Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội

Chí Toàn - Huyền Trang,
Chia sẻ

Lễ hội đền Sái (thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đã được duy trì cả nghìn năm, là một trong những lễ hội cổ xưa và huyền bí xứ Bắc. Tục rước vua sống và trò trừ ma gà là điểm nhấn đặc biệt nhất trong lễ hội.

Hội đền Sái (thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) được duy trì cả nghìn năm, là một trong những lễ hội cổ xưa và huyền bí xứ Bắc. Hội được tổ chức từ 11 - 13 tháng Giêng hàng năm, mô phỏng lại thần tích Thần Kim Quy giúp An Dương Vương diệt trừ ma gà, xây thành Cổ Loa.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 1
Trống dong, cờ mở bắt đầu cho khí thế lễ hội đền Sái.

Lễ hội được người làng chuẩn bị công phu, từ việc sửa sang, dọn dẹp đường xá; dựng “dinh” tại đình làng cho vua, Chúa (Thần Kim Quy) và các quan; làm bánh chưng, bánh dày tiến vua, mổ lợn cho vua khao dân làng. Đến chính hội, vua, Chúa và các quan sẽ được dân làng rước về Đền Sái bái yết Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Kiệu Chúa đi trước, kiệu vua theo sau.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 2
Kiệu Chúa (Thần Kim Quy) được rước trước...

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 3
... sau đó là kiệu "vua sống".

Chúa sẽ tới nơi có một tảng đá lớn để làm lễ “ướm gươm”, mô phỏng lại tích xưa Chúa giết gà tinh. Người đóng vai Chúa sẽ được vẽ mặt đỏ, mặc áo thụng màu vàng, thắt lưng, mũ, giầy, kiếm cũng màu vàng, ở dưới là một chùm lông tua trắng, chuôi sơn đỏ.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 4
Chúa (mặt đỏ) và "vua sống" cùng bá quan văn võ chuẩn bị lễ tế.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 5
Trước lễ "ướm gươm", Chúa và vua vào lễ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Một chú gà trống trắng, mào đỏ rực được đem tới, đặt lên tảng đá chuẩn bị làm lễ tế. Sau tiếng chiêng trống, kèn, bài mừng tựa, Chúa sẽ vung gươm gỗ chém ba nhát vào gần chỗ đầu gà, sao cho bát phẩm màu hoặc tiết gà được chuẩn bị sẵn văng ra phiến đá, tượng trưng cho việc đã trừ xong yêu quái ma gà, còn chú gà thật vẫn bình yên vô sự.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 6
Chú gà "tinh" đã được tuyển lựa cẩn thận: lông trắng muốt, mào đỏ cờ, khỏe mạnh.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 7
Chúa đã sẵn sàng "ướm gươm".

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 8
Hậu duệ của "ma gà" trở thành tâm điểm chú ý của lễ hội.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 9
Trò trừ ma gà được tuân thủ một trình tự đặc biệt, đầu tiên là làm lễ cúng, không thể thiếu tiếng trống...

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 10
... hát những câu ca mừng tựa ...

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 11
Cuối cùng là tới màn chém" gà tinh.

Trong dân gian và trong sách vở có nhiều cách lý giải về trò trừ ma gà trong lễ hội đền Sái. Tích xưa truyền lại, khi An Dương Vương xây thành, ông được các tiên nữ đêm đêm xuống trần giúp đỡ. Mỗi đêm, thần ma gà - con gà trống trắng sống nghìn năm đã thành tinh - ngụ ở vùng đất ấy đều giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô hoảng hốt, bay về trời. Thành đắp mãi chưa xong. Huyền Thiên Trấn Vũ sai sứ Sứ Thanh Giang (Thần Kim Quy) đến giúp vua. Thần Kim Quy ra tay diệt ma gà trắng, chẳng bao lâu thì thành Cổ Loa xây xong.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 12
Chiến công của Chúa được tung hô nhiệt liệt...

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 13
Tua trắng ở chuôi kiếm đã biến mất, tượng trưng cho cái chết của ma gà.

Sách Đại Việt sử ký còn ghi chép câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ hơn. Thần Kim Quy cho vua biết: ma gà kia là tinh khí của con vua thời trước, còn uất ức nên nấp ở núi Thất Diệu chờ báo thù. Trong núi còn có một con quỷ, vốn là một con hát thời trước, khi chết được chôn trong núi, linh hồn không siêu thoát được mà hoá thành quỷ. Cạnh núi còn có một cái quán dựng tạm làm chỗ nghỉ chân cho người qua đường. Chủ quán có một cô con gái xinh đẹp (chính là dư khí của quỷ) và một con gà trắng – ma gà. Hễ người nào đến ngủ đêm ở quán đều bị bọn chúng làm hại. Thành Cổ Loa xây không thành cũng bởi chúng họp nhau thành đàn quấy phá.

Vua cùng Thần Kim Quy đến quán trọ nọ xin ngủ qua đêm. Bọn yêu ma quỷ quái tụ tập bên ngoài cửa nhưng bị Thần quát mắng, quỷ không vào được. Đến khi gà gáy, lũ quỷ bỏ chạy, Thần Kim Quy cùng vua đuổi theo, tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua cũng bị chết như những vị khác khác, bèn gọi người đến khâm liệm. Thấy vua vẫn còn sống, vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp xuống bái lạy. Vua xin chủ quán giết thịt con gà trắng để làm lễ tế. Khi gà trắng vừa bị chém, cô con gái chủ quán cũng gục xuống chết theo. Sau đó, vua sai người đào trong lòng núi, thấy bộ xương người phụ nữ và nhạc cụ bên cạnh, bèn đem đốt thành tro rải xuống sông. Từ đó, yêu khí mất hẳn, vua đắp thành không quá nửa tháng thì xong.

Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ được vua An Dương Vương dựng ở núi Sái, một hòn của Thất Diệu (bảy ngọn núi linh thiêng) hằng năm thường về đây lễ tạ. Khi An Dương Vương mất, dân làng tổ chức rước “vua sống” là một cụ ông cao tuổi, đức độ nhất làng, mặc y phục của vua, ngự trên kiệu để dân rước từ sân đình lên đền Sái.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 14
Rước "vua sống" là nét đẹp có một không hai ở hội làng Thụy Lôi không chỉ mô phỏng tích xưa, đó còn là cách thể hiện lòng tôn kính với những người cao tuổi, đạo cao đức trọng.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 15
Tiệc khao dân làng được gia đình "vua sống" chuẩn bị.

Đây cũng là nét độc đáo khác chỉ có ở lễ hội này. Mỗi người chỉ được có vinh dự đóng “vua sống” một lần trong đời và phải mổ lợn để khao làng. Ông Ngô Tiên Kha, "vua sống" năm nay chia sẻ, ông rất vinh dự vì được tham dự lễ rước. Những người trực tiếp rước kiệu vua thường là cháu đích tôn hoặc con cháu nội tộc của "vua".

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 16
Những cụ cao niên trong làng chuẩn bị những bộ quần áo đẹp đẽ nhất dự hội.

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 17
Ngay cả trẻ em cũng bị thu hút...

Cận cảnh màn chém “ma gà” ở Hà Nội 18
... và hơn thế, trở thành những chàng lính trong đoàn rước.

Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về vua An Dương Vương và đền Sái cùng những phong tục độc đáo của lễ hội đã thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà cả du khách thập phương đến tham dự hội.   
Chia sẻ