Cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa quét mã QR để lừa đảo

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Gần đây, bên cạnh hình thức gửi link đăng nhập website giả mạo để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử,... kẻ gian vừa phát triển thêm phương thức gửi QR code qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) để nâng cấp mức độ tinh vi hòng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR

Trong thời gian qua, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nở rộ, đặc biệt thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong số đó những thủ đoạn liên quan đến giả mạo thương hiệu các ngân hàng, ví điện tử... vẫn tiếp tục xảy ra.

Mới đây, ngân hàng VP Bank đã đưa ra khuyến cáo đến người dùng về một phương thức lừa đảo liên quan đến quét mã QR code được thực hiện qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) Đây là một thủ đoạn mới, cực tinh vi mà các đối tượng xấu sử dụng hòng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa quét mã QR để lừa đảo - Ảnh 1.

Mã QR code ngày càng trở nên phổ biến trong thanh toán điện tử và nhiều hoạt động khác. Ảnh minh hoạ.

Đầu tiên, đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác. Sau khi tư vấn và được khách hàng đồng ý, kẻ gian gửi và yêu cầu khách hàng quét mã QR Code.

Sau khi quét mã QR Code thành công sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo, các đối tượng yêu cầu Khách hàng nhập các thông tin như: Họ và tên, CMT/ CCCD, chụp ảnh CMT, CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng….

Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản internet banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa quét mã QR để lừa đảo - Ảnh 2.

Các đối tượng xấu giả mạo nhân viên ngân hàng chào mời người dùng với nhiều hình thức như rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trước thực tế trên, kẻ gian đã thay đổi hình thức lừa đảo, thay vì gửi link như trước (dễ nhận diện giả mạo hơn) thì giờ đây người dùng sẽ nhận được mã QR code được gửi qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…)

Để tránh bị dính bẫy lừa đảo tinh vi mới này, ngân hàng VPBank khuyến cáo người dùng:

Cần cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. VP Bank tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, số CVV2/CVC2 (ba số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua zalo/số điện thoại không định danh. Đồng thời không cung cấp mã xác thực OTP/ Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Chính vì vậy, khi có những yêu cầu như trên tuyệt đối là giả mạo.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa quét mã QR để lừa đảo - Ảnh 3.

1 số website giả mạo VP bank.

Cảnh giác "bẫy" mua bán tài khoản ngân hàng

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tài khoản ngân hàng vẫn thường xuyên xảy ra. Mới đây, Cục An ninh mạng đã đưa ra khuyến cáo về hoạt động mua bán thẻ ngân hàng.

Theo đó, trong thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều tài khoản đăng bài có nội dung về việc thu mua, thuê mướn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, không ít đối tượng đã tổ chức lôi kéo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về pháp luật để thuê mướn thông tin, giấy tờ tùy thân cá nhân nhằm mục đích đăng ký mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc lừa đảo trên không gian mạng.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa quét mã QR để lừa đảo - Ảnh 4.

Nhiều nhóm mua bán tài khoản ngân hàng xuất hiện trên mạng xã hội.

Phương thức, thủ đoạn liên quan đến hoạt động mua bán tài khoản thanh toán rất tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để vận động học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật để mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó phân phối lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính.

Các đối tượng thường tham gia vào các hội nhóm liên quan đến chạy chỉ tiêu ngân hàng để đăng tin, tuyển lựa người mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng với giá từ 1-2 triệu/tài khoản thanh toán. Sau khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản thanh toán, chủ tài khoản chuyển lại cho đối tượng thông tin đăng nhập tài khoản thanh toán, số điện thoại (thường là sim không chính chủ do chủ tài khoản tự mua hoặc do đối tượng cung cấp), thẻ ngân hàng.

Tuy nhiên nhiều người không ý thức được tính nguy hiểm của việc mua bán, cho thuê thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, giấy tờ tùy thân cá nhân như vậy có thể gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại.

Các tài khoản thanh toán không chính chủ này được sử dụng chủ yếu cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Chia sẻ