"Cấm vận" vì chồng không chịu dùng bao cao su

,
Chia sẻ

“Nếu anh dứt khoát không dùng bao và coi tránh thai là việc riêng của em thì đừng đụng đến em nữa”, chị Ninh tức giận nói với chồng.

Chồng Ninh ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, cho rằng tuyên bố trên của vợ là rất cùn nên ra vẻ ta đây không thèm, nằm quay lưng với vợ, một lúc sau đã ngáy khò khò. Chị vợ ấm ức nhưng tặc lưỡi cho là “nhẹ nợ” nên chẳng mấy chốc cũng ngủ luôn. Đêm thứ nhất, thứ hai... trôi đi bình yên. Đến ngày thứ 10 thì cả hai đều thấy khó chịu, và anh Khương đành xuống nước: “Thôi được, từ giờ, anh sẽ dùng áo mưa trong những ngày nhạy cảm. Những ngày khác chỉ cần xuất quân ra ngoài là xong”.

Không “mặc áo mưa” thì đừng "yêu" vợ

“Mình cũng nghĩ bài cấm vận ấy là bài cùn, nhưng ông xã còn cùn hơn nên chả có cách nào khác”, chị Ninh kể. Hai người đang phải kế hoạch vì Ninh có bệnh, thể trạng yếu, bác sĩ khuyên chữa xong mới nên sinh con. Thời gian đầu chị dùng thuốc tránh thai, nhưng hay gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, tức ngực. Quá khó chịu, Ninh ngừng thuốc và thuyết phục chồng dùng bao cao su.

Khương thoái thác, lý do nào là “áo mưa” làm giảm khoái cảm, nào bất tiện vì cảm xúc đang dâng trào lại phải ngừng để lấy bao, nào là ngại đi mua, nào vợ chồng với nhau mà còn đeo áo mưa thì có khác gì đi gái... Để chồng đổi ý, Ninh nhận mình sẽ đi mua bao, bỏ sẵn vào hộc tủ đầu giường, và sẽ chọn loại xịn, thật mỏng... Nhưng Khương vẫn nằng nặc từ chối, bảo cứ “xuất quân” ra ngoài là được. Nhưng Ninh vẫn sợ, bởi phương pháp này có tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhất là trong những ngày rụng trứng. “Em đã cố hết sức tạo điều kiện cho anh rồi, anh phải nghĩ cho em với, nếu lỡ có bầu thì em sẽ khổ thế nào?”, chị năn nỉ. Mặc, Khương vẫn khăng khăng, dẫn đến màn cấm vận kể trên.

Minh hoạ: Corbis.

Đó cũng là cách mà chị Yến, 29 tuổi, ở thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, áp dụng cho chồng. Hoàn cảnh chưa cho phép sinh con thứ hai nhưng Yến không đặt vòng được vì hay viêm phụ khoa tái phát. Chị cũng thuộc diện được khuyến cáo không nên dùng thuốc tránh thai vì chứng huyết áp cao. “Thế nên anh đành chịu khó dùng bao vậy nhé”, Yến nỉ non với chồng. Nhưng anh gạt ngay: “Ai lại thế, ba cái chuyện tránh thai, em lo đi chứ sao lại đùn cho anh”. Chồng Yến cũng dùng những lý do như anh Khương để bao biện.

Yến tung ra một chiêu khác: “Em không uống thuốc, đặt vòng được, anh thì không dùng bao, hay để em đi triệt sản cho yên tâm nhé, mình có bé Hoa cũng là đủ rồi”. Chồng chị giãy nảy: “Cô điên à? Cả họ đang chờ mình đẻ con trai đấy, đã hết suất đẻ đâu mà đình?”. “Thế anh dùng bao đi”, Yến đắc thắng. Nhưng câu trả lời của anh vẫn là không, không và không. Hai vợ chồng tránh thai bằng cách “kiêng yêu” xung quanh ngày rụng trứng. Nhưng vì vòng kinh không đều nên Yến đã phải đi phá thai hai lần.

