“Chỉ cho con dùng thực phẩm chức năng đã qua kiểm nghiệm tại Việt Nam”

,
Chia sẻ

Bác sỹ - Thạc sỹ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm khám, tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát độ béo phì giải đáp những thắc mắc các mẹ hay gặp khi nuôi con hiện nay.

Thưa bác sỹ, hầu hết các mẹ đều băn khoăn nên cho con ăn như thế nào để phục hồi sức khỏe tốt sau khi ốm?

Sau khi con ốm, điều quan trọng nhất là cho con ăn tăng số bữa lên. Ví dụ theo lứa tuổi, bé chỉ cần ăn 3 bữa, sẽ phải tăng lên 4, 5 bữa. Chọn loại thực phẩm năng lượng cao mà không cần ăn nhiều, như các loại sữa tăng năng lượng cho trẻ sau khi ốm dậy (Pediasure...). Tăng thêm dầu, mỡ trong chế độ ăn.

Tùy theo lứa tuổi, khẩu vị của bé để mẹ có một chế độ ăn phù hợp với con. Những trường hợp nào đặc biệt hơn cần đến tư vấn cụ thể của bác sỹ.

Với các bé đang độ tuổi ăn dặm, các mẹ nên nấu bột hay cho con ăn cháo xay, thưa chị?

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, trẻ được 6 tháng mẹ nên cho con ăn dặm. Nếu mẹ nào nhiều sữa hoặc con chịu ăn sữa ngoài, bước sang tháng thứ 7, mẹ mới cho con ăn dặm cũng được, nhưng không nên để con ăn dặm muộn quá, sau 7 tháng. Tuy nhiên những trường hợp đặc biệt, những trẻ tròn 4 tháng mẹ đi làm, lại không chịu ăn sữa, bé lại thích ăn bột, cho ăn thử thì ăn rất ngon lành, không bị rối loạn tiêu hóa, cũng có thể cho trẻ ăn dặm sớm.

Ăn bột hay ăn cháo xay đều như nhau. Nhưng hiện tại, các loại máy xay rất tiện dụng thì các mẹ nên nấu cho con ăn là tốt hơn. Khi ninh cháo, màng xenlulô của gạo đã bị thủy phân bởi nhiệt độ cao, làm cho đứa trẻ hấp thu tốt hơn.

Cũng còn tùy thuộc vào khẩu vị của trẻ thích ăn bột hay ăn cháo. Mẹ có thể xen kẽ các bữa bột, bữa cháo để đổi bữa cho trẻ.

Vậy khi nào các cháu có thể ăn cháo hạt hoặc ăn cơm?

Thông thường, trẻ trên 1 tuổi ăn cháo hạt và từ 18 tháng – 2 tuổi có thể ăn cơm tùy theo từng sự phát triển của từng cháu. Nhưng cũng có cháu 7,8 tháng đã ăn cháo hạt và 11 tháng tập ăn cơm. Đó là những trường hợp cá biệt, không khuyến khích các cháu.

Điều các mẹ cần chú ý là phương pháp xay nhuyễn chỉ áp dụng với trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ trên 1 tuổi, trẻ cần ăn cháo hạt tập nhai. Hoặc thịt mẹ băm nhỏ chứ không xay nhuyễn. Các cháu cũng có thể ăn được các loại bún, mỳ, phở. Mẹ nên tập cho con ăn 1 – 2 bữa cơm một ngày, còn lại vẫn là ăn cháo.
 
Bác sỹ - Thạc sỹ Lê Thị Hải trong một lần công tác ở nước ngoài.

 Nhiều gia đình lo lắng cho con tập nhai hoặc ăn thức ăn thô sớm sẽ hại dạ dầy?

Đúng độ tuổi, trẻ ăn cơm không sợ hại dạ dày. Cái chính là ăn cơm sẽ không cho thức ăn được nhiều như khi ăn cháo. Nếu bát cơm mẹ đảm bảo cho đủ thức ăn như khi con ăn cháo thì con ăn cơm cũng được.

Thưa chị, nhiều mẹ thắc mắc tại sao con đi phân mềm, nhưng sau tận 5 ngày, con mới đi đại tiện một lần?

Đó là do trẻ bị táo bón. Táo bón là trẻ đi ngoài, phân rắn khô cứng, trẻ có thể bị đau, rặn đỏ mặt hoặc khoảng cách đi đại tiện giữa hai lần quá xa nhau. Với trẻ lớn và người lớn, trên 3 ngày đi đại tiện 1 lần, trẻ sơ sinh là trên 2 ngày, dù phân mềm nhưng vẫn là táo bón.

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ phải ăn đầy đủ rau xanh, chất xơ, uống nước nhiều. Không nên ăn kiêng vì sợ con đi phân xanh, sợ lạnh bụng không ăn rau mùng tơi, khoai lang mà chỉ ăn rau ngót, sợ mỏi răng chỉ uống nước cam mà không ăn cả múi. Nếu chế độ ăn uống tốt nên đi khám xem con có bị còi xương không. Sữa bột công thức không hợp cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

"Các mẹ chỉ nên chọn mua các loại TPCN đã có giấy chứng nhận và kết quả kiểm nghiệm lại các thành phần chức năng có đúng như in trên bao bì hay không của các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

Tại sao các mẹ không chọn mua cho con những loại vitamin và muối khoáng do Việt Nam sản xuất, giá có mấy chục nghìn và đã được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm nghiệm."

Khi trẻ ăn dặm, mẹ phải cho con ăn nhiều rau củ quả, uống nước hoa quả, uống đủ nước.

