Chiến dịch bảo vệ chó "về đi Vàng ơi!" dính nghi án bán thông tin người tham gia

Huyền Trang,
Chia sẻ

Vừa khởi động được vài ngày, chiến dịch bảo vệ chó “Về đi Vàng ơi!” kêu gọi 1.000.000 chữ ký để kêu gọi chấm dứt nạn trộm cắp chó cũng như buôn lậu, giết mổ và tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam đang bị dính nghi án bán dữ liệu của những người tham gia.

Cư dân mạng “bóc mẽ” chiến dịch bảo vệ chó?

Chiến dịch "Về đi Vàng ơi!" được khởi động vào ngày 14/4 là hoạt động do Liên minh bảo vệ chó châu Á (gọi tắt là ACPA: gồm tổ chức động vật Châu Á, tổ chức Thay đổi vì động vật, tổ chức Nhân đạo quốc tế và tổ chức Soi Dog) thực hiện với mục đích nâng cao sự đồng cảm đối với loài chó và kêu gọi chấm dứt nạn trộm cắp chó cũng như buôn lậu, giết mổ và tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam. Ngoài cung cấp những video tư liệu về thực trạng nạn trộm cắp, buôn lậu và giết mổ chó tại Việt Nam, dự án này còn vận động lấy 1.000.000 chữ ký điện tử trên website baovecho.org, để trình lên Quốc hội, kêu gọi ban hành quy định về phúc lợi động vật, nhất là với loài chó. Tính đến chiều 16/4, trang web này đã thu thập được hơn 220.000 chữ ký ủng hộ. Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng hưởng ứng chiến dịch này.

chiến dịch bảo vệ chó
Giao diện của trang web kêu gọi 1 triệu chữ ký trong chiến dịch bảo vệ chó.

Sáng ngày 16/4, bắt đầu từ bài viết của một thành viên trên một diễn đàn mạng, cộng đồng mạng đặt ra những nghi vấn liên quan đến chiến dịch này. Thành viên “khơi mào” vụ này đặt ra những câu hỏi như: "Website này không hề có chút thông tin nào của người đại diện, tổ chức "thật sự" nào cả". Người này còn lùng sục thông tin cá nhân của người đại diện truyền thông của chiến dịch, anh Trần Gia Bảo và đưa tên, địa chỉ công ty (một công ty truyền thông) cũng như số điện thoại công khai trên diễn đàn và phân tích, việc chính anh Bảo là người lập web lấy chữ ký rất “có vấn đề”. 

chiến dịch bảo vệ chó
 Bài viết đặt ra các nghi vấn xung quanh chiến dịch bảo vệ chó được đăng tải trên mạng xã hội.

Thành viên này cũng đăng kèm một hình ảnh hợp đồng bán 20.000 dữ liệu cấp cao với giá 272 triệu đồng và đặt nghi vấn "Một triệu dữ liệu của khách hàng bình thường đã phân loại theo khu vực kèm theo cả số điện thoại thì giá bao nhiêu nhỉ?" và cho rằng, anh Bảo là người được ACPC thuê làm đại diện chiến dịch, nhưng hoàn toàn có thể bán thông tin cá nhân của những người tham gia ký tên cho một bên thứ ba nào đó để “thu tiền từ 2 bên chỉ qua 1 chương trình”.

Sau khi bị nhiều người “hỏi xoáy”, đặt nghi vấn rằng thành viên này đang muốn phá hoại chiến dịch, thành viên này đã bổ sung thêm một số lý lẽ trong bài viết của mình. Thành viên này cho biết, mình chỉ muốn đặt ra vấn đề để tranh luận nhưng đã có một số người gửi tin nhắn hăm dọa, chửi bới. Hình ảnh hợp đồng mua bán dữ liệu cá nhân, thành viên này lấy từ một bài báo đăng trên một báo điện tử vào năm 2012 (không liên quan đến công ty của anh Trần Gia Bảo) 

chiến dịch bảo vệ chó
Người "khơi mào" cuộc tranh cãi trả lời chất vấn của các thành viên diễn đàn.

Chia sẻ về chiến dịch, thành viên này viết: “Suy nghĩ cá nhân tớ về chiến dịch thì thực sự tin rằng đây là một chiến dịch thật sự đang được diễn ra, được điều hành bởi những người yêu động vật thật sự. Nhưng thật sự mà nói thì cái cách làm việc của Liên Minh này quá kém. Rõ ràng trụ sở ở Việt Nam không có, người đại diện chính thức cũng khá mù mờ. Đến khi topic này lên cao trào thì Gia Bảo nào đó mới được công bố là leader của dự án (Xíu nói về nhân vật này sau nhé). Cái website của dự án lỗi tè le, info mù mờ không chính xác, và cách liên lạc duy nhất chỉ có cái email từ web. Thử hỏi rằng những người thật sự có tầm nhìn có dám tin tưởng vào các vị hay không? Thế khả năng thành công của dự án là bao nhiêu phần trăm. Theo cái cách nhìn chủ quan cá nhân của mình thì hầu như là 0%

