Chỉ vì mẹ hay mắng con

Nghé con,
Chia sẻ

Những lời nói của mẹ ngày ngày cứ diễn đi diễn lại làm cho Mạnh ngày càng sợ mẹ. Mạnh có cảm giác như mình làm việc gì cũng sai, không đúng ý mẹ.

Vừa thấy bóng thằng con rón rén lách qua cánh cửa vào nhà và vội vàng leo lên gác, chị Thảo đã hét lên: “Thằng ranh con kia, lại đi chơi giờ mới về. Mày giỏi thật đấy, còn không dám chào mẹ mày một tiếng nữa. Mày có coi ai ra gì không hả con?”

Nghe tiếng mẹ quát, thằng bé giật mình. Nó khép nép đứng ở mép cầu thang, miệng lí nhí: “Con chào mẹ, con mới đi học về”.

Cơn bực tức trong chị Thảo như lại được dịp bùng phát. Chị gào lên: “Đi đâu mà giờ này mới về, có biết là sắp thi học kì không? Mày mà thi lại môn nào thì đừng có mà trách”. Thằng bé lủi thủi đi lên phòng, bỏ lại đằng sau chị Thảo vẫn đang lầm bầm nói con vài câu gì đó.

Mạnh con trai chị Thảo là đứa trẻ hiền lành. Cậu bé giống bố, ít nói, biết nhường nhịn, đặc biệt là không bao giờ “cãi” phụ nữ. Thế nên chị Thảo dù có nói gì đi nữa thì nó vẫn ậm ừ thôi chứ chẳng thanh minh thanh nga bao giờ. Ở lớp, Mạnh học giỏi, đứng top những học sinh thường xuyên được đi thi học sinh giỏi. Hơn thế, Mạnh còn hát hay, vui tính, hòa đồng nên rất được các bạn yêu quý. Chính nhờ tính nhiệt tình, sôi nổi mà Mạnh luôn tham gia các hoạt động của lớp.
 

Hôm nay cũng thế, vì là sắp hết năm học, nên lớp tổ chức họp bàn về chuyện sẽ phụ đạo các bạn học kém như thế nào, liên hoan lớp ra sao… Vì có nhiều ý kiến trái ngược nhau nên buổi họp diễn ra hơi lâu so với dự kiến, và Mạnh cũng về nhà khá muộn. Đó chính là lý do khiến chị Thảo cáu gắt và mắng con.

Ngồi bịch xuống giường, mặt Mạnh xị ra, không nổi lấy một nụ cười. Trong đầu cậu bé lúc này chỉ có một suy nghĩ là: Tại sao mẹ luôn nghĩ ra được cớ gì đó để mắng mình? Hôm nay thì mắng vì về muộn mà không cần nghe một lời giải thích, hôm trước thì mắng vì tội để quên sách giáo khoa ở nhà, hôm trước nữa thì mắng vì tội để phòng bừa bãi và đi ngủ sớm, không chịu học bài, dù cho hôm đó Mạnh rất mệt mà mẹ không hề biết… Mạnh cảm thấy mẹ ngày càng ghét mình, việc gì Mạnh làm cũng khiến mẹ khó chịu và phải buông lời mắng con thì mẹ mới chịu được.

Mạnh muốn xuống dưới nhà uống cốc nước nhưng ra đến cầu thang vẫn thấy tiếng mẹ: “Con với chả cái, chẳng được cái tích sự gì. Chỉ làm bố mẹ bực mình là giỏi”, nó lại thôi.

Những lời nói của mẹ ngày ngày cứ diễn đi diễn lại làm cho Mạnh ngày càng sợ mẹ, chính xác là Mạnh sợ cái cảm giác phải đối mặt với mẹ. Mạnh có cảm giác như mình làm việc gì cũng sai, không đúng ý mẹ, dần dà cậu bé nghĩ mình đúng là vô tích sự thật như lời mẹ nói, thế thì học có ích gì. Mạnh trở nên lầm lì, tính tình cũng thay đổi hẳn.

Nếu như trước đây , Mạnh luôn vui vẻ tham gia các hoạt động của lớp thì giờ đây Mạnh không có ý kiến về bất cứ hoạt động nào. Mạnh cũng ít tham gia các hoạt động nhóm mà thay vào đó, cứ hết giờ là về nhà, về nhà lại giam mình trong phòng, không chuyện trò với bố mẹ. Càng ngày cậu bé càng ít tiếp xúc với mẹ. Mạnh nghĩ hạn chế tiếp xúc với mẹ là cách tốt nhất để tránh bị mẹ mắng.
 

Sự thay đổi bất ngờ của Mạnh khiến cả lớp ngạc nhiên, cô giáo phải thông báo về gia đình. Đáng lẽ, người làm mẹ như chị Thảo khi thấy con thay đổi như vậy thì phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu, nhưng vừa đi gặp cô giáo về là chị lại nhảy dựng lên, la lối om sòm với con: “Mày đi học mà thế à.
 
Người ta sống phải có tập thể, mày tưởng mày giỏi lắm à mà kiêu căng, tinh vi với các bạn. Bố mẹ có dạy mày thế đâu con. Mày cứ sống thế này có ngày sống một mình thôi con ạ…” Mới nghe tới đó mà tai Mạnh như ù đi, nó mấp máy môi: “Mẹ ơi, con chỉ định…”, nhưng chưa kịp nói hết câu thì mẹ nó đã nhanh hơn: “Chỉ định, chỉ định cái gì. Đi lên phòng cho khuất mắt mẹ đi”.

Sáng hôm sau, khi đến chỗ làm, mở túi xách ra, chị Thảo thấy có một phong bì dán cẩn thận trong túi. Bóc ra mới biết đó là thư của con trai. Từng chữ trong thư cứ như nhảy múa trước mắt chị, mắt chị nhòa đi. Trong thư, con trai chị nói rõ, nó không muốn bị mẹ mắng, mẹ mắng làm nó cảm thấy nó thật vô dụng và bất hiếu. Nó muốn thay đổi để mẹ không mắng nữa, nhưng không biết thay đổi cách nào, thế nên nó “tuyệt giao” mọi hoạt động ở lớp. Nhưng không ngờ việc làm đó của cũng làm mẹ không vui.

Cuối thư là câu nói mà chị Thảo phải day dứt mãi: “Con không biết phải làm thế nào mới vừa lòng mẹ, mẹ nói cho con biết mẹ nhé. Con cảm ơn mẹ!”.
Chia sẻ