"Bực mình" với các thể loại tin đồn thực phẩm giả

Hồng Nam (Tổng hợp),
Chia sẻ

Nhiều tin đồn thất thiệt về thực phẩm bị làm giả xuất hiện tại Việt Nam làm cho người tiêu dùng hoang mang và lo lắng.

Thực phẩm là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của mỗi một gia đình nhưng hiện nay nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến người tiêu dùng phải lo lắng, thậm chí là kinh hãi. Người nội trợ giờ đây luôn trong tình trạng cảnh giác bởi có quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. 

Đặc biệt, trong thời gian trở lại đây, liên tiếp những thông tin về thực phẩm giả được phát hiện đã làm cho người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, trên thực tế có một số tin đồn là thất thiệt, đăng tải thông tin một cách sai lệch, không rõ ràng. Điều này gây tâm lí hoang mang không đáng có cho người tiêu dùng và thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất.

Tin đồn gạo giả làm từ nhựa

Trang tin The Star (Malaysia) đã từng đăng tải một bài báo thông tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc, được cho là đã thâm nhập vào các nước châu Á. Trong đó có khả năng thâm nhập vào Việt Nam. Tin đồn này khiến nhiều người dân các nước đặc là Việt Nam vô cùng hoang mang và lo lắng. 

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khẳng định rằng hiện chưa phát hiện trường hợp nào gạo giả làm từ nhựa xuất hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, các chuyên gia trong nước cũng phân tích rằng gạo làm từ nhựa khó có thể xuất hiện.

gạo giả 1
Các cơ quan chức năng khẳng định rằng hiện chưa phát hiện trường hợp nào gạo giả làm từ nhựa xuất hiện tại Việt Nam.

Lý do là bởi chi phí và công nghệ làm ra nó quá đắt. Hạt nhựa PE là loại nguyên liệu nhựa tái sinh được sử dụng phổ biến nhất thế giới hiện cũng có giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg hạt. Chính vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm vì hiện giờ chưa phát hiện thấy gạo giả bằng nhựa ở trong nước. 

Tin đồn trứng, gà vịt làm bằng cao su

Tin đồn xuất hiện từ một đoạn clip của một người ở Hà Nội đăng tải. Nội dung được chia sẻ như sau: người này mua trứng gà và vịt ở một cửa hàng thực phẩm gần nhà. Sau khi mua về người này không dùng liền mà đem bỏ ngăn mát của tủ lạnh.

Đến khoảng 10 ngày sau, khi lấy trứng ra chế biến thì vỏ trứng rất khó đập, còn bên trong trứng thì đông lại như thạch rau câu và rất dai. Nghi ngờ đây có thể là trứng giả được làm bằng cao su, nên người này đã dùng bật lửa đốt thì quả trứng đen lại và có mùi khét rất khó chịu.

trứng gà
Trứng gà trong clip sau khi để tủ lạnh, đập quả trứng ra thì vỏ rất cứng.

trứng giả
Còn bên trong trứng thì đông lại như thạch rau câu và rất dai.

Ngay sau khi đoạn clip được đăng lên mạng xã hội, đã có hàng trăm ngàn lượt xem và chia sẻ, rất nhiều người đã tỏ ra hoang mang về câu chuyện trên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia sau khi xem đoạn clip này cho biết, sở dĩ trứng đông như vậy là vì để tủ lạnh lâu ngày, dẫn đến tình trạng biến tính và khi đó protein trong lòng trắng trứng sẽ có hiện tượng như keo dính lại.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết thêm, hiện nay giá trứng trên thị trường tương đối rẻ, vì vậy không ai dại dột đi làm trứng giả để bán. Theo đó, công nghệ làm trứng giả phức tạp và chi phí rất tốn kém. Chính vì vậy, mọi người hãy thật tỉnh táo khi đọc những thông tin trên các trạng xã hội để tránh gây hoang mang cho chính mình và người khác.

Cơ sở sản xuất Coca Cola giả

Một trang fanpage trên mạng xã hội Facebook vào ngày 3/11 vừa qua đã đăng tải nội dung về một xưởng sản xuất Coca Cola giả : "Share cho anh em bạn bè và gia đình cẩn thận nhé!" và còn khẳng định "Do mình tự giết mình thôi".

Kèm theo nội dung cảnh báo là một loạt những hình ảnh về dây chuyền sản xuất ở xưởng này vô cùng bẩn thỉu, rất mất vệ sinh với những bao bì, thùng chứa thủ công, với những mảng bám đen đặc lại. Bên cạnh đó là những hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. 

nước ngọt
Hình ảnh về xưởng sản xuất nước ngọt Coca Cola giả khiến dư luận vô cùng hoang mang và lo lắng.