Thành viên này tiếp tục công kích vào người đại diện truyền thông của chiến dịch, anh Trần Gia Bảo với những lý lẽ như: “Gia Bảo có kinh doanh hình thức email marketing”, “ACPA trả tiền cho cậu Gia Bảo này” cũng như phân tích những “lỗ hổng” trong web ký tên để cảnh giác dân mạng nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.

chiến dịch bảo vệ chó
Những phân tích trên diễn đàn đã khiến dân mạng tranh luận gay gắt.

chiến dịch bảo vệ chó
Những ý kiến ủng hộ và nghi vấn sự minh bạch của chiến dịch bảo vệ chó

“Đó là một cuộc tấn công có bài bản” – người trong cuộc lên tiếng 

Trả lời những nghi vấn trên, anh Trần Gia Bảo, đại diện truyền thông chiến dịch "Về đi Vàng ơi!" thuộc Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) bức xúc cho hay: “Đây có thể là hành động phá hoại, gây rối của cá nhân hay tổ chức nào đó nhằm vào chiến dịch. Thậm chí có thể đặt nghi vấn, đây là một sự phá hoại có tổ chức, buổi sáng, ai đó đã lấy tên và thông tin cá nhân của tôi ra bôi nhọ trên mạng, cắt ghép cùng ảnh một hợp đồng được lấy trên mạng để suy diễn rằng tôi là một kẻ lừa đảo, gây hiểu lầm rằng tôi có thể dùng những thông tin của người ký tên bảo vệ chó để kiếm lợi. Đến buổi chiều, trang web kêu gọi chữ ký có dấu hiệu bị tấn công.

Còn thông tin tôi được thuê để làm đại diện truyền thông cho chiến dịch là hoàn toàn xuyên tạc, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Tôi là thành viên của Liên minh bảo vệ động vật châu Á và thực hiện chiến dịch này không hề có thù lao. Còn công việc cá nhân của tôi không liên quan gì đến chiến dịch”. 

chiến dịch bảo vệ chó
Thông báo trên fanpage của chiến dịch khẳng định sự minh bạch và chính thống của mình.

Chia sẻ về dự án “Về đi Vàng ơi!” và chiến dịch lấy chữ ký, anh Gia Bảo thông tin: “Đó là một chiến dịch quốc tế, thực hiện trên quy mô khu vực. Năm ngoái tại Thái Lan đã có cuộc vận động, kêu gọi chữ ký ủng hộ chống buôn lậu chó và Thái Lan đã ban hành luật tiêu thụ thịt chó là phạm pháp. Từ thành công đó, chúng tôi muốn xin chữ ký trình lên Quốc hội, xin Quốc hội ban hành luật Phúc lợi động vật tại Việt Nam. Tổ chức đã soạn thảo dự luật và gửi lên trình Quốc hội xem xét rồi, còn lấy chữ ký là để chứng minh đây là vấn đề được dư luận quan tâm”. 

Về những ý kiến “xù lông”, cho rằng chiến dịch đang xâm phạm vào ý thích, quyền lựa chọn cá nhân (ăn thịt chó) của nhiều người, anh Gia Bảo giãi bày: “Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi hiểu đây là một việc nhạy cảm khi động chạm đến vấn đề ăn thịt chó của người Việt, chắc chắn có nhiều người phản đối, vậy nên thông điệp của dự án “Về đi Vàng ơi!”cách thức dự án tuyên truyền cũng hết sức thận trọng, tập trung chống lại việc bắt trộm chó, buôn lậu, vận chuyển trái phép, đối xử tàn tệ với chó chứ không nhấn mạnh đến ý chống lại việc ăn thịt chó. Việc ăn thịt con gì (không nằm trong sách đỏ) ở Việt Nam là hoàn toàn bình thường, không có luật nào được phép cấm cả. Liên minh cũng chưa bao giờ có từ ngữ, hành động nào tấn công, xúc phạm những người ăn thịt chó cả, chỉ muốn kể câu chuyện về hành trình của những chú có từ khi bị đánh cắp, vào lò mổ rồi trở thành thức ăn. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nạn trộm chó ngang nhiên, manh động và những chuyện đau lòng khi những người nuôi chó bức xúc đánh chết kẻ trộm chó… từ đó đề xuất dự thảo luật Phúc lợi động vật – bảo vệ tất cả loài vật nói chung chứ không riêng loài chó”.

Anh Trần Gia Bảo cũng cung cấp một loạt các văn bản của các tổ chức trong Liên minh xác minh các thông tin đang gây tranh cãi.
chiến dịch bảo vệ chó
Thư của ACPA gửi diễn đàn đăng tải bài viết gây tranh cãi, cung cấp thông tin chính xác và yêu cầu đính chính.

chiến dịch bảo vệ chó

chiến dịch bảo vệ chó
Các văn bản của Soi Dog và tổ chức Thay đổi vì động vật xác định tính hợp pháp của chiến dịch, người đại diện truyền thông cũng như khẳng định trang web "www.baovecho.org" không thu thập thông tin khách hàng với mục đích lợi nhuận.
Chia sẻ