Sau khi sinh xuất viện, các bác sỹ thường kê cho con uống vitamin D, nhưng các mẹ không rõ là khi nào thì con không cần uống vitamin D nữa?

Với các cháu bị còi xương, uống vitamin D đến bao giờ hết dấu hiệu còi xương (như rụng tóc...).

Với các cháu uống phòng bệnh còi xương, có thể uống từ 1 – 2 giọt/ngày đến khi 2 tuổi. Mùa hè, mẹ cho con tắm nắng 30 phút/ngày thì có thể không cần uống vitamin D.

Hiện nay, nhiều mẹ rất “tin dùng” những loại thực phẩm chức năng (TPCN) bổ sung vitamin, giúp bé ăn ngon, tăng cân đều... có bán trên thị trường, giá thành rất cao lên tới vài triệu đồng?

TPCN chỉ là bổ sung các chất dinh dưỡng giúp cho cơ thể có khả năng phòng chống bệnh tật, hỗ trợ cho chức năng hoạt động của cơ thể, chứ không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh

TPCN chỉ là bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của các cháu. Nếu trẻ ăn thiếu mới cần bổ sung. Nếu trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng theo lời khuyên của bác sỹ hoặc giống như mẹ tham khảo trong sách báo, cân nặng, chiều cao của cháu bình thường thì hoàn toàn không cần dùng thực phẩm chức năng. Các mẹ chỉ nên chọn mua các loại TPCN đã có giấy chứng nhận và kết quả kiểm nghiệm lại các thành phần chức năng có đúng như in trên bao bì hay không của các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

Tại sao các mẹ không chọn mua cho con những loại vitamin và muối khoáng do Việt Nam sản xuất, giá có mấy chục nghìn và đã được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm nghiệm.

Theo chị, các mẹ cần rút kinh nghiệm như thế nào trong việc nuôi dưỡng con hiện nay?

 Với các mẹ cho con bú, thường hay ít sữa hoặc mất sữa, các mẹ thường chưa biết cho con bú đúng cách hoặc chưa bế đúng tư thế cho con bú. Có mẹ đầu vú ngắn, hoặc khi bế con làm mũi con tịt mũi vào ngực mẹ, con con khó bú  hoặc không thể bú được.Các mẹ không thực hiện lời khuyến cáo cho con bú càng sớm càng tốt sau khi đẻ”. Nhiều mẹ chọn mổ đẻ, tách mẹ tách con không cho bú ngay hoặc cho ăn sữa ngoài sớm quá làm trẻ bỏ bú mẹ, dẫn tới mất sữa.

Các mẹ chưa hiểu sữa mẹ tốt như thế nào, quá tin quảng cáo trên tivi, đài báo về tác dụng “kỳ diệu” của sữa công thức như thông minh, cao lớn. Không có loại sữa nào tốt và có thể thay thế được sữa mẹ. Tập cho con ăn sữa ngoài sớm, sợ khi mẹ đi làm, con không chịu ăn sữa ngoài. Trẻ  bú sữa ngoài quen, ngọt, lao động ít thì dần dần sẽ bỏ sữa mẹ. Nếu có tập, mẹ chỉ nên vắt sữa, đổ thìa cho con.

Không có niềm tin, chưa chi đã nghĩ mình ít sữa, hoặc sữa của mình không tốt, không chất bằng sữa ngoài. Các mẹ phải hiểu cơ chế tiết sữa hoàn toàn theo cơ chế thần kinh và phản xạ chứ không phải phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Trẻ bú mẹ còn có tác dụng cầm máu cho mẹ mới đẻ. Cho con bú sớm, mẹ không bị băng huyết sau sinh, bong rau sớm hơn và không bị sót rau.

Cho con bú thường xuyên sẽ nhiều sữa. Các mẹ ở quê không thể có điều kiện ăn uống, nuôi con như các mẹ ở trên thành phố, nhưng vì sao họ vẫn nhiều sữa. Vì họ không thể có nhiều tiền để mua đủ các loại sữa đắt tiền cho con. Họ chỉ còn một giải pháp là cho con bú.

Nhiều mẹ sợ cho con bú, ăn nhiều béo phì. Điều quan trọng là mẹ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều nước chứ không cần ăn nhiều và không được ăn ít, không ăn ngọt và chất béo quá nhiều. Nếu mẹ quá ngán khi ăn cháo móng giò, có thể thay bằng cháo gà, cháo cá

Tùy từng trường hợp cụ thể, từ 1 tuổi trở lên, có thể cho con cai sữa, nhưng các mẹ nếu có điều kiện nên cho con bú đến 2 tuổi.

Với các mẹ cho con ăn dặm, một sai lầm phổ biến nhất là khi bắt đầu cho con ăn dặm, mẹ chỉ ninh và cho con ăn nước thịt/xương/rau mà không cho con ăn cái. Vì sợ con bé quá không ăn được hoặc ăn sợ hóc. Nhiều mẹ cho rằng cho con ăn nước xương là chữa bệnh còi xương.

Cho con ăn quá ít dầu mỡ, chỉ cho con ăn thịt nạc dẫn tới tình trạng các cháu thiếu năng lượng dẫn đến suy dinh dưỡng, bị thấp còi do không hấp thu được vitamin D và A.

Với các cháu lớn, thức ăn nào cũng xay nhuyễn, không chịu tập cho con ăn thô sớm, không cho con tập nhai. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn của trẻ. Các cháu không biết nhai, không ăn được rau củ quả lại dẫn tới tình trạng táo bón.

Các mẹ cần phải thay đổi những thói quen trên để nuôi dưỡng trẻ một cách tốt hơn.

Xin cảm ơn chị!
 
Thu Hằng
(Thực hiện)
Chia sẻ