Cách phòng ngừa viêm tai giữa khi đi bơi

Ngọc Dung,
Chia sẻ

Chị THU HÀ (31 tuổi, ở Hà Nội) hỏi: Dịp hè tôi thường cho các con đi bơi. Bé nhà tôi có tiền sử hay bị viêm tai giữa. Vậy tôi cần vệ sinh, phòng bệnh cho con thế nào để hạn chế mắc bệnh tai mũi họng khi đi bơi?

PGS-TS PHẠM TUẤN CẢNH, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, trả lời:

Ngày hè thời tiết oi bức nên lượng người tìm đến các hồ bơi thường rất đông. Đây cũng là yếu tố nguy cơ gia tăng các bệnh tai mũi họng khi đi bơi, đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm mũi dị ứng với thuốc sát trùng nước bể bơi.

Nguyên nhân có thể do trẻ bơi nước lạnh quá hoặc ngâm quá lâu, hồ bơi không bảo đảm vệ sinh... Do đó, nên cho trẻ bơi ở những bể bơi uy tín, bảo đảm nguồn nước luôn được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ; không chứa nhiều hóa chất độc hại cho hệ hô hấp của trẻ... Không nên bơi ở những hồ bơi tập trung quá đông người.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa khi đi bơi - Ảnh 1.

Sau khi trẻ bơi xong, cha mẹ nên vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, bởi viêm mũi họng có thể lan sang tai, gây viêm tai giữa.

Nếu có nước vào tai, cho trẻ nghiêng đầu sang một bên dốc nước trong tai ra. Có thể lấy tăm bông đặt nhẹ ở ống tai ngoài một lúc để hút nước trong tai ra.

Với những trẻ có tiền sử bị viêm tai giữa hoặc thủng màng nhĩ nên cho trẻ đội mũ, đeo nút bịt tai khi đi bơi để bảo vệ tai; đeo kính bơi cho trẻ để bảo vệ mắt.

Tai mũi họng có cấu trúc thông với nhau nên khi một cơ quan bị viêm nhiễm rất dễ dẫn đến viêm nhiễm ở vị trí khác. Biểu hiện của viêm tai giữa cấp là ù tai, nghe kém, cảm giác có nước trong tai, thấy lùng bùng trong tai, có thể sốt hoặc rất đau nhức trong tai.

Khi có biểu hiện viêm mũi họng, tai bị ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng đục, sờ vào thấy đau… nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị kịp thời.

Chia sẻ