Biện pháp làm dịu cơn ho lúc nửa đêm và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ

Hồng Quân,
Chia sẻ

Những cơn ho có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tình trạng này tác động tới sức khỏe và ho lúc nửa đêm còn gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

Hầu hết mọi người phải đối mặt với cảm giác vô cùng khó chịu do những cơn ho về đêm gây nên. Theo Diondra Atoyebi, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ gia đình tại Phòng khám Monroe, Georgia, đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những tác nhân gây kích thích cổ họng và đường thở. Ho vào ban đêm là hiện tượng vô cùng phổ biến và thường xuất hiện do những nguyên nhân nhất định.

Biện pháp làm dịu cơn ho lúc nửa đêm và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ - Ảnh 1.

Hầu hết mọi người phải đối mặt với cảm giác vô cùng khó chịu do những cơn ho về đêm gây nên.

Ho về đêm bắt nguồn từ đâu?

Những cơn ho về đêm trở thành nỗi ám ảnh của không ít người có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân vô cùng đơn giản. Đó là tư thế và vị trí ngủ. Kathleen Dass, chuyên gia y khoa tại Trung tâm Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Michigan giải thích, tác động của trọng lực sẽ giảm mạnh khi cơ thể ở vị trí nghỉ ngơi. Vì vậy, sự khác biệt giữa tư thế đứng và nằm gây cản trở đường thở, từ đó dẫn tới những cơn ho dai dẳng về đêm.

Nếu bạn mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm, việc nằm xuống giường có thể tạo điều kiện cho dịch nhầy chảy xuống cổ họng, kích thích phản xạ ho. Hơn nữa, tư thế nằm ngủ cũng vô tình khiến axit trào ngược lên thực quản, từ đó tạo điều kiện cho những cơn ho xuất hiện về đêm.

Ngoài tư thế ngủ hay cảm lạnh, những cơn ho kéo dài về đêm cũng có thể bắt nguồn từ hen suyễn, hội chứng chảy dịch mũi sau và trào ngược dạ dày thực quản. Hơn nữa, không khí khô trong mùa đông cũng tạo môi trường gây kích thích dị ứng mũi, cổ họng và đường thở. Hiện tượng này khiến bạn cảm thấy ngứa rát trọng họng và tự nhiên muốn ho.

Biện pháp làm dịu cơn ho lúc nửa đêm và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ - Ảnh 2.

Nếu bạn mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm, việc nằm xuống giường có thể tạo điều kiện cho dịch nhầy chảy xuống cổ họng, kích thích phản xạ ho.

Ngoài ra, không khí bên ngoài lùa trực tiếp vào cửa sổ, bụi bẩn tích tụ trong đệm hoặc gối cũng có thể làm xuất hiện các triệu chứng hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Tất cả yếu tố này đều góp phần gây nên những cơn ho khó chịu về đêm.

Trên thực tế, dù tạo cảm giác khó chịu, các cơn ho này thực sự đem lại một vài lợi ích cho cơ thể. Chúng giúp làm sạch cổ họng và đường thở, loại bỏ vật cản trở hay tác nhân kích thích cổ họng.

Biện pháp làm dịu cơn ho về đêm

Việc làm đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng này là cách ly với những tác nhân gây kích thích đường thở. Nếu bạn bị ho do hội chứng chảy dịch mũi sau, hãy tiến hành kiểm soát các cơn dị ứng, ngăn ngừa viêm xoang và cảm lạnh. 

Sử dụng thuốc kháng histamin hoặc ống xịt mũi có thể giảm thiểu tình trạng dị ứng gây kích thích cổ họng. Bạn cũng có thể uống thuốc giảm đau nhằm nhanh chóng loại bỏ chất nhầy trong mũi do cảm lạnh và cúm gây nên.Việc làm đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng này là cách ly với những tác nhân gây kích thích đường thở. 

Biện pháp làm dịu cơn ho lúc nửa đêm và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ - Ảnh 3.

Việc làm đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng này là cách ly với những tác nhân gây kích thích đường thở.

Hen suyễn thường làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến đường thở vào ban ngày và đánh thức bạn dậy vào ban đêm với những cơn ho ám ảnh. Đôi khi, đây là dấu hiệu duy nhất cho thấy bạn đang phải đối mặt với tình trạng hen phế quản dạng ho. 

Nếu nghi ngờ bản thân mắc hen suyễn hoặc các triệu chứng hen ngày càng trở nên trầm trọng hơn, bạn nên cân nhắc tới tìm sự trợ giúp của các chuyên gia. Họ có thể kê một loại thuốc hít khẩn cấp như albuterol hoặc thuốc hít kiểm soát triệu chứng hàng ngày.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến bạn bị ho khan về ban đêm. Các triệu chứng khác của tình trạng này thường bao gồm ợ nóng, ợ chua hoặc thậm chí khó nuốt. Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm kích thích trào ngược dạ dày thực quản như sô cô la, trái cây họ cam, rượu hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ cà chua sẽ giúp làm dịu các triệu chứng. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole hoặc thuốc kháng H2 như famotidine nhằm giảm nồng độ axit.

Biện pháp làm dịu cơn ho lúc nửa đêm và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ - Ảnh 4.

Uống nước nóng cũng góp phần ức chế sản sinh chất nhầy trong cổ họng gây cản trở đường thở.

Trong trường hợp các cơn ho về đêm xuất hiện đột ngột và kéo dài dai dẳng, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm gia tăng độ ẩm trong không khí và dùng thuốc. Hơn nữa, uống nước nóng cũng góp phần ức chế sản sinh chất nhầy trong cổ họng gây cản trở đường thở. Một nghiên cứu tại Đại học Yale đã chỉ ra, tiêu thụ mật ong trước khi đi ngủ cũng đem lại hiệu quả như uống thuốc Dextromethorphan hoặc Diphenhydramine (Benadryl). 

Ngoài ra, Erich Voigt, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tai mũi họng tại Tổ chức y tế NYU Langone cho biết, mọi người có thể thay đổi tư thế ngủ, sử dụng vài chiếc gối để nâng ngực cũng hỗ trợ ngăn ngừa dịch nhầy tích tụ trong cổ họng.

Hầu hết các cơn ho đều tự đến và đi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tiếp một vài tuần và có dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng, bạn nên tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ. Ho dai dẳng về đêm cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

(Nguồn: Heath)

Chia sẻ