Cảnh báo nguy cơ ngộ độc và những lưu ý khi dùng phụ gia thực phẩm

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Chuyên gia nhận định, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt không may dùng chất phụ gia không cho phép trong thực phẩm thì vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Mới đây, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm mới tiếp nhận 2 mẹ con bị tan máu sau ăn nem rán tẩm bột phẩm màu.

Cách đây khoảng 2 năm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng ghi nhận một bệnh nhân 31 tuổi vào viện trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nước tiểu màu đỏ sau ăn sốt vang có tẩm ướp phụ gia thực phẩm - bột hoa hiên màu cam.

Có thể nói, trong ăn uống hàng ngày, phụ gia thực phẩm nói chung đóng vai trò khá quan trọng. Chúng giúp món ăn thêm đẹp mắt, hấp dẫn hơn, giúp nhiều người ăn ngon hơn... Tuy nhiên, sử dụng phụ gia thực phẩm như thế nào mới đúng, tránh gặp họa đáng tiếc như những trường hợp nêu trên thì hiện nay vẫn ít người để ý.

Phụ gia thực phẩm: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc và những lưu ý khi dùng nếu không muốn bất ngờ nhập viện - Ảnh 1.

Phụ gia thực phẩm là gì?

Theo Luật An toàn thực phẩm (hợp nhất) năm 2018 giải thích rằng: Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.

Một số phụ gia thực phẩm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Ví dụ bảo quản bằng làm dưa chua (với giấm), ướp muối (thịt ướp muối xông khói), sử dụng dioxit lưu huỳnh như trong một số loại rượu vang. Với sự ra đời và phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm trong nửa sau thế kỷ 20 thì có thêm nhiều phụ gia thực phẩm đã được giới thiệu, cả tự nhiên lẫn nhân tạo.

Đây là những chất người ta cố tình trộn thêm vào thức ăn hoặc thức uống để chúng khỏi bị hư thối, kéo dài thời gian bảo quản được lâu hơn. Mặc dù vậy chúng không làm thay đổi chất lượng và hương vị của sản phẩm. Đôi khi người ta cũng sử dụng chất phụ gia để có được một tính chất mong muốn nào đó, như sản phẩm được dai, được giòn, màu sắc hoặc mùi vị thích hợp nào đó dễ hấp dẫn người tiêu thụ hơn.

Phụ gia thực phẩm: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc và những lưu ý khi dùng nếu không muốn bất ngờ nhập viện - Ảnh 2.

Chất phụ gia có thể có nguồn gốc thiên nhiên, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học (như bicarbonate de sodium).

Đôi khi chúng cũng được tổng hợp từ vi sinh vật, như các loại enzymes dùng để sản xuất ra sữa chua.

Chất phụ gia cũng có thể là các vitamin được người ta cho thêm vào thực phẩm để tăng thêm tính bổ dưỡng...

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ phụ gia thực phẩm

Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế), sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt không may dùng chất phụ gia không cho phép trong thực phẩm thì vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Nếu dùng quá liều cho phép, người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính. Nếu dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục, chất phụ gia thực phẩm có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây ngộ độc mãn tính.

Cụ thể, bạn có nguy cơ bị tiêu chảy, rụng tóc, giảm cân, suy thận mạn, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút... Đặc biệt, nó còn có nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen. Phụ nữ mang thai dùng chất phụ gia thực phẩm kéo dài có thể gây dị tật thai nhi, nhất là các chất phụ gia tổng hợp. Chưa kể, dùng chất phụ gia thường xuyên còn phá hủy các chất dinh dưỡng, vitamin trong thực phẩm, biến món ăn thành kém chất lượng.

Danh sách các chất phụ gia thực phẩm nên tránh

Số E là các mã số cho các phụ gia thực phẩm và thường được nhìn thấy trên các nhãn mác bao bì thực phẩm trong khu vực Liên minh châu Âu. Sơ đồ đánh số tuân theo các quy tắc của Hệ thống đánh số quốc tế (INS) như được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex Alimentarius, tiếng Latinh có nghĩa là luật thực phẩm) xác định.

Các số E cũng được thấy trên tem mác thực phẩm tại một số quốc gia.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chúng ta có thể phân loại phụ gia thực phẩm theo 3 loại:

- Các chất phụ gia vô hại đối với sức khỏe.

