Càng cấm, càng yêu

,
Chia sẻ

“Tôi và nàng yêu nhau sáu năm, cả hai đều có công việc ổn định và chín chắn trong quan hệ tình cảm. Thế nhưng đã sáu năm mà cha mẹ đôi bên vẫn nhất mực phản đối”.

Con yêu, cha mẹ... rầu

Anh Minh - 28 tuổi, nhân vật trong câu chuyện trên - là con trai thứ trong một gia đình trung lưu tại TP.HCM. Còn chị Hồng - người yêu của anh, 26 tuổi - là con cả trong một gia đình nông dân ở Quảng Trị. Anh kể khi gặp và yêu nhau, hai người đã lường trước phản ứng của cha mẹ đôi bên. Nhưng không ngờ “cuộc chiến” của anh chị kéo dài đến sáu năm.

Anh bảo cha mẹ anh không muốn con trai cưng gánh vác cả gia đình bên chị, còn cha mẹ chị lại sợ con gái khổ khi làm vợ chàng công tử như anh. Thế nên dùng dằng sáu năm, từ thời sinh viên đến khi công việc ổn định, anh chị vẫn chưa thể danh chính ngôn thuận đến thăm gia đình nhau.

Còn chị Thắm, quản lý khách hàng của một công ty quảng cáo đa quốc gia, than thở mỗi lần đi chơi với người yêu là mẹ chị bỏ cơm, còn bố lầm lì ngồi ngoài sân. Thời gian đầu vì thương cha mẹ nên chị hạn chế ra ngoài và có đi cũng cố gắng về thật sớm. Mãi mà cha mẹ không lay chuyển, chị hiến kế bảo anh mua quà đến thăm hỏi ông bà. Anh mang quà tới, trước thì bị mẹ chị từ chối, sau lại bị bố chị gọi vào ngồi “uống trà hỏi chuyện”.

Sau lần “uống trà” đó, chẳng hiểu ông nói gì mà mỗi lần đến đón chị, anh nhất định chỉ đứng chờ ngoài ngõ chứ chẳng vào nhà.
 
Để hạnh phúc, tình yêu cần được vun đắp từ người trong cuộc lẫn gia đình, bạn bè đôi bên (ảnh minh họa) - Ảnh: Hoàng Quân

Gió sẽ thổi bùng ngọn lửa to...

Người ta vẫn nói khi yêu chân thành, càng khó khăn, cách trở thì tình yêu lại càng đẹp. Như ngọn lửa trong gió, gió sẽ thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng lên ngọn lửa to. Như chuyện của anh Quang, một chàng trai Sài Gòn có người yêu ở tận Hà Nội.

Có lần anh ra thăm chị, đang tâm sự thì bất ngờ mẹ của chị từ quê lên thăm. Giữa mùa đông lạnh tê tái của Hà Nội, anh phải chui xuống gầm giường để trốn mẹ người yêu. Bà cụ vào nhà, ngồi xuống giường rồi vừa tỉ tê trò chuyện, vừa lôi ra đủ thứ đồ đạc mang cho chị. Còn chị thì vừa lo anh bị cảm lạnh, lại vừa lo bị mẹ phát hiện.

Trong khi anh Quang chưa biết cách nào thoát ra thì thêm một phen hoảng hồn khi bà cụ đòi quét dọn nhà cửa. May thay, chị nhanh trí lôi bà đi chợ để anh có cơ hội “thoát thân”. Lần đó anh bị cảm lạnh nặng vì nằm dưới gầm giường gần cả giờ. Mãi đến lúc đã là vợ chồng, anh chị vẫn còn tủm tỉm cười mỗi khi nhắc đến kỷ niệm nhớ đời ấy.

Khi tiếp xúc với nhiều bậc sinh thành, phần lớn đều cho rằng những hành động ngăn cấm đó xuất phát từ tình thương và sự lo lắng cho tương lai của con. Họ cho rằng con cái còn trẻ, thiếu chín chắn, chưa lường hết được những rủi ro trong cuộc sống. Vì thế họ mong muốn sự sắp đặt sẽ cho con cái những điều kiện tốt nhất có thể. Vậy phải chăng cái lý đó nên được thông cảm?

Chia sẻ điều này, bà Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên VN, cho rằng sự can thiệp thiếu tinh tế của cha mẹ dễ khiến tình cảm cha mẹ và con cái thêm xa cách hoặc có thể đẩy con đến những quyết định sai lầm.

Thực tế, trong phần lớn các mối quan hệ bị ngăn trở, càng cấm họ lại càng quyết liệt đến với nhau. Nhiều trường hợp bị can thiệp quá thô bạo đã dẫn đến những kết cục không vui cho cả phụ huynh lẫn đôi bạn.
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