BS Nguyễn Việt Quang: Mang thai đôi đi kèm nhiều "thách thức", mẹ bầu cần làm điều này để an toàn cho mẹ và con

HN,
Chia sẻ

BS Quang cũng khuyên chị em khi mang song thai, đa thai nên hết sức cẩn thận, giữ gìn. Nên đi thăm khám thường xuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh và đón được con yêu của mình.

Liên quan đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ có rất nhiều vấn đề cần lưu ý, từ việc làm sao để tránh vô sinh đến chuyện sinh con an toàn, khỏe mạnh cả mẹ và con. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của y học, việc có con cũng trở nên dễ dàng hơn với nhiều cặp đôi. Nhưng cũng bởi vậy mà nhiều người do lập gia đình muộn, điều kiện kinh tế tốt mà còn mong muốn mang thai đôi để "sinh một lúc, nuôi một thể".

Mới nghe qua thì tưởng chừng mang thai đôi cũng không khác đơn thai (thai một) là mấy nhưng thực tế, mang thai đôi cũng đi kèm với những thách thức về sức khỏe cho cả mẹ và các bé.

Để hiểu rõ hơn về những "thách thức" này, Ths.BS Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm Sinh sản Quốc gia - BV Phụ sản Trung ương - đã có những chia sẻ sau đây.

BS Nguyễn Việt Quang chia sẻ 5 hệ lụy có thể gặp khi mẹ bầu mang thai đôi  - Ảnh 1.

Ths.BS Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm Sinh sản Quốc gia - BV Phụ sản Trung ương

Ths.BS Nguyễn Việt Quang cho biết: Việc mang thai đôi (song thai) cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Cơ thể người phụ nữ vốn được "thiết kế" để chỉ mang một thai. Đó là lý do tại sao về sinh lý, trong 1 tháng người phụ nữ chỉ rụng 1 quả trứng. Nếu thụ tinh sẽ được 1 phôi, thụ tinh trong tử cung là 1 thai.

Còn với trường hợp mang 2 thai, BS Việt Quang chia sẻ: Khi mang 2 thai, tử cung to lên gấp đôi nên sẽ dẫn đến những hệ lụy.

Đầu tiên, tử cung sớm bị co giãn và co bóp nên dễ dẫn đến sinh non hoặc sảy thai.

Thứ hai, với những người có cơ tử cung không tốt, lại kèm theo các yếu tố bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng hay có vết mổ cũ thì có thể xảy ra hiện tượng nứt hoặc vỡ tử cung, phải cắt tử cung, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau của chị em.

BS Nguyễn Việt Quang chia sẻ 5 hệ lụy có thể gặp khi mẹ bầu mang thai đôi  - Ảnh 3.

Thứ ba, chị em khỏe mạnh giữ được suốt cả thai kỳ 9 tháng 10 ngày nhưng cũng khó tránh những ảnh hưởng gấp đôi lên cơ thể người mẹ, bao gồm những bệnh có nguy cơ gặp trong thai kỳ như: tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật... Những yếu, tố, bệnh lý này đều ảnh hưởng gấp đôi đến người mẹ khi mang song thai.

Thứ tư, khi mang song thai, người mẹ sẽ phải mổ lấy thai. Một cuộc mổ lấy thai tác động rất lớn đến cơ thể người mẹ, nhất là những tai biến sản khoa nguy hiểm như nguy cơ mất máu, nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ đờ tử cung...

Thứ năm là việc chăm các em bé sau khi sinh. Nhiều gia đình không có điều kiện có thể gặp khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi con.

Bác sĩ Việt Quang chia sẻ về trường hợp mang thai đôi

Bên cạnh đó, BS Quang cho biết tỉ lệ song thai sinh non vào khoảng 50%, cao gấp 10 lần so với đơn thai. Trong khi đó, sinh non là một hệ lụy rất lớn đối với em bé và người mẹ. Trẻ sinh non có tỉ lệ tử vong hay mắc các bệnh về sau cao hơn những em bé sinh đủ tháng. Qua đó, bác sĩ Quang cũng khuyên chị em khi mang song thai, đa thai nên hết sức cẩn thận, giữ gìn. Nên đi thăm khám thường xuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh và đón được con yêu của mình.

Việc mang thai đôi có thể có những tác động về sức khỏe của mẹ và bé, cũng như yêu cầu cao hơn về tài chính, thời gian chăm sóc. Do đó, quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Mọi trường hợp mang thai đều có thể khác nhau, vì vậy việc tư vấn với bác sĩ cá nhân của bạn là cách tốt nhất để có được thông tin và hướng dẫn cụ thể cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Chia sẻ