Cái kết buồn của chuyện tảo hôn nơi miền sơn cước

Thanh Vân,
Chia sẻ

Chuyện về chàng trai trẻ Sồng A Bề tự tử còn kéo theo cả đứa con trai 3 tuổi khiến bà con người Mông ở bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La bàng hoàng.

Nỗi đau người ở lại

Cơn mưa rừng bất chợt đổ ập xuống khiến bản Co Lóng thêm phần hiu quạnh. Ngôi nhà lợp ngói thâm nâu của gia đình bà Mùa Thị Rỗ (mẹ đẻ của Bề) cũng chìm nghỉm trong sương. Nhà bà Rỗ không làm hàng rào, nên khách đến chơi tự do ra vào.

Hôm chúng tôi đến thăm, chồng bà Rỗ đi chăn trâu. Bà Rỗ và đứa con gái vừa đi làm ở Bắc Giang mới về thì đi hái su su. Hai người phụ nữ vất vả đưa từng gùi su su từ đồi xuống sân nhà. Bà Rỗ - người phụ nữ Mông cả đời lam lũ, giờ lại chìm trong nỗi buồn thương. Bà tưởng khi về già sẽ được nhờ đứa con trai gánh vác cho việc nặng nhọc trong nhà, nào ngờ, cậu Sùng A Bề (SN 1999, con trai út của bà) có lớn, nhưng lại không có khôn. Chỉ vì một giây phút dại dột mà Bề đã treo cổ tự tử và còn "ép" cả đứa con trai mới bước sang tuổi thứ 3 từ bỏ kiếp người.  

Mất đi người thân, cả nhà bà Rỗ chẳng thiết làm gì. Bà Rỗ chỉ ở quanh quẩn trong nhà, chồng bà buồn quá cứ lên núi ở rịt trông đám bò, tối mịt mới về. Nhà bà vốn ít người, nay lại càng vắng vẻ, quanh hiu hơn. Ở đầu hồi nhà, bà Rỗ còn gom lại mấy đôi giày dép của đứa cháu nội cho vào cái túi bóng. Cứ nhìn thấy vật đó, bà như thấy hình ảnh đứa cháu nội đang lẫm chẫm biết đi còn đây. Phía trong nhà, 2 cái ảnh được treo trang trọng ở cột nhà. Ảnh trên là cậu Bề, khuôn mặt sáng láng, tuổi đời còn rất trẻ. Phía dưới là ảnh cậu bé ôm chiếc bánh sinh nhật lần thứ hai của cuộc đời. Vậy mà giờ đây, bố con Bề đã là người thiên cổ, để lại trong lòng bà bao nỗi xót xa và buồn tủi.

Từ hôm bố con Bề ra đi, chị Chang - vợ của Bề cũng chưa hề về gia đình chồng cũ thăm hỏi và động viên gia đình lấy một câu. Nhắc đến con dâu, bà Rỗ như buồn thêm. Bà lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt. Bà nói tiếng phổ thông câu được, câu chăng. Mỗi câu, mỗi từ như tắc nghẹn nơi cổ họng. Bà muốn nói nhiều lắm nhưng cứ mở lời là nước mắt lại rơi.

Vợ chồng bà chỉ sinh được 2 người con, 1 gái, 1 trai. Anh Bề là con út. Ở bản Mông, gia đình bà sinh ít con thuộc dạng hiếm. Vợ chồng bà chỉ nghĩ, sinh ít con cho đỡ vất vả. Nhờ vậy mà so với các gia đình khác trong bản, nhà bà cũng có dư dả hơn. Ngôi nhà gỗ lợp ngói được xây dựng chắc chắn. Khu vệ sinh làm phía ngoài kiên cố. Cuộc sống vui êm đềm của gia đình bà cứ vậy mà trôi qua.

Cái kết buồn của chuyện tảo hôn nơi miền sơn cước - Ảnh 1.

