Bỗng dưng phát phì sau khi bị người yêu "đá"

,
Chia sẻ

Ba tháng sau khi bị người yêu “đá”, Kim Oanh tăng đến 10 kg. Cô liên tục phải may quần áo mới do thân hình không ngừng xổ ra.

Oanh, 27 tuổi, sống ở Mỹ Đình, Hà Nội. Mối tình 8 năm của cô vừa kết thúc dù cô đã cố níu kéo. Gắn bó với nhau suốt thời sinh viên nghèo khó, hai gia đình đã “có lời” về hôn nhân, nhưng bỗng một ngày, bạn trai cô “mất hút” một cách bí ẩn, gọi điện không nghe, nhắn tin không trả lời. Sau đó, Oanh chết điếng khi biết tin người yêu đang đắm đuối trong mối tình sét đánh với cô gái mới quen. Khi gặp hỏi cho ra nhẽ, Oanh càng sốc khi anh thừa nhận điều này, xin lỗi cô và nói lời chia tay.

Không thể chấp nhận việc tình yêu lâu năm bỗng chốc tan thành khói, Oanh cố thuyết phục người yêu nghĩ lại, cô nói sẵn sàng chờ anh vượt qua cơn “say nắng” để lại hạnh phúc bên nhau, nhưng anh từ chối. Trách móc, khóc lóc, dọa dẫm… cũng không ăn thua. Oanh suy sụp vì vừa nhớ người yêu vừa lo lắng cho đường tình duyên của mình.

Cô hoang mang không biết đến bao giờ mới lại có một tình yêu mới, khi tuổi đã hơi “cứng”, và liệu mối quan hệ đó có lâu bền khi ngay cả người đã gắn bó với cô đến thế cũng dứt áo ra đi? Oanh mấy lần nghĩ đến chuyện tự tử nhưng không dám, trong khi việc chịu đựng cuộc sống trở nên thật khó khăn. Nỗi bất hạnh khiến cô không muốn gặp gỡ những người bạn hạnh phúc. Với công việc, cô làm quấy quá cho đến giờ về, để rồi lại dắt xe đi do không chịu nổi việc một mình đối diện với cô đơn, đau khổ. Khi đi xe máy qua nhiều con phố, Oanh nhận thấy cách này cũng không đủ giết thời gian và lấp đầy sự trống vắng trong lòng mình.  

Một ngày, bố mẹ Oanh nhận ra con gái ăn nhiều một cách bất thường. Trong phòng cô tích đầy bánh kẹo, tủ lạnh có đủ loại kem, hoa quả và bất cứ lúc nào cảm thấy những ý nghĩ đau đớn nổi lên, cô lại ăn miệt mài. Dường như việc ăn uống giúp Oanh tạm quên nỗi khổ thất tình trong giây lát. Càng ngày, việc ăn uống của cô càng trở nên vô độ. Oanh ăn như nghiện, không thể dừng lại. Thân hình thon gọn 45 kg của cô sau ba tháng đã thành 55 kg và có lẽ tiếp tục tăng.  

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), tình trạng béo phì sau một cú sốc lớn về tâm lý là hiện tượng không hiếm gặp, do bệnh nhân mắc phải chứng ăn uống vô độ. Giải thích điều này, tiến sĩ Thọ cho biết, khi có một cú sốc tâm lý, cơ thể vận hành một cơ chế tự vệ. Để bù đắp sự hẫng hụt và những xung lực bản năng không được thỏa mãn, năng lực tâm trí của họ được chuyển sang một hoạt động khác, với một số người là ăn uống. Khi bị chứng rối loạn ăn uống, bệnh nhân rất khó kiểm soát bản thân, họ coi ăn là một cách giải sầu, là chỗ bấu víu về tâm lý của họ. Và hậu quả của tình trạng đó là cơ thể cứ “nở nang” dần.  

Tuy nhiên, nhiều người khác tuy không mắc chứng ăn uống vô độ nhưng vẫn bị phát phì sau một thời gian khủng hoảng tâm lý, do ăn, ngủ nhiều hơn và lối sống trì trệ, ít vận động, chỉ chìm vào nỗi buồn. Anh Mạnh Cường, 36 tuổi, sống ở Linh Đàm, Hà Nội, là một ví dụ. Cường sớm thành đạt, 23 tuổi đã sở hữu một cửa hàng đồ điện. Những năm gần đây, anh mở công ty kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, do một sai lầm, công ty bị sập, nợ nần ngập đầu. Mấy miếng đất mua được, Cường phải bán đi mới trang phải được một phần. Sống nhờ lương vợ, Cường cảm thấy rất nhục nhã, cay đắng.

Lần đầu tiên thất bại trong kinh doanh, lại bị một cú lớn nên lòng tự tin của anh sụp đổ. Muốn làm lại nhưng không có vốn, Cường trở nên bi quan, chán nản vì không biết đến bao giờ mới được như ngày xưa. Anh sa vào nhậu nhẹt, rượu chè. Cường có thể nhậu với bất kỳ ai anh vớ được, bằng tiền vợ cho. Khi không có tiền và không có ai mời, anh về nhà ngủ vùi, và có thể ngủ suốt ngày bởi cả nhà đi vắng. Mọi hoạt động thể thao trước đây như tập thể hình, chơi bóng…, anh quên hẳn.  

Một thời gian sau, mọi người gần như không nhận ra Cường bởi anh đã béo phì, bụng phệ, mặt nặng nề với đôi mắt đục ngầu, có túi mỡ. Vợ anh đôi lần khuyên chồng nên giảm ăn, giảm ngủ và chịu khó tập tành, nhưng lại đụng đến lòng tự ái của anh nên không dám nói nữa.  

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ngoài chuyện ăn uống và lối sống, bản thân stress cũng là một yếu tố gây béo phì. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Australia đăng trên tạp chí Nature Medecine gần đây cho thấy, stress làm tăng sản xuất peptit Y2, và loại peptit này làm gia tăng lượng mỡ, nhất là ở bụng.  

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ khuyến cáo, để tránh tình trạng béo phì do khủng hoảng tâm lý, thay vì bù đắp hẫng hụt bằng cách sa vào các hoạt động tiêu cực như ăn nhiều, ngủ nhiều, nên hướng năng lực bản thân đến những hoạt động bổ ích như chơi thể thao, khiêu vũ, sưu tập, hoạt động giao lưu tập thể, sáng tác nghệ thuật… Để có hiệu quả, nên chọn lĩnh vực mà mình vốn yêu thích để tạo hứng thú. Ngoài ra, cần giải tỏa lý do dẫn đến stress, mà một trong các giải pháp là tìm đến với bạn bè. “Sự chia sẻ của bè bạn, người thân có tác dụng rất lớn đối với những người đang có cú sốc tâm lý”, ông Thọ khẳng định. 

Khi tình trạng stress, trầm cảm dẫn đến những hành vi tiêu cực mà bản thân không thể kiểm soát được, tiến sĩ Thọ khuyên nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.
 
Theo Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