"Cầu Vồng Tình Yêu" và "Người Mẫu": tiếp nối thảm họa của dòng phim Việt hóa (Phần 2)

Hương Giang,
Chia sẻ

Cũng như "Người Mẫu", "Cầu Vồng Tình Yêu" vẫn rơi vào những điểm yếu "chết người" của dòng phim này và không ít khán giả đã phải lắc đầu ngao ngán khi phim lên sóng.

Phần 2: Cầu Vồng Tình Yêu

Hơi thở Hàn, đời sống Hàn trên sóng truyền hình người... Việt.

Cầu Vồng Tình Yêu của VFC được đặt nhiều kỳ vọng sẽ hâm nóng lại màn ảnh nhỏ truyền hình sau thời gian dài ảm đạm khi đầu tư khá mạnh tay cho bối cảnh và sở hữu nhiều gương mặt diễn viên hot nhất phía Bắc cũng như được PR liên tục, mạnh mẽ nhưng ngay từ những tập đầu. Nhưng... Cầu Vồng Tình Yêu vẫnlàm khán giả ngao ngán với những đài từ quá kém và chói tai của một số diễn viên, ngoài ra là sự gượng gạo đến khó chịu khi lột tả tâm lý nhân vật của MC Phan Anh –Thế Hiển, Hồng Đăng – Minh Khang… Vì vậy, bộ phim cũng không thoát được cái “vòng lẩn quẩn” và bế tắc của phim truyền hình Việt trong suốt thời gian vừa qua. Thậm chí, nhiều người còn nhận định đây sẽ là một thảm họa tiếp theo của dòng phim Việt hóa – đang gây ra không ít ồn ào, tiêu tốn giấy mực của báo chí trong thời gian trở lại đây.


Làm lại từ Vinh Quang Gia Tộc từng gây sốt tại Hàn Quốc. Dù được đạo diễn Vũ Hồng Sơn khẳng định: “Chúng tôi đã đưa vào rất nhiều tình huống, lời thoại, tạo dựng bối cảnh để có một bộ phim Việt Nam đúng nghĩa” nhưng Cầu Vồng Tình Yêu chưa thể làm thỏa lòng người xem với những gì mà nó đang thể hiện trên màn ảnh. Từ một bộ phim tâm lý – hài hước nhưng sau khi du lịch đến Việt Nam, qua sự nhào nặn và copy đặc sệt của sản phẩm nguyên gốc, nó đã mang tới một hơi thở Hàn, một đời sống Hàn trên sóng truyền hình người Việt.

Vẫn là căn bệnh "lười sáng tạo" và dàn diễn viên "không ổn"

Nếu có dịp xem phiên bản gốc sẽ dễ nhận thấy những lời thoại trong phim không biến hóa là mấy, sự “lười sáng tạo” đã trở thành căn bệnh để gây nên sự dị dạng cho chính bộ phim. Nhiều câu thoại khán giả sẽ cảm thấy khó nuốt trôi bởi không đúng tinh thần, cách ứng xử hàng ngày. Nhưng tệ hơn cả là giọng nói của diễn viên càng làm cho bộ phim thêm tẻ nhạt.


Không nhiều diễn viên Việt Nam có đài từ tốt, chuẩn để sẵn sàng thu thanh trực tiếp. Và lỗi này đã được bộc lộ rõ nét trong Cầu Vồng Tình Yêu khi giọng điệu đối thoại giữa các nhân vật trở thành màn trả bài rời rạc, gượng gạo. Diễn viên cố đuổi theo thoại mà bỏ quên cả phần hóa thân, đầu tư cho nội tâm nhân vật mình thể hiện. Xem phim thấy tâm lý của người nào cũng “nông”, hời hợt mặc dù bản thân được giới thiệu là những con người đầy phức tạp trong một gia đình nề nếp phải đấu tranh với những giá trị mới của xã hội. Sự tròn vai là điều hiếm có nếu xem Cầu Vồng Tình Yêu.

