Chị dâu, em chồng: Cần lắm sự tế nhị

,
Chia sẻ

Đi làm về, thấy em gái chồng đang ngồi chơi với bạn trai, chị đã mặt nặng mày nhẹ thở dài rồi lớn giọng chì chiết: “Không lo học hành, cứ đàn đúm yêu đương, rồi lại khổ thôi...”.

Mặc em nghẹn ngào thanh minh rằng đó chỉ là người bạn học đến chơi chứ hoàn toàn không phải như chị nghĩ. Nhưng chị vẫn không chịu, chị tiếp tục gay gắt: “Tý tuổi đã vướng vào yêu đương lại còn ngụy biện”. Anh phải quát lên chị mới chịu dừng lại. Còn em gái anh thì bật khóc.  

Đây không phải lần đầu tiên anh phải trở thành người giải tỏa bức xúc giữa hai chị em. Anh đã nhiều lần nói với chị rằng nên chú ý trong cách ăn nói, đừng làm tổn thương người khác, cuộc sống sẽ thêm nặng nề. Nhưng có lẽ do bản tính quá thẳng thắn và vô tâm, nên lời anh nhắc chị cứ quên liên tục. Chị vẫn quan tâm đến em chồng nhưng theo cách của mình, chị lo cho nó đầy đủ không thiếu thứ gì, nhưng hễ có gì không vừa mắt là chị nói bằng những từ ngữ rất chối tai. Không ít lần em chồng chị đã chạnh lòng, định xin ra ở riêng.
Buổi tối hôm đó, khi chỉ có hai vợ chồng, anh mới mỉm cười nhắc chị: “Anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi, đừng quá cứng nhắc, khô khan, em nó đã là sinh viên rồi chứ đâu phải trẻ con. Vả lại, chính anh chị cũng yêu nhau từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đấy thôi. Tình yêu đôi khi lại chính là động lực giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều quan trọng là phải bảo đảm việc học hành thật tốt, phải biết giới hạn cho phép... Chị chép miệng nói: “Anh đừng quá bênh vực nó, em nói thế cũng là lo cho nó thôi. Nhỡ ảnh hưởng đến học tập lại khổ nó”.
Anh nói: “Anh nghĩ, em nó không phải vậy đâu. Lúc sáng, nó vừa khoe anh thành tích học tập của nó. Em biết không, nó vừa xuất sắc giành học bổng mức cao nhất. Nó biết nghĩ rồi, nên em cần tế nhị hơn, em có muốn gia đình mình rơi vào cảnh chị dâu em chồng lục đục không?"
 
 
 
Theo Kinh tế đô thị

 

Chia sẻ