Cảnh báo bệnh lý từ hiện tượng chóng mặt

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Chóng mặt là cảm giác chòng chành, đứng không vững, đôi khi đi kèm nhức đầu và người nôn nao. Hãy tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết chi tiết dưới đây.

Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chóng mặt

Chóng mặt là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi và càng tăng khi tuổi càng cao. Chóng mặt xuất hiện do nhiều nguyên nhân, có thể là cảnh báo về bệnh lý. Bạn có thể tham khảo một vài nguyên nhân dưới đây để biết cách tìm đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Chóng mặt do ngồi máy tính nhiều

Buổi sáng ngay khi mở mắt bạn đã cảm thấy chóng mặt, rất có thể do ngồi máy vi tính quá nhiều, nén mạch máu ở các đốt sống, ảnh hưởng đến lưu thông máu ở não.

Bạn cần chăm uống nước lọc và tập thể dục vào buổi sáng. Nếu vẫn còn chóng mặt nhiều, bạn nên đi khám để được tư vấn kĩ hơn.

Ngoài ra, bạn nên tránh dậy đột ngột lúc sáng sớm, nằm thêm nửa phút ngay khi mở mắt, ngồi dậy khoảng 1 phút rưỡi, sau đó cho chân xuống nền nhà và để vậy khoảng 1 phút nữa rồi mới đứng dậy.

Cảnh báo bệnh lý từ hiện tượng chóng mặt 1
Chóng mặt là cảm giác chòng chành, đứng không vững, đôi khi đi kèm nhức đầu và người nôn nao. Ảnh minh họa

Chóng mặt do thiếu máu não

Cơ thể chúng ta giữ thăng bằng được nhờ vào 3 hệ thống chính trong não, gồm: cơ quan tiền đình, hệ thống thính giác, hệ thống cảm thụ bản thể (cảm nhận vị trí - tư thế cơ thể trong không gian). Mọi biến đổi bệnh lý ở mạch máu liên quan đến chức năng điều tiết cân bằng đều có thể gây ra mất thăng bằng, chóng mặt, quay cuồng, dẫn đến mọi hoạt động và việc đi lại trở nên khó khăn.

Chóng mặt thường do thiếu máu động mạch đốt sống - thân nền gây ra. Động mạch này phân nhánh đến các động mạch tai trong, tiền đình ngoại biên, nhân tiền đình ở thân não và mặt lưng của tủy. Trong trạng thái bình thường, những phân nhánh này rất nhỏ và mảnh. 

Khi có xơ vữa động mạch, cục máu đông làm giảm lưu lượng máu của mạch đốt sống - thân nền thì những phân nhánh này bị ảnh hưởng gây thiếu máu ở các cơ quan này và các đường truyền dẫn thần kinh của nó, dẫn đến chóng mặt.

Chóng mặt do sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt và nôn mửa, Ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp... Các loại thuốc này ức chế sự chuyển hóa men trong cơ thể và dẫn đến chóng mặt. Nếu dừng thuốc một cách đột ngột cũng có thể gây ra tình trạng này.

Chóng mặt do các vấn đề tim mạch

Những người thường gặp các vấn đề về tim mạch, chủ yếu như tim đập thất thường, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, giảm huyết áp đột ngột... có thể làm cho lượng máu và oxy cung cấp lên não không đủ, ảnh hưởng đến các mô não. 

Điều này dễ dẫn đến chóng mặt và mất ý thức. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn động mạch dẫn máu đến não cũng có thể dẫn đến chóng mặt. Những người thường xuyên có huyết áp cao cũng có thể làm phát sinh các cơn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và ra mồ hôi nhiều hơn với người khác.
Chia sẻ