Câu chuyện về những nữ vận động viên bị nghi là đàn ông và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính xúc phạm nữ giới gây ra nhiều bi kịch

Jia You,
Chia sẻ

Tại đấu trường thể thao ở những thập kỷ trước, người ta đã từng lột trần các vận động viên nữ để kiểm tra xem họ có phải là đàn ông hay không bằng phương pháp thô thiển rồi sau đó được nâng lên thành kiểm tra nhiễm sắc thể giới tính.

Khi những đứa trẻ mẫu giáo đang trong một chuyến du lịch cùng trường, chúng sẽ có ý thức thành lập hai đội, đội con trai và đội con gái. Ngay cả khi người lớn không nói, trẻ con vẫn có thể phân biệt được giới tính.

Về sinh học, chúng ta biết rằng sự khác biệt giữa nam và nữ là một cặp nhiễm sắc thể giới tính có trong tế bào, XY cho nam và XX cho nữ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thể thao, vấn đề phân biệt này không hề đơn giản và có nhiều rắc rối xảy ra trong việc kiểm tra giới tính ở một số hạng mục thi đấu. 

Ban đầu, Thế vận hội không quan tâm đến vấn đề giới tính, vì không có vận động viên nữ tham gia. Pierre de Coubertin, người sáng lập Thế vận hội hiện đại tin rằng phụ nữ không nên cạnh tranh. 

Câu chuyện về những vận động viên nữ có mang sinh lý nam và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính ly kỳ trong đấu trường thể thao - Ảnh 1.

Charlotte Cooper là một tay vợt nữ người Anh đã giành được năm danh hiệu đơn tại Giải vô địch Wimbledon.

Ông nói, Thế vận hội thể hiện tinh thần thể thao nam, trong khi vai trò của người phụ nữ là vỗ tay và đeo vòng hoa cho những người đàn ông chiến thắng.

Trong Thế vận hội Paris 1900, người Pháp đã mời 22 vận động viên nữ tham gia. Họ mặc váy dài, vung vợt tennis đã thu hút nhiều sự chú ý của khán giả. 

Trong nhiều thập kỷ sau đó, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia Thế vận hội và bắt đầu có nhiều nội dung thi liên quan đến nữ giới. Tuy nhiên, đến năm 1928, môn thi chính của Thế vận hội là điền kinh mới có phụ nữ tham gia. 

Tranh chấp giới tính trên sân thể thao, và sàn đấu điền kinh là nơi đầu tiên

Tại Thế vận hội Berlin năm 1936, vận động viên người Mỹ Helen Stephens đã giành chức vô địch bộ môn chạy nước rút 100 mét nữ với 11,5 giây. Thời điểm đó, Stephens đã gặp phải những tin đồn như:“Cô ấy có thể chạy rất nhanh, cô ấy nhất định là đàn ông”. 

Dưới áp lực của dư luận, các quan chức Đức đã đưa Stephens đi kiểm tra thể chất. Kết quả rất rõ ràng, cô ấy là một người phụ nữ hoàn chỉnh từ trong ra ngoài. Vào thời điểm đó, đối thủ của cô là Stella Walsh cũng nói bóng gió với truyền thông rằng: “Stephens là một người đàn ông”. 

Không lâu sau, Stella Walsh chuyển đến Hoa Kỳ và bất ngờ qua đời. Trong kết quả khám nghiệm tử thi của Walsh đã hé lộ điều bất ngờ, đó là Walsh không có tử cung, nhưng có một cơ quan sinh dục kém phát triển của nam giới. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi về giới tính của Walsh, mặc dù tài liệu chính thức vẫn ghi nhận Walsh là nữ giới. 

Câu chuyện về những vận động viên nữ có mang sinh lý nam và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính ly kỳ trong đấu trường thể thao - Ảnh 2.

Stella Walsh (Phải) và Helen Stephens (Trái) chịu tin đồn về việc mình không phải là phụ nữ.

Dora Ratjen, người cũng tham gia Thế vận hội này cũng gặp phải vấn đề giới tính. Ratjen đã phá kỷ lục thế giới về môn nhảy cao của nữ tại Giải vô địch điền kinh Châu Âu năm 1938. Nhưng chỉ sau vài ngày, cô đã bị bắt trên chuyến tàu từ Vienna đến Cologne với tội danh “cải trang thành phụ nữ”.

Sau khi kiểm tra thể chất, bác sĩ kiểm tra rằng Ratjen là nam giới. Với tư cách là người đàn ông, Ratjen đã trả lại huy chương và từ giã sự nghiệp thể thao của mình. Nhưng trên thực tế, Ratjen là một người lưỡng tính, cô ấy có bộ phận sinh dục mơ hồ. Khi sinh ra, các y tá không thể xác định được cô là nam hay nữ. 

Y học hiện đại chứng minh rằng Ratjen không có tử cung và buồng trứng nhưng có tinh hoàn. Giới tính sinh học này gần với đàn ông hơn là phụ nữ, nhưng cô được nuôi dưỡng như một cô gái và luôn nghĩ rằng mình là người phụ nữ thực thụ. 

Câu chuyện về những nữ vận động viên bị nghi là đàn ông và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính xúc phạm nữ giới gây ra nhiều bi kịch - Ảnh 3.

Dora Ratjen

Vào những năm 1950, Liên Xô bắt đầu tham gia Thế vận hội Olympic và sự nghi ngờ về giới tính của các vận động viên nữ cũng đạt đến đỉnh điểm. Lý do vì màn thi đấu của phụ nữ Liên Xô tại Thế vận hội được thể hiện rất tốt. Năm 1952, Liên Xô giành được 71 huy chương, trong đó có 23 huy chương của vận động viên nữ. 

