Các siêu thị Anh phủ nhận trục lợi trong lạm phát

Vân Ánh,
Chia sẻ

Lãnh đạo các chuỗi siêu thị lớn nhất tại Anh vừa phải tường trình tại Quốc hội vì bị tố trục lợi trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay tại nước này.

Các siêu thị tại Anh đã phủ nhận các cáo buộc trục lợi trong lạm phát bằng việc cố gắng cung cấp bằng chứng cho thấy, lợi nhuận của các siêu thị không tăng là mấy.

Công tác điều tra ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng giá thực phẩm tăng kỷ lục đang được tiến hành ở Anh. Và những người được gọi đến để trả lời là lãnh đạo 4 chuỗi siêu thị lớn nhất tại Anh.

Án dư luận mà họ phải chịu là "tận dụng tình hình để kiếm lời từ những thứ thiết yếu đối với người dân", bất chấp đời sống của người Anh đang chịu áp lực lớn nhất kể từ khi có thống kê vào những năm 1950.

Lãnh đạo các chuỗi siêu thị này đã cố chứng minh ngược lại. Về cơ bản, các siêu thị tuyên bố rằng họ không đẩy toàn bộ phần tăng chi phí sang cho khách hàng chịu, và lợi nhuận thì có nhưng không quá cao.

Ông Ian Lavery, nghị sĩ Công đảng Anh, nói: "Sharon Graham, Tổng thư ký tổ chức công đoàn Unite, mô tả rằng các siêu thị lớn nhất Anh đang cho thấy việc trục lợi một cách lố bịch vào thời kỳ này, thời kỳ mà hàng triệu người lao động gặp khó ngay cả trong chuyện có được thức ăn trên bàn. Ông nói gì về mô tả này?".

Các siêu thị Anh phủ nhận trục lợi trong lạm phát - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters)

Ông Gordon Gafa, Giám đốc thương mại của chuỗi siêu thị Tesco, Anh, trả lời: "Toàn tập đoàn chúng tôi kiếm được 4 pence từ mỗi Bảng chi ra. Tôi không nghĩ đây là ví dụ về trục lợi".

Bà Rhian Bartlett, Giám đốc thương mại của chuỗi siêu thị Sainsbury's, cho biết: "Chúng tôi thu được chưa đầy 3 pence cho mỗi Bảng chi ra. Chúng tôi cũng ghi nhận lợi nhuận giảm".

Ông Darran Johns, nghị sĩ Công đảng Anh, nhận định: "Tập đoàn của các ông có lợi nhuận tăng so với trước đại dịch COVID-19, tăng từ 1,6 tỷ lên 2,03 tỷ. Đó là một con số lớn".

Theo ông Gordon Gafa: "Lợi nhuận của chúng tôi quanh quanh đâu đó 3 đến 4% trong 4 - 5 năm qua. Đây là tôi lấy thông tin từ các tài khoản của tập đoàn từ năm 2019 đến nay. Lợi nhuận so sánh giữa các năm của tập đoàn là giảm".

Các chính phủ châu Âu vẫn đang gặp khó vì lạm phát cao. Đầu tháng 6 này, Chính phủ Pháp đã đạt được cam kết của 75 công ty thực phẩm hàng đầu giảm giá hàng trăm sản phẩm. Còn Chính phủ Hungary áp lệnh giảm giá bắt buộc, trong khi Cơ quan giám sát cạnh tranh của Thụy Điển đang điều tra các cáo buộc các doanh nghiệp thực phẩm trục lợi.

Chia sẻ