Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc

Nhu Thụy,
Chia sẻ

Được dùng cho những vụ bắt cóc trẻ em, cảnh báo AMBER đã trở thành một trong những hệ thống cảnh báo khẩn cấp có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21. Mục tiêu của cảnh báo Amber là bổ sung hàng triệu “tai mắt” để quan sát, nghe ngóng và bắt giữ kẻ bắt cóc, đưa trẻ trở về an toàn.

Từ một vụ bắt cóc bé gái…

Ngày 13/1/1996, cô bé Amber Hagerman, 9 tuổi và em trai Ricky đạp xe vòng quanh khu nhà ở trung tâm thành phố Arlington (Texas, Mỹ). Tuy nhiên, Amber muốn đi xa hơn một chút và chỉ 8 phút sau, cô bé đã biến mất. Một nhân chứng gần hiện trường vụ mất tích đã nghe thấy tiếng Amber la hét khi một người đàn ông ép cô bé vào trong chiếc xe bán tải.

Thám tử Ben Lopez của Sở cảnh sát Arlington vẫn nhớ rõ buổi chiều năm đó. Ông là sĩ quan tuần tra vào thời điểm cô bé Amber bị bắt cóc. Manh mối duy nhất của vụ án là chiếc xe bán tải tối màu rời khỏi hiện trường. 

"Trong những ngày đầu, nếu không tham gia vụ việc nào khác, chúng tôi đều tích cực tìm kiếm cô bé khắp nơi trong thành phố", ông Lopez kể. Dẫu huy động mọi nguồn lực, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rộng rãi, 4 ngày sau, họ đã phát hiện thi thể của cô bé ở một con lạch cách hiện trường vụ bắt cóc vài km.

Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc - Ảnh 1.

Cô bé Amber Hagerman

Nhiều người thương tiếc cho gia đình Hagerman, trong đó có nhà trị liệu Diane Simone ở Dallas. Bà đã gọi cho một đài phát thanh địa phương vào ngày thi thể của Amber được tìm thấy để hỏi liệu các đài truyền hình địa phương có thể hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để lấy thông tin ngay sau vụ bắt cóc trẻ em hay không. Cuộc gọi của bà Simone đã làm thay đổi hàng trăm số phận sau đó.

Vụ việc của Amber Hagerman đã dẫn tới những thay đổi trong thủ tục tìm kiếm trẻ em mất tích của cảnh sát. Với niềm tin rằng, nếu có thêm phản ứng trong các vụ bắt cóc trẻ em sẽ có nhiều sinh mạng nhỏ bé như Amber được cứu sống, các đài truyền hình và cảnh sát Dallas-Fort Worth đã nghĩ ra một hệ thống cảnh báo nhanh, đặt tên là "Cảnh báo AMBER" (Cảnh báo Hổ phách) theo tên của cô bé Amber Hagerman để cảnh báo công chúng khi một đứa trẻ bị bắt cóc và gặp nguy hiểm.

Cảnh báo AMBER là cách viết tắt của "America's Missing: Broadcast Emergency Response" (tạm dịch: Phản ứng khẩn cấp của nước Mỹ về việc mất tích). Cảnh báo AMBER đã trở thành một trong những hệ thống cảnh báo khẩn cấp có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21. Ernie Allen, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột Mỹ, tin rằng có thể "không có di sản nào vĩ đại hơn di sản của Amber Hagerman".

Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc - Ảnh 2.

Cảnh sát Arlington ở Texas, Mỹ, công bố bức ảnh con lạch nơi tìm thấy thi thể của Amber

Bà Donna Williams, mẹ của Amber, người đã trải qua 4 ngày không ăn không ngủ và cầu xin bất cứ ai đã bắt con gái mình hãy trả con về, từng chia sẻ: "Nếu không có Amber, chúng ta sẽ không có cảnh báo Amber ngày nay".

Ngày 13/1/2021, đánh dấu 25 năm kể từ khi Amber bị bắt cóc và sát hại. Cảnh sát Arlington đã tổ chức một cuộc họp báo với hy vọng những tiến bộ trong công nghệ sẽ giúp họ giải quyết vụ án và sẽ gửi một mẫu DNA nhỏ mà họ thu thập được tại hiện trường vụ án. 

"Đây vẫn là một cuộc điều tra giết người mở và đang diễn ra. Chúng tôi muốn giải quyết và có câu trả lời cho gia đình", Grant Gildon, Điều tra viên chính của vụ án, nói.

Mẹ của Amber cũng lên tiếng: "Tôi cầu xin giới truyền thông và công chúng hãy đảm bảo rằng lễ kỷ niệm 25 năm vụ bắt cóc Amber vẫn tập trung vào việc tìm ra kẻ giết người và đưa hắn ra trước công lý. Tôi nhớ con mỗi ngày. Tôi muốn biết tại sao có người giết hại một đứa trẻ như vậy. Kẻ giết người hãy ra đầu thú!".