Một MC Phan Anh với gương mặt méo mó, cố tình bằng động tác hình thể để xây dựng hình ảnh một người chồng bội bạc, ham chơi. Xem Phan Anh diễn giống như một trò hề đi qua trước con mắt khán giả. Thực sự giao cho MC của Việt Nam Idol vai Thế Hiển là một sự mạo hiểm, liều lĩnh bởi chiếc áo quá rộng so với khả năng của anh. NSƯT Trọng Trinh với khuôn mặt ấy, tác phong ấy không thể phù hợp với hình ảnh một tổng giám đốc thành đạt. Hồng Đăng, Diệu Hương, Hải Anh, Lương Giang…đất diễn không ít nhưng đều không thể hiện được nhiều. Sau khi tạm dừng sự nghiệp diễn viên, MC một thuở Đan Lê tưởng chừng sẽ lột xác với vai cô bé lọ lem hay gặp trắc trở trong tình yêu…thế nhưng cô cũng mờ nhạt và chẳng có điểm nào để hấp dẫn khán giả. Có thể nói,chính sự cố ý nắn nót, gọt rũa theo phiên bản Hàn đã bóp chết Cầu Vồng Tình Yêu...


Kết

Một dàn diễn viên hùng hậu, nổi tiếng, bối cảnh sang trọng và tiền đầu tư không nhỏ…nhưng cuối cùng những tác phẩm Việt hóa từ phim Hàn Quốc vẫn chưa đem đến nhiều thành công cho các đạo diễn Việt Nam. Ngày càng có nhiều kịch bản được mua lại, liên tục lên sóng và liên tục không hay, không hấp dẫn…đã dần khiến công chúng hoài nghi về khả năng của các nhà làm phim Việt Nam.

Sự sao chép không giới hạn, thiếu điểm nhấn và lạc điệu hoàn toàn với bản sắc văn hóa dân tộc và cái bóng quá lớn từ phiên bản gốc đã trở thành “điểm chết” chủ yếu của dòng phim này. Và sẽ còn phải chờ đợi bao lâu nữa thì những điều này mới được khắc phục, nếu như các nhà làm phim vẫn còn vội vàng và chủ quan khi quyết định “nhập quốc tịch” phim Hàn Quốc tại Việt Nam như bây giờ?

Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp

Bạn yêu điện ảnh, bạn thích bình luận về phim, hay chỉ đơn giản là bạn chỉ thích ngồi nhà xem phim truyền hình. Hãy chia sẻ với Afamily.vn những cảm xúc của bạn về tất cả các bộ phim mà bạn đã từng xem. Chúng tôi luôn đón nhận tất cả những bài viết đánh giá cũng như bình luận phim của mọi độc giả qua chuyên mục mới "Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp".

Với mỗi bài viết đánh giá, bình luận, chia sẻ cảm xúc được chọn đăng, độc giả sẽ nhận được một cặp vé xem phim 2D hoặc cặp vé xem phim trong suất chiếu đặc biệt ngày ra mắt các phim mới tại Việt Nam.

Lưu ý:

- Mỗi bài viết hợp lệ được chọn đăng có độ dài từ 600 - 1000 chữ. Thư tham gia gửi về mục Phim Ảnh (email: phimanh@afamily.vn, mọi thắc mắc về chương trình các bạn cũng gửi trực tiếp qua email này) các bạn cần đề rõ: Tham gia "Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp". Trong thư, các bạn vui lòng đề rõ tên họ đầy đủ, số điện thoại liên lạc cũng như địa chỉ liên hệ để chúng tôi gửi vé khi bài viết được đăng.
- Chương trình áp dụng trên phạm vi cả nước. Tại Hà Nội và TP HCM, chúng tôi sẽ tặng vé. Các tỉnh thành khác, chúng tôi sẽ gửi nhuận bút về theo địa chỉ các bạn đã gửi về chúng tôi.

Chia sẻ