Chỉ tại tấm bằng thạc sĩ!

Lan Tường,
Chia sẻ

Mọi việc chỉ đơn giản có vậy mà anh đóng cửa đến rầm một cái rồi nổ xe lao đi vun vút. Đêm đó chị tủi thân rúc vào chăn khóc đến sưng cả mắt.

Luận văn của chị đạt loại xuất sắc, các giáo sư phản biện không ngớt gật gù tán dương ý tưởng mới của chị. Phía dưới bạn bè đồng nghiệp không ngớt lời thán phục, ngưỡng mộ. Chị vui mừng khôn xiết. Không mừng sao được khi mà để có được tấm bằng này chị đã phải nỗ lực, cố gắng thế nào. Một nách hai con, rồi công việc, rồi học lên cao học. Không phải ai cũng có thể làm tốt nhiều việc cùng một lúc như chị.

Bạn bè có người ngưỡng mộ, có người ghen tỵ. Ít ai biết được chị đã vất vả như thế nào trong những ngày tháng qua. Chị đang trong diện cấu bổ nhiệm, nhưng vị trí đó cần có bằng thạc sĩ. Trong khi bọn trẻ bây giờ mới vào cơ quan để trình ra đủ các loại bằng, có đứa 2 bằng đại học, chứng chỉ này nọ. Cũng có đứa tốt nghiệp đại học xong thì học một lèo lên thạc sĩ. Sếp biết chị là người có năng lực lại là diện công tác lâu năm nên cứ động viên chị đi học lên để ổn định cuộc sống sau này. Chị cũng đã mất bao nhiêu đêm vắt tay lên trán nghĩ đủ đường. Giờ con lớn của chị mới học lớp mẫu giáo lớn, con nhỏ lại mới đang ẵm ngửa, chồng chị lại bị cột chân ở cửa hàng sửa chữa đồ điện nên chẳng có thời gian đỡ đần, thu nhập gia đình cũng có hạn. Chị cũng nghĩ chồng mình giờ công việc không ổn định nên chị phải cố gắng có một chỗ đứng, cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn, sau này cũng là chỗ dựa cho con.
 

Tiết kiệm tiền thuê Osin, nên một ngày làm việc của chị hôm nào cũng tất bật. Hàng ngày chị phải dậy từ sớm, cơm nước cho cả nhà, cho quần áo và máy giặt rồi vội vã đưa thằng lớn tới trường, rồi lại quay về đưa đứa nhỏ đến nhà bà ngoại gửi, xong là phóng như bay đến cơ quan.

Giờ thành quả đã đạt được, chưa kịp vui thì chính tấm bằng thạc sĩ ấy, chính sự thăng tiến của chị lại trở thành nguyên nhân của mọi mối bất hòa trong gia đình. Xem tivi, đọc sách báo và kinh nghiệm của nhiều người cho chị sự cảnh giác về những mâu thuẫn có thể xảy ra khi vợ học cao, có vị thế xã hội hơn chồng. Chính vì thế chị rất ý tứ để trong lời ăn tiếng nói không chạm vào lòng tự ái của anh. Chị ý thức được rằng phải chăm lo cho chồng con chu đáo hơn để anh không mặc cảm vì cái sự thua kém vợ. Nhưng tất cả mọi cố gắng của chị không làm cho chị bớt muộn phiền.

Khi cửa hàng sửa chữa của anh vắng khách, anh tính chuyện chuyển đổi hình thức làm ăn, chuyển sang buôn bán các đồ điện tử. Chị thấy anh hơi vội vàng và cũng không an tâm vì nó cần bỏ ra quá nhiều vốn. Chị góp ý nhẹ nhàng với anh:

- Anh xem xét và tính toán kỹ lưỡng rồi hãy làm. Em thấy nó hơi mạo hiểm vì phải bỏ ra nhiều vốn quá.

Vậy mà anh nổi khủng lên: “Không cần cô phải dạy khôn tôi. Tự tôi biết làm thế nào?”.

Biết chồng giận chị không to tiếng, nhẫn lại: “Thì em cũng có nói gì đâu. Chỉ nhắc anh tính toán cho kỹ lưỡng thôi”.

- Cô đừng tưởng có cái bằng thạc sĩ rồi thì ra oai. Nó không đủ để dạy khôn thằng này nhé.

Anh đóng cửa đến rầm một cái rồi nổ xe lao đi vun vút. Đêm đó chị tủi thân rúc vào chăn khóc đến sưng cả mắt. Anh ngủ ngoài phòng khách không hề hay biết. Từ đó 1 lần, 2 lần, 3 lần… chị cũng không thể nhớ nổi, dù có bất kể chuyện to, chuyện nhỏ gì anh đều khoáy sâu vào cái học hàm, học vị của chị. Chị vì nghĩ đến không khí gia đình nên đều nhẫn nhịn cho qua chuyện.

Gần nhất là chuyện sáng nay. Chẳng là một người em họ bên nhà chồng chị mới tốt nghiệp đại học nhờ chị để ý xin việc hộ. Chị nhờ có mối quan hệ với một số chủ doanh nghiệp nên đã xin cho nó làm kế toán ở một công ty xuất nhập khẩu khá tốt. Chị vui quá về khoe với anh. Vậy mà niềm vui của chị bị anh dập tắt bằng một nụ cười khẩy:

- Cô giờ thì giỏi rồi. Học rộng, tài cao, chữ nghĩa nhiều, quen biết rộng, giúp ai mà chẳng được.

Chịu không nổi chị trút mọi dồn nén bấy lâu, nước mắt dàn dụa chị nói hết cho anh hiểu những tâm tư, những vất vả của chị. Lại một lần nữa anh đùng đùng xách áo đi: “Một thằng ngu dốt như tôi tốt nhất là không nên đấu lý với một người học rộng như cô. Tôi chịu, tôi thua, tôi đi là được chứ gì…”. Chị nghẹn ngào khóc nấc, tối đó mâm cơm úp lồng bàn còn nguyên, lạnh tanh, chẳng ai thèm đụng đũa.

Chia sẻ