Cẩn trọng: Chứng tinh hoàn ẩn ở bé trai

P.V,
Chia sẻ

Bé N.T.T., 2 tuổi, nhà ở Bến Tre được cha mẹ đưa vào khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) với lý do tinh hoàn ở bìu "biến mất".

Cẩn trọng: Chứng tinh hoàn ẩn ở bé trai - Ảnh 1.

Phẫu thuật đưa tinh hoàn ẩn về đúng vị trị cho một bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo lời kể của người nhà, từ sau sinh, một bên bìu của bé không thấy tinh hoàn, tuy nhiên khoảng 1 tuổi thì tinh hoàn lúc sờ thấy lúc không. Gần đây, người nhà không còn sờ thấy tinh hoàn nữa.

Qua thăm khám, các bác sĩ chuyên về tiết niệu sinh dục trẻ em không thấy tinh hoàn ở vùng bìu hay ống bẹn, siêu âm cũng không phát hiện vị trí tinh hoàn. Bé được chẩn đoán tinh hoàn ẩn không sờ thấy, rất có khả năng nằm trong ổ bụng.

Ê-kíp phẫu thuật của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật nội soi, tìm thấy tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Các bác sĩ đã di động tinh hoàn, giúp tinh hoàn trở nên dễ dàng được đưa xuống đúng vị trí vùng bìu mà các mạch máu cung cấp cho tinh hoàn không bị tổn thương cũng như hệ thống ống dẫn tinh.

Sau mổ, tinh hoàn nằm đúng vị trí trong bìu, vết mổ sạch, bé phục hồi tốt và xuất viện ngay ngày hôm sau.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Trường hợp bé trai ở trên rất đặc biệt, người nhà đã từng có lúc sờ thấy tinh hoàn, chứng tỏ có khả năng tinh hoàn này di động, và mức độ di động khá cao, biên độ rộng, nên có lúc ở trong bìu, có lúc ở ống bẹn và thậm chí quay ngược về lỗ bẹn sâu, ổ bụng. Đối với tinh hoàn ẩn, di động, vấn đề xoắn tinh hoàn luôn là một trong những nguy cơ chực chờ cần lưu ý.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, trong thời kì phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu trong quá trình này tinh hoàn gặp phải một sự cố gì đó mà không nằm ở bìu mà nằm ở bụng, ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn.

Tinh hoàn ẩn có trong 30% các trường hợp sinh non, nhưng với trẻ sinh đủ tháng, xuất độ chỉ còn khoảng 3%. Ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, khoảng 70% trường hợp tinh hoàn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu nhưng sau 1 tuổi thì tỷ lệ tinh hoàn ẩn xuống bìu rất ít, không đáng kể.

Tinh hoàn ẩn nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc:

- Xoắn tinh hoàn: Do tinh hoàn không được cố định ở bìu như bình thường và phải cắt bỏ tinh hoàn nếu bị hoại tử.

- Hóa ác: Nguy cơ hóa ác của một tinh hoàn ẩn cao gấp 22 - 40 lần so với tinh hoàn bình thường nằm ở bìu. Đặc biệt, nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng thì nguy cơ hóa càng cao hơn nữa do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn ở bìu, do đó sẽ làm tinh hoàn không phát triển và giảm số lượng tế bào mầm. Ngoài ra, khi bị tinh hoàn ẩn một bên thì tinh hoàn đối diện cũng có nguy cơ hóa ác đến 1/4 các trường hợp.

- Giảm khả năng sinh sản gặp trong tinh hoàn ẩn 1 bên hay cả 2 bên: Các số liệu cho thấy chỉ 25% các trường hợp tinh hoàn ẩn 2 bên đã điều trị phẫu thuật có số lượng tinh trùng bình thường. Vì thế vô sinh là không tránh được đối với những trường hợp có tinh hoàn ẩn 2 bên mà không điều trị. Một báo cáo năm 1975 cho thấy tỷ lệ có con là 90% khi điều trị ở giữa 1 - 2 tuổi, 50% ở giữa 2 - 3 tuổi, 40% giữa 5 - 8 tuổi , 30% giữa 9 - 12 tuổi và chỉ còn 15% khi quá 15 tuổi.

Để nhận biết tinh hoàn ẩn, cách đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn của bé; khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Khi thấy hiện tượng trên, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện nhi để được bác sĩ khám lại và cần thiết bác sĩ sẽ cho siêu âm kiểm tra kích thước và vị trí tinh hoàn bị ẩn.

Nếu trẻ có tinh hoàn ẩn đột nhiên đau thắt dữ dội vùng bẹn, sờ đau và trẻ không cho sờ; đôi khi có kèm theo nôn ói, cần nghĩ đến xoắn tinh hoàn.

Đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn để muộn tới sau tuổi dậy thì, thường là tinh hoàn teo nhỏ và nằm cao trong bụng, nên cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và để ngừa nguy cơ hóa ác.


Chia sẻ