Cẩn thận với những chiêu... nhìn khách để "chém" giá

Theo VnExpress,
Chia sẻ

Nếu khách đi ôtô hoặc xe máy Spacy, SH, điện thoại đắt tiền thì đon đả và thét gấp rưỡi, gấp đôi, còn khách trông bình dân thì nói đúng giá luôn và không cần kì kèo, nài nỉ...

Ngày nghỉ cuối tuần trước, trên đường đi chợ về, chị Hồng và cô con gái ghé vào một shop thời trang. Con gái chị thử một chiếc váy voan màu đỏ rất vừa vặn và ưng ý. Định mua luôn nhưng chị Hồng không mang đủ tiền, đành hẹn chủ hiệu hôm khác sẽ quay lại lấy.

"Không chủ ý đi mua sắm nên tôi chỉ mang 600.000 đồng, mua đồ ăn xong chỉ còn 300.000 đồng, thiếu 150.000 đồng nữa mới được chiếc váy", chị kể.

3 hôm sau, trên đường đi làm về, chị Hồng ghé vào shop đó để lấy chiếc váy nhưng giá đã vọt đến 750.000 đồng. Khi chị thắc mắc, chủ cửa hàng nhìn chị hồi lâu rồi đồng ý bán với giá 450.000 đồng. "Mãi một lúc cô ý mới nhớ ra hôm trước tôi mặc bộ quần áo ở nhà, đi bộ cùng cô con gái vào xem hàng. Còn hôm nay tôi trang điểm, đi ôtô", chị Hồng cho hay.


Chị Hải Minh - trợ lý giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội kể cách đây 2 tuần chị cần mua một chiếc tai nghe dùng cho chiếc iPhone 4. Chị ghé vào một cửa hàng bày bán các sản phẩm Apple để mua. Cô nhân viên ở đây nói, giá chiếc tai nghe loại bét nhất dùng cho iPhone 4 là 420.000 đồng. Khi chị kêu đắt thì được người bán dịu giọng bảo: "Thôi để lấy chỗ đi lại bọn em giảm giá cho chị xuống còn 320.000 đồng".

Tiếc tiền, chị Minh rời cửa hàng này và tới một điểm bán hàng khác trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Chủ cửa hàng là người đàn ông khoảng 60 tuổi đưa ra 5 mẫu cho chị lựa chọn. Ông khuyên chị Minh mua chiếc tai nghe màu trắng và nói đây là loại tốt nhất tại cửa hàng với giá bán là 200.000 đồng. "Thấy tôi do dự chưa quyết định mua, người này bảo: Chị mua đi tôi bớt cho 20.000 đồng. Giá chuẩn đấy, không phải thấy chị đi ôtô mà tôi bán đắt đâu", chị Minh kể.

Sau bận ấy, chị mới ngầm hiểu ra lý do tại sao cùng một mặt hàng không ít lần chị bị mua với các mức giá khác nhau. Giá bị hét theo phương tiện và độ lịch sự của chị khi đi mua hàng. "Lần nào tôi lỡ lái xe đi mua sắm là y như rằng hôm đó tôi bị 'chém' đẹp", chị Minh kể.


Tuyết, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bán mỹ phẩm thuê cho một cửa hàng trên phố Hàng Bài cũng được "bà chủ" dặn phải tùy từng đối tượng khách hàng để ra giá và tiếp đón. Theo đó, nếu khách đi ôtô hoặc xe máy từ Spacy, SH trở lên thì phải niềm nở, đon đả mời chào, nhiệt tình đưa dùng thử, nhưng giá thì có thét gấp rưỡi, gấp đôi, đặc biệt với những người trông sành điệu đưa bạn gái đi mua sắm.

Còn khách trông bình dân thì nói đúng giá luôn và không cần kì kèo, nài nỉ nhiều để đỡ mất thời gian. Tuyết cho hay, điều đó còn là chiêu đánh vào tâm lý khách hàng. "Với người có tiền, quen xài hàng đắt, mình đưa đúng giá, thấy rẻ, họ cho là không phải hàng hiệu, nghi ngờ về chất lượng thì cũng chẳng mua. Nhìn khách để lựa thôi", Tuyết nói.


Quốc Tuấn, chủ một tiệm cắt tóc ở Hà Nội cho hay việc 'moi' tiền từ các quý bà, quý cô tới đây không hề khó, chỉ cần Tuấn chịu khó quan sát rồi buông lời khen đúng lúc. "Khi được lòng khách rồi thì chuyện boa thêm một vài chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn đồng cũng không mấy khó khăn", Tuấn nói.

Tuấn bật mí, với những quý bà nhiều tiền đang bức xúc về mái tóc khô rối của mình, việc đầu tiên của Tuấn là nhẹ nhàng rẽ từng mớ tóc rồi dùng loại dưỡng có mùi thơm dễ chịu vuốt nhẹ làm cho khách cảm thấy thích thú. Sau đó, Tuấn không vội cắt tóc ngay mà ngồi tư vấn rồi đánh vào tâm lý của khách là mái tóc của họ rất đẹp chỉ có điều họ chưa biết cách chăm sóc cũng như lựa chọn loại dầu gội, dầu dưỡng phù hợp. "Cứ thế trong suốt quá trình cắt tỉa tóc, tôi lại rủ rỉ nói thêm về phương thức làm đẹp, cách chăm sóc tóc cho hiệu quả. Kết quả là, quý bà nào ra về cũng nệ khệ xách theo vài bộ sản phẩm chăm sóc tóc", Tuấn kể.

Anh lưu ý, tùy theo khách hàng mà có cách xử lý phù hợp. "Các bà giàu có, đi xe SH, lái ôtô sử dụng di động đắt tiền là những người sẵn sàng chi, miễn là khéo 'hót'. Còn với khách hàng là nhân viên văn phòng hay người lao động, cách tốt nhất là nói giá trước, họ đồng ý mới tiến hành cắt", Tuấn nói thêm.

Anh Thành Hưng, chủ một hãng dược phẩm ở Hà Nội cho rằng việc chủ hàng hét giá đắt đôi khi xuất phát từ chính lỗi của người tiêu dùng. Tâm lý kiểu "của rẻ là của ôi" của người mua là cái cớ để người bán tung giá "trên trời".

Anh kể cách đây 5 năm, công ty sản xuất ra một loại sản phẩm thuốc tra mắt có tên rất Việt. Sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 500 đồng. Giá rẻ vậy nhưng rất ít người mua, hàng không bán được. "Sau nhiều ngày bàn bạc, chúng tôi tìm ra điểm yếu của người tiêu dùng là 'sính ngoại' và không mấy tin vào hàng rẻ. Cuối cùng chúng tôi đổi tên và tăng giá sản phẩm lên 1.000 đồng, hàng lại bán chạy", anh Hưng cho biết thêm.
Chia sẻ