từ năm 2025- Ảnh 5.

Người có chứng minh nhân dân đã hết hạn nhưng chưa đổi sang thẻ căn cước công dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:

Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân:

...

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

Theo đó, người có chứng minh nhân dân đã hết hạn nhưng chưa đổi sang thẻ căn cước công dân thì đã vi phạm quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân.

Do đó, người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Chia sẻ