“Anh không thương xót gì em thì em đành tự lo cho thân mình thôi. Từ giờ anh không dùng bao thì em không dám 'gần' anh nữa”, Yến mếu máo sau lần phá thai thứ hai. Nhưng khác với chuyện nhà chị Ninh, chiêu cấm vận của Yến không hiệu quả. Chồng chị cho rằng hành động này của vợ đã xúc phạm mình nên cũng “không thèm”. Không khí gia đình căng thẳng, cho đến khi mẹ chồng Yến biết chuyện, vừa ân cần vừa nghiêm khắc to nhỏ với con trai, anh mới chịu vì vợ mà dùng bao cao su.

Chia sẻ việc tránh thai cũng là thể hiện tình yêu

Chuyện chồng dồn hết trách nhiệm tránh thai cho vợ và bất hợp tác khi vợ đề nghị chia sẻ rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở phần lớn gia đình, mọi việc vẫn êm thấm vì người vợ đành chủ động làm việc đó: “Biết như thế là không công bằng, nhưng đàn ông người ta không thích thì mình đành tự thân vận động, vì nếu có lỡ kế hoạch thì mình khổ chứ có phải ai khổ đâu”, chị Lan Anh, 33 tuổi, công nhân may, sống ở Hoàng Mai, Hà Nội, nói.

Mâu thuẫn xảy ra khi các biện pháp tránh thai cho nữ không phù hợp với người vợ, và anh chồng vẫn khăng khăng giữ ý kiến cũ. Và vì thế mới có chuyện người vợ vì bất bình, bất lực mà thực thi cái hạ sách “cấm vận” chồng, một chiêu không phải lúc nào cũng có hiệu quả, thậm chí còn có thể khiến gia đình căng thẳng, lục đục.

Kết quả một điều tra do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tỷ lệ tham gia tránh thai của nam giới Việt Nam chỉ ở mức 10,5%. Và trong các phương pháp tránh thai hiện có, bao cao su mặc dù được xem là hiệu quả cao nhất, dễ sử dụng, rẻ tiền và ít tác dụng phụ nhất, chưa kể có thêm tác dụng tránh lây bệnh, nhưng vẫn chỉ chiếm 10,1% trong số các biện pháp được sử dụng. Với các trường hợp đình sản, triệt sản, người đi làm thủ thuật phần lớn vẫn là phụ nữ.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, chuyện người chồng coi tránh thai là việc của phụ nữ thể hiện sự bất bình đẳng giới. Các ông không thích dùng bao cao su thực ra là do lười biếng và thiếu trách nhiệm, còn những lý do họ đưa ra như mất cảm giác chỉ là nguỵ biện hoặc do thiếu hiểu biết mà thôi.

Giả dụ chiếc bao có làm giảm một chút khoái cảm thật thì quý ông vẫn nên dùng vì vợ, bởi đó cũng là biểu hiện của tình yêu. Nếu như quý ông luôn nói yêu vợ nhưng lại không chịu chia sẻ nỗi lo “lỡ kế hoạch” của vợ, một chuyện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cô ấy nếu phải phá thai, thì lời yêu đó chỉ là chót lưỡi đầu môi.

Vì thế, các ông chồng nên thay đổi quan điểm. Chỉ cần nghiêm túc nghĩ đến những gì mình có thể đóng góp, những gì có thể xảy ra cho vợ lỡ mang thai ngoài ý muốn, hay đơn giản là việc vợ sẽ giảm khoái cảm khi ân ái vì quá lo..., là quý ông có thể sẵn sàng đóng góp vào chuyện kế hoạch hoá gia đình, bởi không có gì đơn giản hơn đeo một cái bao cao su.

Về phía người vợ, để giảm sự ngần ngại cho chồng, có thể thể hiện sự quan tâm đến anh ấy bằng cách chọn mua loại bao tốt, và giúp anh ấy đeo vào lúc sắp “vào cuộc” với một vẻ nâng niu. Với sự tinh tế của mình, người vợ có thể khiến ông xã thấy việc này là một cử chỉ âu yếm, gợi tình chứ không còn là một “thủ tục” chán ngắt nữa.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