Những hình ảnh này sau khi được đăng tải đã thu hút rất nhiều cư dân mạng. Chỉ sau một ngày đăng tải, bài chia sẻ đã nhận được hàng chục nghìn lượt like, share cũng như bình luận. Dù chưa biết thực hư, nhưng những hình ảnh đằng sau quá trình sản xuất của loại đồ uống đến từ thương hiệu giải khát hàng đầu thế giới đã khiến cho hàng nghìn người bình luận tỏ ra giật mình và lo lắng.

Và sự thật là nhữn hình ảnh này hoàn toàn không ở Việt Nam. Thực tế, những hình ảnh trên được lấy từ một đợt truy quét hàng giả của chính quyền thành phố Gujranwala, Pakistan. Tại đây các nhà chức trách đã phát hiện được một xưởng sản xuất chui đã sử dụng hóa chất độc hại để làm giả các loại nước ngọt như Coca Cola, Sprite,…

hàng giả
Sự thật là những hình ảnh về xưởng sản xuất Coca Cola giả không phải ở Việt Nam mà ở quốc gia  Pakistan.

Qua trường hợp này, những người dùng mạng xã hội cần có ý thức hơn trong việc nhấn nút chia sẻ những thông ở dạng tin đồn, chưa được kiểm chứng và đặc biệt cần biết chọn lọc thông tin hơn đừng biến mình trở thành nạn nhân của một tin đồn nào đó do kém hiểu biết. 

Mật ong giả làm từ... củ cải

Trung Quốc là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới và chủ yếu là để xuất khẩu. Giới chức nước này từng phát hiện nhiều cách làm mật ong giả của Trung Quốc, từ việc giả 100% đến pha trộn một phần các tạp chất khác.

Mới đây nhất là tin đồn mật ong giả làm từ củ cải ở Trung Quốc khiến người tiêu dùng trong nước vô cùng hoang mang. Theo đó, người sản xuất thường trộn vào mật thật siro làm từ đường, gạo hoặc củ cải hay chế ra mật ong từ nước, đường phèn và phẩm màu nhân tạo. Chất lượng mật không được đảm bảo thậm chí còn gây hại cho người tiêu dùng bởi vì sử dụng nhiều phụ gia và phẩm màu nhân tạo. Do đó các láng giềng như Việt Nam, Singapore, Malaysia…đều rất có khả năng trở thành nạn nhân của loại mật ong giả này.

Sau thông tin này nhiều người còn không dám sử dụng mật ong chỉ vì lo sợ dùng phải hàng giả. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chức năng khẳng định rằng vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào có sử dụng mật ong giả làm củ cải trong nước.

mật ong
Tin đồn về mật ong giả làm từ củ cải ở Trung Quốc khiến người tiêu dùng hoang mang.

Hạt trân châu trà sữa làm từ nhựa

Trên Renminwang, mạng nhân dân (Trung Quốc) mới đây có những thông tin: Để làm ra những hạt trân châu trong mỗi ly trà sữa vừa đẹp về mầu sắc, vừa giòn, dẻo dai hấp dẫn người uống, nhiều nơi sản xuất đã cho thêm vật liệu polymer (nói cách khác là nhựa) vào. Người ta đóng mỗi gói trân châu khoảng 2 kg, bán với giá 10 tệ (hơn 20.000 VNĐ). Mỗi gói như thế đủ dùng cho hơn 100 cốc trà sữa trân châu.

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động cho những "tín đồ" yêu thích trà sữa trân châu, trong đó có giới trẻ Việt Nam. Ở Việt Nam, trà sữa là một thức uống quen thuộc của nhiều người. Các quán trà sữa mọc lên như nấm nhưng sau thông tin này việc kinh doanh của họ cũng ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy một cơ quan chức năng nào  trong nước xác nhận hạt trân châu trong trà sữa có chứa nhựa và mọi người vẫn sử dụng loại đồ uống này bình thường, bỏ qua những "tin đồn" thất thiệt chưa được kiểm chứng. 

trân-châu
Những tin đồn về hạt trân châu xuất hiện nhiều trong thời gian qua nhưng chưa hề được kiểm chứng.

Trước bối cảnh kinh tế như hiện nay, việc truyền tải những thông tin gây sốc chưa được kiểm chứng sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho người kinh doanh đồn thời ảnh hưởng của quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, khi tiếp nhận bất cứ nguồn thông tin nào, người tiêu dùng cần phải tỏ ra thông minh, tỉnh táo và sáng suốt, phải suy nghĩ một cách thấu đáo, nhận định đúng tinh thần khoa học.
 
 Hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trên internet là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 khoản 3 điểm a quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).
“Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo. Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin. Nếu thông tin không đảm bảo, nửa vời, nhất quyết không sử dụng thông tin đó để vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, vừa tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.


Tổng hợp từ Fun.putide, Weibo, Zing. Kênh 14

Chia sẻ