Cập nhật lúc 06:50 - 09/01/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Hà Nội lo ngại lây lan dịch dịp Noel Tết Dương lịch, xây dựng kịch bản 3.000 ca mỗi ngày

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-12-12T23:12:00

    WHO cảnh báo chủng Omicron: Lây lan nhanh hơn Delta và làm suy yếu hiệu quả của vaccine

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Omicron, được phát hiện ở hơn 60 quốc gia, có mức độ "nguy cơ rất cao" trên toàn cầu, theo Reuters.

    WHO đánh giá những nghiên cứu gần đây cho thấy Omicron có thể lẩn tránh được miễn dịch của vaccine, song các dữ liệu lâm sàng về khả năng nguy hiểm của Omicron vẫn còn hạn chế.


    WHO cho rằng biến chủng Omicron gây "nguy cơ rất cao" trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.

    Trong một bản báo cáo tóm tắt được đưa ra hôm 12/12, WHO nhận định còn nhiều điều chưa thể khẳng định được về biến chủng Omicron vốn được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11 ở Nam Phi.

    "Các rủi ro liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao do một số nguyên nhân", WHO cho biết, nhắc lại đánh giá đầu tiên từ hôm 29/11.

    "Thứ hai, các bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể thoát khỏi sự miễn dịch của cơ thể và có tốc độ lây lan cao, sẽ có thể dẫn đến sự bùng phát với những hậu quả nghiêm trọng", WHO đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn của virus trong việc trốn tránh lá chắn miễn dịch của kháng thể.

    Ít nhất một bệnh nhân ở Anh đã tử vong sau khi nhiễm biến chủng Omicron, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố ngày 13/12.

    WHO trích dẫn các số liệu ban đầu ghi nhận số người bị tái nhiễm virus đã tăng lên ở Nam Phi.

    Trong khi đó, các nghiên cứu từ Nam Phi cho thấy Omicron có thể không nguy hiểm bằng biến chủng Delta. Tất cả trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo ở châu Âu đều ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng vẫn chưa thể xác định rõ là Omicron có ít độc lực hơn hay không.

    Báo cáo cũng nhận định: “Cần có thêm dữ liệu để hiểu mức độ nghiêm trọng của Omicron".

    "Ngay cả khi Omicron gây nguy cơ thấp hơn so với biến chủng Delta, số ca nhập viện sẽ tăng lên do tốc độ lây lan nhanh chóng. Số lượng người nhập viện nhiều hơn sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và dẫn đến nhiều ca tử vong", WHO nhận định.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-13T23:12:00

    Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Đồng Tháp nâng cấp độ dịch tại 3 huyện

    Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trong tuần từ ngày 6 đến 12-12, Đồng Tháp đã ghi nhận 5.086 ca mắc mới. Riêng ngày 13-12 ghi nhận 740 ca mới, nâng tổng số lên 31.046 ca COVID-19.

    Trước tình hình này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đã quyết định nâng các huyện Tháp Mười, Lai Vung và TP Sa Đéc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, riêng huyện Châu Thành đã thực hiện cấp độ 3 hơn 2 tuần qua. Có 7 huyện, thành phố có cấp độ 2 gồm: Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng và TP Cao Lãnh. Hiện chỉ có TP Hồng Ngự thuộc cấp độ 1.

    Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay tình hình dịch bệnh tại Đồng Tháp đang ngày càng diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong có xu hướng tăng. Do vậy, ông đề nghị các ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T00:12:00

    CDC Hà Nội: Người dân ở vùng "cam" nên hạn chế di chuyển

    Phát hiện gần 2.000 F0 chỉ sau 2 tháng

    Quận Đống Đa hiện là một trong những địa bàn "nóng" nhất về dịch Covid-19 của Hà Nội.