- Các chất phụ gia đang có các tranh cãi về việc gây hại hay không.

- Các chất phụ gia nguy hiểm cho sức khỏe.

Danh sách một số phụ gia thực phẩm bị cấm tại Việt Nam (không có mặt trong Thông tư 24/2019/TTBYT ngày 30/08/2019 Quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm):

E103, E104, E105, E111, E121, E125, E126, E130, E131, E142, E150, E152, E154, E160, E173, E180, E215, E216, E217, E219, E226, E228, E230, E233, E240, E241, E252, E311, E312, E330, E453, E454, E502, E5133, E924a, E924b, E926.

Các chuyên gia đã đánh giá những phụ gia sau có tính nguy hiểm: E102, E110, E120, E124, E127, E129, E155, E201, E220, E222, E223, E224, E228, E233, E242, E270, E400, E401, E402, E403, E404, E405, E501, E502, E503, E620, E636 và E637.

Những chất sau được đánh giá là nguy hiểm nhưng vẫn không bị cấm không rõ lý do: E123, E510, E513 và E527.

Những phụ gia sau còn đang nghi ngờ về tác hại: E104, E122, E141, E150, E171, E173, E241 và E477.

Phân loại phụ gia thực phẩm trong hệ thống của Ủy ban Tiêu chuẩn Codex được phát triển bởi Tổ chức Quốc tế về Lương thực và Nông nghiệp (FAO)

- E103, E105, E121, E123, E125, E126, E130, E131, E142, E153 – phẩm màu. Có trong một số loại nước ngọt có ga, kẹo, kem.

- E171-173 – phẩm màu. Chứa trong một số loại nước ngọt có ga, kẹo, kem.

- E210, E211, E213-217, E240 - chất bảo quản. Có trong bất kỳ loại thực phẩm đóng hộp (nấm, trái cây, nước trái cây, mứt).

- E221-226 - chất bảo quản. Sử dụng để bảo quản bất kỳ sản phẩm nào.

- E230-232, E239 - chất bảo quản. Tìm thấy trong thực phẩm đóng hộp của bất kỳ sản phẩm nào.

- E311-313 - chất chống oxy hóa. Có trong sữa chua, các sản phẩm từ sữa, xúc xích, bơ, sô cô la.

- E407, E447, E450 - chất ổn định và chất làm đặc. Có trong mứt, sữa đặc, sô cô la, pho mát.

- E461-466 - chất ổn định và chất làm đặc. Có trong một số loại mứt, sữa đặc, sô cô la, pho mát.

- E924a, E924b – chất chống bọt. Có trong đồ uống có ga.

Phụ gia thực phẩm: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc và những lưu ý khi dùng nếu không muốn bất ngờ nhập viện - Ảnh 5.

Những hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm

- Formol, hàn the, chất tạo ngọt, màu thực phẩm

- Clenbuterol, salbutamol, dexamethason

- Chloramphenicol, nitrofuran, fluoroquinolon, malachite green

Lưu ý khi dùng chất phụ gia thực phẩm nói chung

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng khi chọn mua thực phẩm cần lưu ý hàm lượng chất phụ gia có ghi trên nhãn mác, có địa chỉ sản xuất rõ ràng. Khi chế biến thực phẩm, chỉ sử dụng các phụ gia được phép sử dụng và hàm lượng cho phép để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Ngoài ra, theo Thông tư 24 của Bộ Y tế, sử dụng phụ gia thực phẩm trong ăn uống phải đảm bảo đúng với đối tượng thực phẩm. Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn an toàn khi có màu sắc tự nhiên. Trên bao bì cần ghi rõ nhãn hiệu, xuất xứ hoặc ghi rõ thành phần các chất phụ gia (hay phẩm màu) được phép sử dụng.

Người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng với các loại thức ăn đường phố, đồ ăn vặt có màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ.

Trong nấu ăn chỉ nên tạo vị ngọt cho món bằng chất đạm thật sự có trong thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, rau củ, hải sản...

Nếu cần tạo màu cho thực phẩm nên chọn màu tự nhiên từ lá dứa, lá cẩm, quả gấc, cà phê... hoặc phẩm màu thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng hàn the, đường hóa học chế biến thức ăn...

Chia sẻ