Chế độ bảo hiểm trong thời kỳ thai sản

,
Chia sẻ

Trong thời kỳ thai sản, không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ những chế độ khi tham gia bảo hiểm. aFamily sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xung quanh câu hỏi này

Tôi dạy học tại trường Trung học tư thục Kinh tế Du lịch Hoa sữa từ 01/06/2008 đến 01/07/2008. Tôi đóng bảo hiểm (tự đóng) đến ngày 01/07/2009 (Cơ quan cho đóng 8 tháng và trừ thời gian nghỉ sinh con 4 tháng không phải đóng bảo hiểm), vậy đến đầu tháng 12/2008 tôi nghỉ sinh con thì được nghỉ bao lâu? và tôi có được hưởng chế độ gì từ nhà trường và từ bảo hiểm hay không? Hiện tôi đang đóng mức bảo hiểm là 23%/1triệu (giang082001@yahoo.com)

 

Trả lời:.

Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp người lao động đủ điều kiện theo quy định như trên nhưng nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Theo thông tin bạn đưa ra, bạn “tự đóng” bảo hiểm toàn bộ 23% tại trường Trung học tư thục Kinh tế Du lịch Hoa sữa (bao gồm cả phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động). Nếu bạn bắt đầu đóng bảo hiểm từ 01/6/2008 và bạn sinh con sau ngày 30/11/2008 (giả sử trước 1/6/2008, bạn chưa tham gia BHXH), căn cứ Điều 27, 28, 29, 31, 34 và 35 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, bạn sẽ được hưởng các chế độ thai sản như sau:

1.Thời gian đi khám thai (Điều 29):

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

2.Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu (Điều 30)

Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3.Thời gian hưởng chế độ khi sinh con (Điều 31):

a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;

d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.

Ngoài ra, trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới sáu mươi ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc chín mươi ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ sáu mươi ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc ba mươi ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Thời gian hưởng chế độ thai sản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

4.Mức hưởng chế độ thai sản (Điều 35):

Người lao động hưởng chế độ thai sản được hưởng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Đồng thời, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

5.Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản (Điều 37):

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Luật sư Hoài Nam
VP Luật sư Chu Đông và Cộng sự
Số 10 đường Yên Phụ Ba Đình - HN

 
Chia sẻ