    Đáng chú ý, số F0 tại Đống Đa tăng nhanh trong 2 tháng trở lại đây. Hiện đây cũng là quận đứng đầu về số F0 được ghi nhận kể từ khi Hà Nội áp dụng chiến lược "thích ứng với Covid-19" với 1.939 ca. Nhiều ngày, quận Đống Đa ghi nhận hơn 100 F0.

    Theo cơ quan chức năng, tình hình dịch trên địa bàn quận Đống Đa đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường: Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng và Thổ Quan.

    Theo số liệu cập nhật đến 12h ngày 12/12, Trung Phụng là phường có số F0 mới cao nhất ở quận Đống Đa trong 2 tuần qua (196 F0).

    Quận Đống Đa vừa trở thành địa phương đầu tiên tại Hà Nội tái áp dụng quy định dừng hàng ăn, uống tại chỗ, hoạt động vui chơi, thể dục nơi công cộng sau khi số ca mắc tại đây tăng nhanh, biến quận thành nơi có dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam).

    Về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đây là việc phù hợp với diễn biến dịch. Chính quyền địa phương cấp quận, huyện được giao trách nhiệm kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ.

    "Quận Đống Đa đang là vùng cam nên chính quyền quận phải ra quyết định hạn chế một số hoạt động không thiết yếu. Đối với người dân tại đây, họ cũng sẽ được tuyên truyền để hạn chế di chuyển sang các khu vực khác", ông Tuấn nói.


    Nguồn: CDC Hà Nội.

    Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, thời gian tới khi số ca mắc có khả năng tăng cao, những khu vực được nâng cấp độ dịch lên màu cam và có mật độ dân cư đông sẽ hạn chế một số hoạt động không thiết yếu.

    Thiết lập cơ sở thu dung F0 600 giường

    Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo ngành y tế quận Đống Đa cho hay, với việc tình hình dịch diễn biến phức tạp, hiện lực lượng y tế địa phương đang hoạt động "hết công suất".

    "Ngoài lực lượng y tế cơ sở, chúng tôi đang phải huy động thêm cả lực lượng từ các cơ sở y tế trên địa bàn, bao gồm cả cơ sở y tế ngoài công lập, để đáp ứng với khối lượng công việc hiện tại", vị lãnh đạo này cho hay.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Phát hiện gần 2.000 F0 trong 2 tháng, người dân quận "lõi" Hà Nội được khuyến cáo nên hạn chế di chuyển - Ảnh 2.

    Quận Đống Đa sẽ đưa vào hoạt động cơ sở thu dung 600 giường (Ảnh minh họa).

    Với việc số ca Covid-19 tăng nhanh, quận Đống Đa sẽ đưa vào hoạt động cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ với 600 giường vào chiều 14/12.

    Vị này chia sẻ: "Cơ sở thu dung này được đặt tại khu ký túc xá của Đại học Thủy Lợi. Đây sẽ là nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ/không triệu chứng không đủ điều kiện điều trị tại nhà. Chúng tôi cử 11 cán bộ y tế vào tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên để có thể vận hành cả cơ sở thu dung này thì cần một lực lượng lên đến 40 - 50 người, vì còn liên quan công tác hậu cần, an ninh. Do đó, ngoài lực lượng y tế còn có cả công an, quân đội, dân phòng…".

    Cũng theo vị này, quận Đống Đa sẽ lên phương án lập các cơ sở thu dung khác nếu số ca bệnh tiếp tục tăng nhanh.


    Theo ZingnewsDân Trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T00:12:00

    TP.HCM vẫn chưa phát hiện biến thể Omicron

    Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 3 ngày qua, TP.HCM tiếp nhận 1.097 người nước ngoài đến và tất cả được khám sàng lọc. Qua đó, ngành y tế phát hiện 19 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả những mẫu dương tính được chuyển đến cơ quan chức năng để giải mã trình tự gene và chưa phát hiện chủng mới Omicron.

