Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Mai Lê,
Chia sẻ

Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 50 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng.

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhân nhập viện do đột quỵ. (ảnh: Quang Nhật)

Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022, có đến hơn 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

BSCKI. Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Trước đây, bệnh đột quỵ hầu như chỉ ghi nhận ở những người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay, có không ít trường hợp bệnh nhân dưới 35 tuổi đã bị đột quỵ. Nguyên nhân của tình trạng này theo bác sĩ Thủy Tiên, là do sự trẻ hóa của các yếu tố nguy cơ như tình trạng xơ vữa mạch, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường… Bệnh đột quỵ rất nguy hiểm, gây tàn phế hoặc khiến bệnh nhân tử vong. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ bị xuất huyết não hoặc nhồi máu não khiến bệnh nhân hạn chế khả năng vận động, giao tiếp, thậm chí bệnh nhân có thể nằm liệt giường.

Cũng theo bác sĩ Thủy Tiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng mỡ máu và một số trường hợp bệnh nhân suy tim… Khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như đột ngột ngã quỵ, liệt nửa người, méo miệng, nuốt khó, nói khó, hôn mê…

"Đột quỵ nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời thì người bệnh vẫn có thể hồi phục tốt. Vì thế, nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng. Khi gặp trường hợp bị đột quỵ, người dân cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất. Không ít người dân khi thấy người thân đột quỵ đã tự ý sơ cứu không đúng cách, để bệnh nhân tại nhà quá lâu làm lỡ mất thời gian vàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Do đó, đối với các trường hợp bệnh nhân đột quỵ, khuyến cáo người dân cần đưa bệnh nhân nhập viện sớm nhất có thể", bác sĩ Thủy Tiên lưu ý.

Chăm sóc chồng đang nằm điều trị vì đột quỵ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị N.T.V.A. (trú tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Chồng chị năm nay gần 40 tuổi, bình thường sức khỏe của anh rất tốt. Tuy nhiên, do tính chất công việc, chồng chị thường xuyên tiếp khách, uống khá nhiều bia rượu và thức khuya. Mấy tháng trước, trong một lần về khuya, anh than đau đầu. Cứ ngỡ do tác dụng của bia rượu nên gia đình cũng khá chủ quan. Đến sáng hôm sau, chị phát hiện anh có biểu hiện hôn mê nên đưa anh vào cấp cứu tại bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng anh vẫn phải thở máy, sức khỏe chưa biết khi nào mới hồi phục được.

Hiện nay, tình trạng đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đang trở nên phổ biến. Đây là tình trạng hết sức báo động vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội. Do đó người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ bằng cách điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, thực hiện lối sống lành mạnh.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Chia sẻ