Chế độ ăn thích hợp giúp giảm viêm khớp

,
Chia sẻ

Ngoài việc dùng thuốc, bạn có thể chống những cơn đau do viêm khớp mang lại bằng một chế độ ăn hợp lý, tăng cường chất xơ, hạn chế chất béo bão hoà, uống nhiều nước…

Tăng cường chế độ ăn chất xơ và giảm hấp thụ Carbonhydrate

Đã có những nghiên cứu cho thấy, trong bữa ăn với hàm lượng tinh chế Carbonhydrate cao, đặc biệt là nhiều đường và bột mì, có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp nghiêm trọng hơn. Với một chế độ ăn với lượng xơ thấp, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với sự tăng C-reactive protein, một loại protein được dùng để đo chỉ số viêm.

Thực phẩm chứa đường và bột tinh chế cao bao gồm một số loại ngũ cốc, bánh quy, bánh ngọt, nước uống trái cây được chế biến công nghiệp, bánh mì trắng, sốt salad…
 
Để tăng chất xơ, bạn nên ăn nhiều rau xanh, đậu các loại, trái cây…
 
Hạn chế dùng các loại chất béo bão hoà

Nếu như chất béo Hydrogenated và chất béo bão hoà là những tác nhân thúc đẩy gây viêm thì các chất béo lành mạnh như axit béo không bão hoà đơn thể và đặc biệt là omega-3 lại có thể giúp giảm viêm.
 
Chất béo bão hoà chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật có lượng mỡ cao như: thịt tươi, nội tạng động vật (ví dụ như gan), sữa, phô mai, sữa chua, và kem.
Chất béo trans (hình thành trong quá trình hydro hóa các loại dầu thực vật, chuyển chúng từ thể lỏng sang thể bán lỏng hoặc thể rắn chắc hơn) được tìm thấy ở một số gói thực phẩm, bao gồm cả bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên…
Việc hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa chất béo bão hoà, chất béo trans không chỉ có lợi cho bệnh khớp mà còn cho sức khỏe nói chung. Vì đây là những loại chất béo xấu, làm tăng mức cholesterol trong máu.
 
Axit béo không bão hoà đơn thể có trong dầu oliu, bơ và các loại hạt như lạc, quả hạnh, hạt điều, hạt đậu. Nguồn cung cấp nhiều omega-3 được biết tới là trong thịt cá hồi, dầu lanh, óc chó,…
Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy axit béo omega-3 có vai trò quan trọng trong việc giảm viêm tập trung, làm mềm, giảm cứng khớp vào buổi sáng, cho phép người bệnh ít phải dùng tới thuốc.
 

 
Tăng vitamin B

Plasma homocysteine là một axit amin trong máu, có liên quan đến việc gây viêm khớp. Một số nghiên cứu đã được tìm ra rằng nếu trong máu có lượng vitamin B cao thì sự tập trung của homocysteine sẽ giảm, dẫn đến giảm viêm.

Vậy nên việc bổ sung thêm nhiều vitamin B6, B12, và axit folic (vitamin B9) là rất cần thiết. Các vitamin này thường có nhiều trong ngũ cốc. Vitamin B12 có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm: cá, thịt, gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm sữa.

Các nguồn giàu vitamin B6 bao gồm: thịt lợn, cá, sữa, trứng, các loại hạt, gạo, chuối, đậu nành, lê…
Còn axit folic thì có nhiều trong: các sản phẩm có chứa lúa mì, trứng, gan, trà xanh, cam, dâu, dưa gang…
 
Ăn thêm nhiều tỏi, gừng và nghệ

Tỏi, gừng và nghệ vốn được biết đến như là những vị thuốc chống viêm thuộc họ dược thảo, giúp chống khuẩn, giảm viêm và là dịu những cơn đau khớp.

Không những thế, một số nghiên cứu khoa học chứng minh được tỏi còn giúp hạ thấp lượng cholesterol, ngăn ngừa ung thư.

Vậy nên việc thêm các loại dược thảo này không chỉ giúp bạn tăng hương vị khi nấu ăn mà còn có lợi ích thiết thực về sức khoẻ. Bạn cũng nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để tránh việc bổ sung quá nhiều sẽ có hại cho cơ thể. .

Uống nhiều nước

Nước không chỉ rất cần thiết cho cuộc sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sự bôi trơn và bảo vệ khớp.  Bởi nếu không có đủ nước sẽ tăng sự ma sát giữa các bề mặt của sụn khớp, khiến sưng và cứng khớp, tăng sự đau nhức khớp.

Vì vậy tốt nhất, bạn nên luôn mang bên mình một chai nước để đảm bảo có thể uống nước bất kỳ khi nào. Nhìn chung, bạn nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.

Thuỵ Nguyên

Chia sẻ