Chia sẻ bí quyết:

Chia sẻ của cô nàng có hàm răng trắng đẹp tuyệt vời

Hoàng Linh,
Chia sẻ

Là giáo viên, Mai Dung (27 tuổi) ý thức được lợi thế của hàm răng trắng bóng, khoẻ mạnh. Điều này giúp chị tự tin hơn trước mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Chăm sóc để răng luôn trắng sáng

Ai gặp cũng phải “ghen tị” với nụ cười tươi, hàm răng trắng sáng “không tì vết” của Mai Dung (giáo viên giảng dạy tiếng Nhật). Để có hàm răng trắng sáng tự nhiên và nụ cười rạng rỡ như vậy là điều “không phải tự nhiên mà Dung có”. 

“Trước đây, do công việc bận rộn cộng với chế độ ăn uống ‘thả phanh’ nên hàm răng của mình không được trắng sáng, khỏe mạnh như thế này đâu. Có lúc mình khá ái ngại, không được tự tin khi bước ra đường với màu son ưa thích, mình buộc lòng phải ‘cải tổ’ lại hàm răng”, Dung hóm hỉnh nói.

Mai Dung cũng không ngại ngần chia sẻ về bí quyết chăm sóc răng trắng sáng và khỏe mạnh, đó là chọn đúng loại trái cây và hạn chế đồ uống làm xỉn răng. Ăn trái cây là một cách củng cố hệ miễn dịch cũng như giữ răng trắng khỏe mà Dung đã áp dụng. Có nhiều loại trái cây đặc biệt tốt cho răng như: táo, dâu tây, chanh, vỏ cam, ổi, rau cải, rau diếp… Lượng axit tự nhiên chứa trong các loại thực vật này và chất xơ của chúng giúp loại đi mảng bám và làm răng ngày một trắng sáng hơn.

Đặc biệt, món ăn khoái khẩu của Dung còn là mía và dâu tây, Mai Dung nói thêm: “Mía vừa ngon lại có tác dụng cực tốt để giúp hàm răng thêm trắng và sạch. Bên cạnh đó có một cách mình hay thực hiện đó là cắn ngập quả dâu tây 'mọng nước' và giữ nguyên trong vòng 5 phút. Chất tẩy nhẹ có chứa trong loại quả này sẽ giúp mình xóa sạch những vết ố vàng trên răng”. 

Một bí quyết mà cô bạn có được bộ răng trắng sáng như mong muốn đó là hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống giàu chất tannin (đây là một hợp chất chứa nhiều organic có thể gây ra hiện tượng ố vàng răng) như cà phê, trà đặc, rượu…

Chia sẻ của cô nàng có hàm răng trắng đẹp tuyệt vời 1
Là giáo viên dạy tiếng Nhật, Mai Dung (27 tuổi) ý thức được lợi thế của hàm răng trắng bóng, khoẻ mạnh, hơi thở thơm tho

Chải răng đúng cách, dùng tỏi chà răng: giảm nhanh cơn ê buốt

Tuy nhiên, đôi khi Mai Dung vẫn cảm thấy hàm răng bỗng dưng bị ê buốt. Dung chia sẻ, đó là một cảm giác rất khó chịu, chân răng bị buốt khi ăn, uống các loại thức ăn, nước uống, kể cả lạnh, nóng, chua, ngọt… 

Ban đầu chị nghĩ không có vấn đề gì nhưng càng ngày, chị càng cảm thấy không thoải mái vì không thể thưởng thức được các món ăn yêu thích như trước, bữa ăn cùng gia đình, bạn bè cũng vì thế mà mất vui. 

Dung tâm sự: “Mình chán nhất là khi Tết đến nơi rồi mà tự dưng răng lại 'dở chứng', ăn món nóng không được mà lạnh cũng chẳng xong. Những hôm đi dạo phố với bạn bè, uống ly nước ép trái cây lạnh hay một tách trà nóng mình đều bị buốt răng, đương nhiên, món khoái khẩu là kem cũng nằm trong danh sách bị hạn chế từ đó”. Sau khi đi khám và được biết có rất nhiều yếu tố khiến răng ê buốt: nghiến răng khi ngủ, sử dụng thức ăn cứng trong thời gian dài, ăn nhiều thực phẩm chứa axit, sâu răng, sử dụng nước súc miệng hằng ngày… Dung nhận ra rằng, nguyên nhân khiến mình bị ê buốt răng là do sử dụng nước súc miệng nhiều lần mỗi ngày trong một thời gian dài. Bác sĩ cho rằng, lạm dụng nước súc miệng là yếu tố khiến răng nhạy cảm hơn, vì trong nước súc miệng có chứa axit. 