    Ngoài ra, sau khi có thông tin nước bạn tạm ngưng đường bay của một hãng hàng không từ TP.HCM sang sau khi phát hiện có 3 ca mắc Covid-19, cơ quan chức năng TP cũng đã làm việc, giải mã trình tự gene của 3 người này và kết luận không phải biến thể Omicron.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Phát hiện gần 2.000 F0 trong 2 tháng, người dân quận "lõi" Hà Nội được khuyến cáo nên hạn chế di chuyển - Ảnh 1.

    TP.HCM vẫn chưa phát hiện biến thể Omicron

    Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM nói: “Trên địa bàn TP vẫn đang kiểm soát rất chặt chẽ đối với chủng mới này để làm sao phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Các bộ phận chức năng kiểm tra sát sao, giám sát chặt chẽ đặc biệt là với người nước ngoài nhập cảnh bằng đường không và đường thuỷ”.

    Về tình hình dịch bệnh, đến 18h ngày 12/12, có gần 488.000 trường hợp mắc Covid-19 tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố; hiện đang điều trị cho hơn 12.100 bệnh nhân, trong đó có 388 trẻ em dưới 16 tuổi, 488 bệnh nhân nặng đang thờ máy. Đến nay, TP đã tiêm hơn 14,8 triệu mũi vaccine, trong đó, mũi 1 là gần 8 triệu, mũi 2 là hơn 6,8 triệu./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T00:12:00

    TP.HCM tìm được "nguyên nhân số ca tử vong dai dẳng" nhiều tháng qua, kêu gọi tiêm vaccine

    Chiều 13/12, tại họp báo về công tác phòng chống dịch, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết nhờ chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền), thành phố đã tìm được "nguyên nhân số ca tử vong dai dẳng" nhiều tháng qua. Đó là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

    Ông Hoàng Tùng (Chủ tịch UBND TP Thủ Đức) cũng cho hay: "Trên 60% ca tử vong trong thời gian qua tại TP Thủ Đức đều chưa tiêm vaccine, họ có thể có hoặc không có kèm bệnh nền".

    Thủ Đức đã thống kê được hơn 60.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Hiện, Thủ Đức tổ chức tiêm mũi tăng cường cho hơn 2.000 người và sẽ đẩy mạnh hơn tốc độ tiêm. Đồng thời, thành phố đang rà soát những người chưa tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 nào. Tuy nhiên, địa phương gặp khó khăn khi vận động người dân tiêm chủng.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Phát hiện gần 2.000 F0 trong 2 tháng, người dân quận "lõi" Hà Nội được khuyến cáo nên hạn chế di chuyển - Ảnh 1.

    Nhiều gia đình, ông bà, cha mẹ lớn tuổi, kèm bệnh lý nền nghiêm trọng, như tai biến mạch máu não nằm liệt giường nhưng sợ tiêm vaccine sẽ có biến chứng nguy hiểm. Nhiều người sẵn sàng ký vào giấy "không tiêm vaccine". Trong khi đó, những người lớn tuổi này có thể bị lây từ chính người thân của mình, khi người nhà tiếp xúc ở ngoài mang theo mầm bệnh về nhà.

    "Chúng tôi tha thiết mong người dân tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu người dân không đến được 22 điểm tiêm cố định thì chúng tôi sẵn sàng mang vaccine đến tiêm tận nhà", ông Tùng nói.

    Ngành y tế TP HCM đang dồn lực can thiệp ở nhóm nguy cơ cao, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trường hợp dương tính được cấp phát các túi thuốc A (hạ sốt và vitamin), B (kháng viêm, chống đông), C (thuốc kháng virus molnupiravir). Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và trạm y tế lưu động phân công chăm sóc hàng ngày cho nhóm này, chuyển viện ngay khi trở nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, nên tiêm vét hoặc sẽ được đội lưu động đến tận nhà tiêm cho người không thể đi lại.

    Đến nay thành phố đã tiêm hơn 7,9 triệu mũi một và hơn 6,8 triệu mũi hai. Trong đó, sau ba ngày triển khai tiêm mũi 3, thành phố đã tiêm gần 4.500 mũi cho người bị suy giảm miễn dịch (người có bệnh nền như cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...); hơn 7.300 mũi nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu đã đủ 6 tháng sau tiêm hai mũi.

