Chia tài sản khi ly hôn

,
Chia sẻ

Trong trường hợp giải quyết ly hôn, tài sản chung sẽ được chia như thế nào?

Tôi lấy chồng được 12 năm và đã có 2 con, con gái 10 tuổi, con trai 4 tuổi. Trong thời gian chung sống, tôi là người cáng đáng về kinh tế. Tôi làm trưởng phòng một công ty lớn của nước ngoài, thu nhập trung bình gấp 12, 13 lần chồng, chưa kể từ những công việc làm ăn riêng. Căn nhà tôi đang ở xây trên mảnh đất đứng tên bố mẹ chồng tôi (các cụ chưa sang tên cho con). Cuộc hôn nhân của chúng tôi không tốt lành vì chồng tôi không những không chí thú làm ăn mà còn bồ bịch lăng nhăng nhưng vì các con tôi đã nhẫn nhịn nhiều năm. Khi không thể níu kéo được nữa, chồng tôi cùng bàn với bố mẹ chồng đẩy tôi ra đường với 2 bàn tay trắng với lý do: mảnh đất thuộc quyền sở hữu của các cụ, còn nhà thì cho đúng là tôi xây nhưng nếu muốn lấy thì đập ra mang đi. Vậy tôi muốn được hỏi luật sư: Khi giải quyết ly hôn, tôi có được chia gì trong khối tài sản chung với gia đình nhà chồng không? Xin nói thêm là mọi giấy tờ mua bán vật liệu, công xá xây nhà, hợp đồng lao động chứng minh thu nhập tôi đều có đủ (Diễm Quyên)


Trả lời: Do chị không nói rõ là vợ chồng chị có đăng ký kết hôn hay không nên trên cơ sở các thông tin mà chị cung cấp, giả sử anh chị có đăng ký kết hôn hợp pháp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, xin được tư vấn một số vấn đề sau:

 

1. Thứ nhất: Xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng

Căn cứ Điều 27 – Luật hôn nhân gia đình năm 2000, Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Căn cứ Điều 32 – Luật hôn nhân gia đình năm 2000,  Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 (Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân) và Điều 30 (Hậu quả chia tài sản chung của vợ chồng) của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân. Đồng thời Luật cũng quy định về việc Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

→ Như vậy, thu nhập từ lao động, kinh doanh dù của vợ hay của chồng đều được coi là tài sản chung vợ, chồng. Ngôi nhà anh chị xây dựng cũng là tài sản chung vợ chồng mặc dù công sức đóng góp là khác nhau.

2. Thứ hai: Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

Căn cứ Điều 95 Luật hôn nhân gia đình năm 2000, nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được xác định như sau:

Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

Lưu ý:

 

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng

Thực tiễn cho thấy chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu mới ghi tên của cả vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất...), song cũng không phải trong mọi trường hợp. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe môtô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải...).

Mặt khác, khoản 1 Điều 32 đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

Khi xét xử, tòa án sẽ xem xét trên cơ sở:

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

3. Thứ ba: Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn.

Căn cứ Điều 96- Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì:

Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thoả thuận với gia đình; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

Như vậy, ở trường hợp của chị, mảnh đất vẫn do cha mẹ chồng đứng tên và chưa được chuyển giao hợp pháp cho anh chị (tức là việc chuyển nhượng hay cho tặng anh chị đã được thông qua hợp đồng được công chứng hoặc chứng thực và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được sang tên cho anh chị) nên quyền sử dụng đất vẫn là của cha mẹ chồng chị.

Đối với giá trị nhà, nếu chị có thể cung cấp giấy tờ, bằng chứng chứng minh ngôi nhà được hình thành từ nguồn tài chính của anh chị thì ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của anh chị. Căn cứ Điều 98- Luật hôn nhân gia đình năm 2000, trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

Khi ly hôn, vì ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất nên Tòa án sẽ xem xét chứng cứ do chị cung cấp, định giá ngôi nhà và chia giá trị ngôi nhà theo các nguyên tắc nêu trên. Nếu chị không ở tại ngôi nhà nêu trên nữa, Tòa án sẽ xác định giá trị ngôi nhà và yêu cầu người trực tiếp sử dụng ngôi nhà phải có trách nhiệm hoàn lại cho chị một phần tiền tương ứng với giá trị ngôi nhà mà chị được hưởng.

Trên đây là ý kiến của Luật sư căn cứ vào quy định của pháp luật và các dữ kiện do chị cung cấp, trong trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn, đề nghị chị liên hệ trực tiếp và cung cấp đầy đủ các dữ kiện theo yêu cầu.

Trân trọng!

Luật sư Hoài Nam – Minh Huyền

VP LS Chu Đông và Cộng sự - số 10 đường Yên Phụ - Ba Đình - HN

Chia sẻ