Răng được cấu tạo gồm ba phần là lớp men, lớp ngà răng và tủy răng. Khi lớp ngoài cùng là men răng bị bào mòn làm lộ lớp ngà răng dẫn tới việc lớp này phải tiếp xúc trực tiếp với các "kích thích" như lạnh, nóng, chua, ngọt và cũng phải chịu cả nhiệm vụ nghiền nát thức ăn, đặc biệt trong thời tiết lạnh giá như thế này thì răng càng bị ê buốt, bị ảnh hưởng hơn.
 
Bác sĩ cũng nhận định, một nguyên nhân nữa khiến răng Dung bị ê buốt, men răng bị tổn thương đó là phương pháp đánh răng của chị chưa đúng cách.

Nhiều người lầm tưởng đánh răng là một việc làm hết sức đơn giản, nhưng thực tế không phải ai cũng biết đánh răng đúng cách. Điều quan trọng trước tiên là phải chọn cho mình một loại bàn chải thích hợp có đầu thon nhỏ, lông dai, mềm mại và luôn giữ bàn chải trong điều kiện khô ráo, sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

Khi đánh răng, bác sĩ cũng khuyên không nên đánh răng quá mạnh, nên giữ cho bàn chải nghiêng rồi chải thật đều theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang như chúng ta vẫn chải răng, cố gắng chải đi chải lại ở kẽ răng, chân răng vì đó là nơi cặn thức ăn có thể còn sót lại và dễ gây sâu răng, viêm lợi khiến răng nhạy cảm... Đó là những kinh nghiệm mà Mai Dung đã rút ra được sau khi đi khám nha khoa. Ngay lập tức, Mai Dung thay đổi thói quen vốn sai lầm của mình trước đó.

Ngoài việc sửa lại đánh răng đúng cách, Mai Dung còn có một phương pháp rất hữu hiệu để giảm những cơn ê buốt răng đó là nhai một nhúm trà xanh trong 3 phút hoặc dùng tỏi chà xát lên răng.

Trong trà xanh có rất nhiều chất florua và các thành phần bổ trợ cho quá trình tái tạo lớp men cứng cáp bảo vệ cho răng. Việc sử dụng trà xanh ngoài giúp giảm ê buốt răng còn khiến miệng thơm tho. Tuy nhiên, nếu lạm dụng trà xanh thì vô tình răng sẽ dễ bị ố vàng. 

Dung khuyên chị em nếu thường xuyên bị ê buốt răng thì nên "chịu khó" dùng tỏi chà lên răng khoảng 2 phút mỗi khi bị ê buốt. Tỏi có chứa một hợp chất giúp cho lớp ngà răng được phục hồi và bảo vệ chống lại nhứng kích thích từ bên ngoài như đồ nóng, lạnh, chua, cay… 

Sau khi áp dụng một loạt các bí quyết trên, Mai Dung thấy hoàn toàn khỏe mạnh, những cơn đau, ê buốt răng như trước xuất hiện ngày càng ít. Thay vì nghiến răng chịu đựng và cầu mong sự khó chịu này "tự bốc hơi". Còn bạn thì sao? Hãy chọn cho mình một cách giảm ê buốt răng hiệu quả nhé!
 

Nếu bạn có những bí quyết chăm sóc sức khỏe hay, vừa đơn giản vừa hiệu quả, bạn có thể chia sẻ với các chị em bằng cách gửi mail trực tiếp vào hòm thư của chuyên mục Sức khỏe: suckhoe@afamily.vn




Hãy tìm hiểu những cách khôn ngoan để chăm sóc răng của mình mà không cần đến một nha sĩ 
chính là một cách tiết kiệm chi phí đáng kể.
Chia sẻ của cô nàng có hàm răng trắng đẹp tuyệt vời 2
Chia sẻ