    Tính đến chiều 12/12, thành phố có hơn 487.000 ca Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Hơn 12.000 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó 488 bệnh nhân nặng thở máy; 15 bệnh nhân can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Trong ngày có 920 trường hợp nhập viện, 1.028 ca xuất viện, 75 ca tử vong.

    Theo VnExpress

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T04:12:00

    Hà Nội lo ngại lây lan dịch dịp Noel, xây dựng kịch bản 3.000 ca mỗi ngày

    Xây dựng kịch bản ứng phó khi số F0 tăng lên 3.000 ca/ngày

    Trao đổi với báo chí sau cuộc họp được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống nên dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Hà Nội lo ngại lây lan dịch dịp Noel Tết Dương lịch, xây dựng kịch bản 3.000 ca mỗi ngày - Ảnh 1.

    Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày (Ảnh minh họa).

    Cụ thể, tính riêng từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, toàn thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca F0. Riêng tuần từ ngày 6/12 đến ngày 12/12 đã phát sinh thêm 4.550 ca, đặc biệt ngày 12/12 lên tới gần 900 ca. Hiện thành phố vẫn còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.

    Thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

    Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan vẫn còn phổ biến, biểu hiện là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện "5K" trong tổ chức lễ, đám; ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

    Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ, tiếp tục làm thật tốt yêu cầu phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung nâng cao năng lực y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở; tiếp tục coi người dân là trung tâm, chủ thể.

    Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đi đến thống nhất và yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch…

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Hà Nội lo ngại lây lan dịch dịp Noel Tết Dương lịch, xây dựng kịch bản 3.000 ca mỗi ngày - Ảnh 2.

    Bí thư Đinh Tiến Dũng lưu ý về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022 (Ảnh: Trung Nguyên).

    Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch

    Cũng theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất yêu cầu 15 đoàn kiểm tra theo phân công, tiếp tục bám sát cơ sở để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mua sắm và tiếp nhận hỗ trợ về thiết bị để bố trí xét nghiệm theo khu vực, bảo đảm trả kết quả nhanh.

    Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

    Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quản lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở.

    Cũng theo kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và căn cứ vào mức độ dịch để tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể từng trường tổ chức cho học sinh đi học trở lại, gắn với công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin để bảo đảm an toàn cho trẻ. Khi phát hiện trường hợp F0 là học sinh phải đánh giá nhanh triệu chứng để quyết định phương án điều trị, cách ly phù hợp.

    Lưu ý nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, các ngành phải vận động tổ chức tôn giáo tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn phải bảo đảm trang trọng và hạn chế tập trung đông người; tuyên truyền sâu rộng để các vị chức sắc tôn giáo, bà con giáo dân và nhân dân cùng chia sẻ, chung tay với thành phố; có phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn tại các điểm vui chơi, nơi thường xuyên tập trung đông người vào những ngày lễ lớn…

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-14T04:12:00

    Quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19 ở Hà Nội

    Từ khi số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội gia tăng cũng là lúc Bệnh viện Thanh Nhàn- cơ sở điều trị tuyến cuối của thành phố phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 ở tầng điều trị thứ nhất, thứ 2 và thứ 3. Các khu vực này đã bắt đầu bị quá tải. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng đang tiếp nhận tới gần 150 bệnh nhân: “Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân Covid-19. Ở tầng thứ 2 có gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 có 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao đã gấp 150%…".

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 14/12: Hà Nội lo ngại lây lan dịch dịp Noel Tết Dương lịch, xây dựng kịch bản 3.000 ca mỗi ngày - Ảnh 1.

    Ảnh minh họa.

    Mặc dù đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, nhưng hiện nay mỗi ngày, tại Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn có từ 20 đến 30 trường hợp đến khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại nhà.

