Cấp cứu do nhiễm giun vì ăn thịt lợn tái

Theo VNE,
Chia sẻ

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho một cặp vợ chồng cùng nhiễm giun xoắn, đều ở Mường Lát, Thanh Hóa. Nguyên nhân được xác định là do ăn nem thính làm từ thịt lợn tái, nhiễm kén có ấu trùng giun.

Trước đó, từ cuối tháng 1, vợ chồng chị Lộc bắt đầu bị tiêu chảy, phù nề, sốt cao, buồn nôn, đau đầu… Điều trị 10 ngày ở Bệnh viện huyện Mường Lát không khỏi, cả hai được chuyển tới bệnh viện khu vực, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đến nay, sau một tuần điều trị, chị Lộc đã hết sốt, bớt phù và không còn tiêu chảy. Trong khi đó, người chồng vẫn còn khá mệt mỏi và vẫn sốt.


Một bệnh nhân nhiễm giun xoắn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc.

Đến lúc này, hai vợ chồng chị Lộc vẫn không nghĩ rằng nguyên nhân mình nằm viện điều trị gần 1 tháng nay là do ăn thịt lợn chưa nấu chín, mà cụ thể là món nem thính, một đặc sản của địa phương. Năm nào, nhà chị cũng tự làm 2- 3 kg nem thính, nhưng chưa bao giờ có ai bị như thế.

“Lúc đầu, mình nghĩ có thể là do nguồn nước không đảm bảo. Cả thị trấn Mường Lát hiện dùng chung một nguồn nước bắt nguồn từ một con suối, nên có thể xác, chất thải của động vật, của con người khiến nguồn nước ô nhiễm... Ai ngờ lại do chính món thịt mình ăn. Nói chung bị một lần là sợ lắm rồi”, chị Lộc buồn bã nói.

Theo chị Lộc, hàng xóm của chị cũng có mấy người có triệu chứng tương tự đang điều trị tại tỉnh. Có nhiều người khác thì bị sưng mắt, đau cơ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hà, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Phán đoán các bệnh nhân có thể nhiễm ký sinh trùng đường ruột, tức nhiễm giun sán, chúng tôi đã lấy mẫu huyết thanh gửi tới Đại học Y Hà Nội và Viện Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để làm xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời cũng gửi mẫu sinh thiết cơ, xem trong cơ của bệnh nhân có kén của ấu trùng giun xoắn hay không”.

Đến ngày 29/2, kết quả xét nghiệm cho thấy 2 mẫu huyết thanh đều dương tính với giun xoắn. Riêng mẫu sinh thiết cơ là không thấy xuất hiện các kén của ấu trùng giun.

Tại khoa cũng đang đang điều trị cho một cặp vợ chồng khác cũng nhiễm giun xoắn, trong đó người vợ đang mang thai nhưng rất may đã ở tháng thứ 8. Phụ nữ có thai chống chỉ định dùng thuốc diệt giun xoắn trong 3 tháng đầu, còn những tháng sau vẫn dùng được, bác sĩ Hà cho biết.

“Bên cạnh đó, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận đang điều trị cho 4 bệnh nhân. Bởi vậy, chúng tôi đã báo vụ việc với Viện ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Viện này đã gửi cán bộ về điều tra dịch tễ tại Mường Lát”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Theo bác sĩ, giun xoắn là bệnh lây từ động vật sang người khi người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín. Nguyên nhân thường liên quan tới tập quán ăn sống, ăn tái. Khi vào dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén và di chuyển tới ruột non. Tại đây, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành, qua thành ruột đi vào các mạch máu, từ đó tới tim, phổi, các cơ vân tạo thành kén.

Bệnh thường có những biểu hiện như: đau cơ, sốt tăng dần, tiêu chảy, mày đay... Những trường hợp bệnh nặng, có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3- 4 như: viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 6-30%.

Vì thế, để phòng bệnh này, người dân cần tuyệt đối tránh các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín, nhất là các món như: nem làm từ thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, tiết canh lợn… Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán… là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.

Chia sẻ