Hệ thống giúp giải cứu hàng trăm trẻ bị bắt cóc

Cảnh báo AMBER được ra mắt vào tháng 7/1997 nhưng mãi đến ngày 30/4/2003, Tổng thống George W. Bush mới ký Đạo luật Bảo vệ, cung cấp các công cụ ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp để tạo ra chương trình cảnh báo AMBER quốc gia. Với sự hỗ trợ này, Hawaii đã trở thành tiểu bang thứ 50 đưa cảnh báo AMBER vào hoạt động trên toàn tiểu bang vào tháng 2/2005.

Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc - Ảnh 3.

Chương trình cảnh báo AMBER

Theo thống kê trên trang web chính thức của cảnh báo AMBER do Bộ Tư pháp Mỹ điều phối, tính đến ngày 2/1/2023, có 1.127 trẻ em đã được giải cứu thành công thông qua hệ thống cảnh báo này. Có 131 trẻ đã được giải cứu nhờ các cảnh báo khẩn cấp không dây. Ngoài Mỹ, Canada, Mexico và nhiều khu vực ở châu Âu hiện cũng có các hệ thống tương tự dựa trên cảnh báo AMBER.

Tuy nhiên, không phải trường hợp trẻ mất tích nào cũng dẫn đến phát cảnh báo AMBER. Cảnh báo AMBER chỉ được ban hành cho một phần rất nhỏ các trường hợp trẻ em mất tích ở Mỹ. Năm 2022, có 359.094 trường hợp trẻ được thông báo mất tích ở Mỹ nhưng chỉ có 181 cảnh báo AMBER - liên quan đến 227 trẻ em - được đưa ra. 

Năm 2021, có 254 cảnh báo AMBER trong số hơn 337.000 báo cáo về trẻ em mất tích mà các cơ quan cảnh sát địa phương thông tin với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tức cứ 1.000 trẻ em thì có chưa tới 1 cảnh báo AMBER. 

Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc - Ảnh 4.

Chương trình cảnh báo AMBER

"Khi đưa ra cảnh báo AMBER, chúng tôi muốn nói rõ rằng, thực sự có một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi biết đứa trẻ đó đang bị đe dọa. Chúng tôi biết loại xe, biển số xe và hướng di chuyển của chúng", trung úy Jay Poupard, điều phối viên cảnh báo AMBER toàn tiểu bang Michigan, cho biết. 

Ông Poupard lưu ý, việc đưa ra các cảnh báo quá thường xuyên hoặc với quá ít thông tin có nguy cơ gây mệt mỏi cho cộng đồng, khiến mọi người phớt lờ chúng thay vì quan tâm đến một đứa trẻ mất tích.

USA Today đã liên hệ với cảnh sát và các sở cảnh sát liên quan đến 96 cảnh báo AMBER trên toàn nước Mỹ từ ngày 3/4 đến ngày 1/10/2022 để hỏi liệu cảnh báo có trực tiếp giúp xác định vị trí đứa trẻ mất tích hay không. Khoảng 1/4 trong số 80 vụ bắt cóc có phát cảnh báo AMBER mà cảnh sát phản hồi trong giai đoạn này, trẻ bắt cóc được giải cứu nhờ có người nhìn thấy cảnh báo và báo tin cho cảnh sát. 

Cảnh báo AMBER: Hệ thống giúp thay đổi hàng trăm số phận trẻ em bị bắt cóc - Ảnh 5.

Cảnh báo AMBER mới nhất đã được gửi vào ngày 31/7/2023 là vụ việc em Barbora Zdanska (14 tuổi) biến mất

Đây là tỷ lệ cao hơn so với số liệu thống kê do Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột, đơn vị xác định khoảng 1/5 cảnh báo AMBER được đưa ra từ năm 2017 đến năm 2021 đã giúp tìm thấy trẻ bị bắt cóc.

Cảnh báo AMBER mới nhất đã được gửi vào ngày 31/7/2023 là vụ việc em Barbora Zdanska (14 tuổi) biến mất trong phòng ngủ ở Daytona Beach (Florida, Mỹ). Cảnh sát đã đưa em trở về nhà an toàn. Jimmie Flynt, người phát ngôn của cảnh sát Daytona Beach, cho biết trong một cuộc họp báo rằng chiếc xe tải mà Zdanska được đưa đi đã được tìm thấy ở Clay County.

"Chủ nhân của chiếc xe tỏ ra hợp tác và thừa nhận cô ấy đã lái xe tới Daytona để đón Zdanska nhưng lại thả em tại một ngôi nhà ở Jacksonville", Flynt nói.

Chia sẻ