Ở đội tuyển Mỹ, vận động viên nữ chỉ giành được 8 trên tổng số 76 huy chương. Một số vận động viên nữ có vẻ ngoài phi giới tính của Liên Xô thậm chí còn chơi trội hơn trên sàn đấu. Trong đó vận động viên nữ Tamara Press đã lập kỷ lục thế giới từ năm 1959 đến 1966 trong hạng mục ném dĩa, trong khi đó người em Irina Press lại toàn diện hơn và chủ yếu chiến thắng ở các hạng mục chạy nước rút. 

Câu chuyện về những vận động viên nữ mang sinh lý nam và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính ly kỳ trong đấu trường thể thao thập kỷ trước - Ảnh 4.

Chị em nhà Press.

Trên thực tế, thời điểm đó người ta nhận định ngoại hình của hai chị em không có bất kỳ đặc điểm nào của nam giới, nhưng vì họ lập thành tích quá khủng nên đã nhận về nhiều tranh cãi, thậm chí có người chế giễu họ là Press Brothers (Anh em nhà Press).

Năm 1966, sau khi việc kiểm tra giới tính tại đấu trường thể thao có hệ thống, hai chị em đột nhiên tuyên bố giải nghệ.

Làm thế nào để các nhà tổ chức thể thao kiểm tra giới tính của các vận động viên nữ?

Phương pháp ban đầu rất đơn giản, vận động viên bước vào phòng, cởi quần áo và nhân viên y tế sẽ kiểm tra xem họ là nam hay nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, phương pháp này khó xử hơn nhiều. Nhân viên y tế không chỉ xem mà còn dùng dụng cụ chọc vào. Không ít vận động viên nữ cho rằng đây là một hành động sỉ nhục không thể chịu nổi. 

Hơn nữa, trong các trường hợp khác, giới tính rất khó để đánh giá trực quan, có những người có cơ quan sinh dục trông giống như đàn ông nhưng lại có buồng trứng. Do đó, một số cuộc thi quốc tế đã quyết định sử dụng sức mạnh của khoa học nhiễm sắc thể để dập tắt hoàn toàn cuộc tranh cãi về giới tính. 

Sách giáo khoa sinh học cho chúng ta biết rằng sự khác biệt giữa nam và nữ là một cặp nhiễm sắc thể giới tính có trong tế bào, XY cho nam và XX cho nữ. 

Câu chuyện về những nữ vận động viên bị nghi là đàn ông và hé lộ phương pháp kiểm tra giới tính xúc phạm nữ giới gây ra nhiều bi kịch - Ảnh 5.

Các nghiên cứu trong những năm 1950 đã chỉ ra rằng, nếu một người có hai nhiễm sắc thể X trong tế bào, mà một trong số chúng bị vô hiệu hóa tạo ra vị trí trống thì đây được gọi là thể Barr, và có thể quan sát được bằng kính hiển vi. Nếu như không tìm thấy thể Barr thì họ không phải là phụ nữ. 

Từ năm 1966, các tạp chí y khoa đã khuyến nghị nên sử dụng xét nghiệm thể Barr để phân biệt nam nữ. Cách xét nghiệm rất đơn giản, chỉ cần phết ít mô trên miệng của vận động viên và sử dụng kính hiển vi quan sát là có thể phát hiện có thể Barr hay không. 

Bắt đầu từ Thế vận hội năm 1968, xét nghiệm thể Barr đã trở thành tiêu chuẩn mới để kiểm tra giới tính của các vận động viên nữ. Tuy nhiên, một loạt kết quả kỳ lạ đã chứng minh cho mọi người rằng loại xét nghiệm này không đáng tin cậy. 

Năm 1966, vận động viên nữ người Ba Lan - Ewa Klobukowska đã vượt qua vòng kiểm tra thể chất nhưng đã thất bại trong cuộc xét nghiệm thể Barr vào năm 1967. Theo Liên đoàn điền kinh quốc tế, cô bị tước tư cách là vận động viên nữ, hồ sơ và huy chương đều bị thu hồi. Tuy nhiên, năm sau đó cô đã mang thai và sinh con trai thành công. 

Vận động viên Tây Ban Nha Maria Martinez - Patino là một nạn nhân khác của xét nghiệm thể Barr. Nhìn ngoại hình, không ai có thể nghi ngờ gì về giới tính của cô, nhưng trong một cuộc kiểm tra, cô bị phát hiện có nhiễm sắc thể XY và không đủ điều kiện tham gia thi đấu. 

Nhưng Patino vẫn một mực tham gia và gánh chịu mọi hậu quả, cô không chỉ mất bạn bè, chia tay vị hôn phu, mà còn mất cả học bổng và chỗ ở cho vận động viên. 

Sau này, mọi người mới biết được rằng Patino bị mắc hội chứng không nhạy cảm androgen (AIS), hay còn gọi là hội chứng nữ hóa có tinh hoàn. Người mang hội chứng này tuy hình dáng là nữ giới nhưng thực sự lại mang kiểu gen của nam giới. Họ có tuyến vú và cơ quan sinh dục ngoài như của nữ giới nhưng lại vô kinh khi đến tuổi dậy thì. 

Ở thập kỷ trước, các cuộc kiểm tra giới tính luôn gây ra tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự sỉ nhục đối với các vận động viên nữ, vi phạm quyền con người và ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý. Như vận động viên điền kinh người Ấn Độ Santhi Soundarajan cũng là bệnh nhân AIS. Cô từng bị tước danh dự và bằng cấp vận động viên, trở về làng quê nghèo trong sự sỉ nhục và từng cố tự tử.

 (Nguồn: The Paper)

Chia sẻ