    90% số trường hợp test nhanh dương tính tại nhà, sau khi được Bệnh viện Thanh Nhàn xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR để khẳng định chắc chắn thì đều có kết quả dương tính. Nhiều trường hợp đề nghị được nhập viện điều trị nhưng hiện nay bệnh viện chỉ tiếp nhận nội trú đối với những bệnh nhân có biểu hiện nặng...

    Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, điều đáng nói là những bệnh nhân Covid-19 vượt tuyến này đều không được y tế cơ sở biết đến: “Việc bệnh nhân tự di chuyển đến bệnh viện sau khi test nhanh phát hiện dương tính tại nhà không chỉ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình bệnh nhân di chuyển mà còn gây tình trạng quá tải cho bệnh viện".

    Ngoài Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội còn có 4 bệnh viện khác là cơ sở tuyến cuối của thành phố điều trị bệnh nhân Covid-19, đó là bệnh viện Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Bắc Thăng Long. Tại những bệnh viện này, giường điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã kín chỗ. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 4.000 F0 thể nhẹ và vừa đang được theo dõi, điều trị tại khu đô thị Tứ Hiệp ( huyện Thanh Trì), khu đô thị Đền Lừ (quận Hoàng Mai), cơ sở ký túc xá Đại học Phenikaa (quận Hà Đông) và cơ sở Thượng Thanh (quận Long Biên). Đó là chưa kể hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 khác đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế lưu động hoặc được theo dõi tại nhà. Nếu những trường hợp F0 này chuyển nặng thì sẽ là áp lực lớn hơn cho các tầng điều trị phía trên.

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân ở phố Nghĩa Dũng, Ba Đình lo ngại, càng quá tải bệnh nhân Covid-19 thì càng ảnh hưởng đến việc điều trị những loại bệnh khác tại các bệnh viện: “F0 nhiều trong cộng đồng hiện nay khiến chúng tôi rất lo. Số ca Covid-19 nhập viện tăng thì các bác sĩ lại phải làm việc nhiều hơn, áp lực sẽ nặng nền hơn. Không thể nói là các bệnh nhân khác không bị ảnh hưởng nếu như khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 bị quá tải…”.

    Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời điểm cuối năm giao thương tăng cao, thời tiết giao mùa cùng tâm lý chủ quan có thể dẫn đến số ca mắc tại Thủ đô tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, vượt qua ngưỡng 1.000 F0/ ngày. Thành phố đã có giải pháp đáp ứng điều trị cho 100.000 ca bệnh Covid-19. Hiện nay số bệnh nhân đang điều trị là gần 8.000 trường hợp. Ngoài việc mở rộng cho F0 không có triệu chứng được theo dõi tại nhà, Sở Y tế đã kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục mở rộng các cơ sở điều trị F0 thể nhẹ và vừa để giảm tải cho các cơ sở ở tầng điều trị phía trên: “Chúng tôi đã có phương án phân tầng, phân luồng khoa học tránh quá tải tuyến trên. Bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị ngay tại nhà hoặc trạm y tế lưu động"...

    Nhiều chuyên gia nhận định, diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay đang khá giống với TP.HCM dịp tháng 7 vừa qua, tức là đang ở giai đoạn nguy cơ xảy ra thảm họa với số ca tử vong ở mức cao nếu tất cả các bệnh viện đều không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19. Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục đầy khó khăn là không để hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, Thành phố Hà Nội cần tháo gỡ những bất cập hiện nay, đó là vẫn còn nghịch lý khi F1 đi cách ly tập trung trong khi F0 được theo dõi tại nhà, nhất là khi trung bình cứ 100 F1, thì chỉ có 7-10 người thành F0. Nhân viên y tế tại tuyến huyện và xã tại các vùng dịch đang quá tải công việc, nhân lực mỏng nhưng số F0, F1 ngày càng tăng… Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19 đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt khi màn thử thách tiếp theo là biến chủng mới Omicron đang rình rập và có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta./.

    Theo VOV

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