Ngôi nhà quạnh hiu của gia đình bà Rỗ

Vợ chồng "trẻ con"

Vợ Bề là Giang Y Chang, người ở xã bên. Vợ chồng cậu Bề lấy nhau ở độ tuổi còn rất trẻ. Vợ Bề còn ít hơn Bề 1 tuổi. Chúng lấy nhau chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Người Mông ở đây là vậy, đôi trẻ mà ưng nhau là gia đình tổ chức cưới, chứ không cần đợi đến khi đủ tuổi kết hôn. Vợ Bề sinh con được 3 tháng, vợ chồng có phát sinh mâu thuẫn. Do không dàn xếp được, vợ Bề bỏ về cha mẹ đẻ. Vợ Bề bỏ đi khi con đang thời kì bú sữa. Thằng bé vắng mẹ cứ khóc ngằn ngặt. Bề còn trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con, nên mọi việc lớn nhỏ đều đổ dồn lên vai vợ chồng bà Rỗ.

Bà Rỗ nuôi bộ đứa cháu nội bằng sữa bò. Ngày này qua tháng khác, qua đôi bàn tay chăm sóc của bà, đứa cháu nội lớn lên khỏe mạnh. "Có tiếng đứa trẻ bi bô trong nhà, vợ chồng tôi cũng đỡ tủi", bà Rỗ chia sẻ. Chang bỏ đi và tuyệt nhiên không quay lại thăm con đẻ lần nào.

Ở vùng miền núi này, trai gái người Mông khi lấy nhau chưa đủ tuổi kết hôn, đôi trai gái về ở với nhau không hợp là bỏ nhau dễ dàng. Do không ràng buộc về pháp luật, nên cô gái tự do ra đi. Theo lẽ thường, khi vợ chồng bỏ nhau, con nhỏ theo mẹ, nhưng ở vùng sơn cước này, hầu hết các đứa trẻ khi sinh ra thuộc về nhà chồng. Cô gái ra đi là tay trắng.

Cách đây ít hôm, vợ chồng bà Rỗ đi làm nương. Hôm đó, Bề xin nghỉ làm và bế con đi chơi. Nhìn đứa con trai và cháu nội rời khỏi nhà, bà Rỗ không nghĩ rằng, đó là giây phút cuối cùng bà nhìn thấy họ. Vợ chồng bà đang làm nương, nghe được điện thoại do người trong bản báo mà bà không tin nổi: Bề và đứa cháu nội chết ngoài bìa rừng, cách bản tầm một tiếng gọi. Bề treo cổ tự tử còn kéo theo cả đứa con trai của mình vào cuộc.

Bà Rỗ nhận thi thể con cháu mà ngất lên, ngất xuống. "Khi tôi tỉnh lại, cả bản đang làm ma cho bố con nó. Tôi chẳng còn nước mắt mà khóc nữa. Có ai ngờ, chỉ trong một ngày tôi mất cả con lẫn cháu", bà Rỗ buồn rầu chia sẻ.

Ông Giàng A Rùa, Trưởng bản Co Lóng, xã Lóng Luông là người đã gắn bó cả đời với bản Mông, nên ông hiểu được tâm lý người Mông nơi đây. Người Mông mỗi khi có mâu thuẫn tình cảm, hay chuyện buồn gì đó họ thường nghĩ đến việc quyên sinh bằng cách ăn lá ngón hoặc uống thuốc sâu. Tuy nhiên, đó là chuyện của quá những năm tháng xưa. Mấy chục năm gần đây, tình trạng người Mông tự tử ở bản gần như không xảy ra. "Chuyện cháu Bề quả thật là đáng tiếc. Trong gia đình cũng không có mâu thuẫn gì lớn. Tôi còn được biết, Bề vừa có bạn gái mới rất xinh. Thế mà không hiểu sao cháu Bề còn dẫn cả đứa con trai chết theo mình. Đây quả là điều đau xót và đáng tiếc", ông Rùa cho biết.

Chia sẻ