"Bia đỡ đạn"

Bồ Công Anh,
Chia sẻ

Vừa vào tới cửa thấy mẹ tra khảo: “Là con phải không?” và thấy mắt vợ nháy nháy. Quân đành ngậm ngùi làm bia đỡ đạn cho vợ mà không biết mẹ đang nói gì.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Quân trở thành “kẻ gây họa bất đắc dĩ” do cái sự đểnh đoảng của vợ mà ra. Và lần nào cũng vậy, Quân luôn phải là người chịu trận thay vợ. Bởi theo những lời mà Phương nói: “Nếu để mẹ biết, mẹ sẽ ghét em, tình cảm mẹ chồng nàng dâu càng khó gần gũi. Mà như thế anh cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì anh chịu thay em một tí, mẹ chẳng giận anh mà”.

Phương là một tiểu thư đúng chất. Ba mẹ cô đi làm kinh tế ở nước ngoài từ năm cô học lớp 10. Phương ở nhà cùng với anh trai. Ngày yêu Phương, cũng biết bản tính vụng về, đểnh đoảng của cô nhưng Quân tự nhủ: “Thôi, về học dần cũng chẳng sao, miễn là cô ấy tốt là được”. Quả thực thì Phương là người ngoan ngoãn, không có cái tính nói xấu hay cãi lại mọi người trong gia đình chồng bao giờ. Ai bảo gì cũng lễ phép, lắng nghe. Duy chỉ có điều cái khoản tề gia nội trợ của cô thì… ôi thôi.
 

Những ngày đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng thường giúp cho mọi việc, Phương chỉ lăng xăng trong bếp phụ mẹ nhặt rau, rửa thịt… Việc đó thì cô làm được. Cho tới một hôm, mẹ chồng bận đi họp tổ hưu trí, bà đi chợ, mua về một túi cua rồi dặn con dâu nấu bát canh cua ăn cho mát. Mẹ đi rồi, Phương ba chân bốn cẳng chạy vội lên phòng, bật máy tính lên, gõ google. Công thức nấu món canh cua chỉ cần vài giây đã có, chà chà, cũng không khó lắm! Nhưng khi xuống bếp, nhìn thấy lũ cua bò ngổn ngang, con nào con nấy có cái càng to tướng làm Phương suýt khóc. Chẳng biết làm thế nào, cuối cùng Phương nghĩ ra một cách. Cô lấy đũa gắp từng con cua, ghì chặt chúng lên thớt, tay kia cầm cái chày, đập “bộp”, thế là con cua chết. Công việc sau đó là làm y như công thức đã tham khảo. Phương vừa làm vừa hát vì phục cái tài ứng biến của mình.

Mẹ chồng quyết định giao cho Phương việc đi chợ, còn cơm nước, trừ hôm nào bận ra bà sẽ nấu giúp hai vợ chồng. Thực phẩm muốn chọn được đồ ngon không phải dễ. Phương cũng lên mạng tìm hiểu từng thứ, nào là thịt ngon như thế nào, bí ngon ra làm sao… đủ cả. Ra đến chợ, cứ mải so sánh với “tiêu chuẩn” đề ra, tới cả hai tiếng đồng hồ Phương chưa mua xong. Về đến nhà bị mẹ chồng hỏi: “Con ra nước ngoài đi chợ hay sao mà lâu thế?”, miệng Phương méo xệch. Trong bữa cơm, Phương vờ hỏi mẹ đi chợ hay mua của ai. Thế là cứ máy móc từ đó, ngày nào đi chợ Phương cũng chỉ mua đồ ở những địa chỉ mà mẹ chồng hay mua. Mỗi lần mua cô thường nói: “Con chào cô, con là con dâu mẹ Lan cuối phố đây ạ. Mẹ con dặn cô bán cho con cân thịt. Cô chọn cho con miếng ngon vào nhé, không ngon về mẹ con trách con đấy.”. Bà bán hàng thấy cô nàng xinh xắn, ngoan ngoãn lại nhìn cái bộ mặt đáng thương khi nói câu đó thành ra có người chẳng nhớ bà Lan là ai cũng nhiệt tình chọn cho Phương thực phẩm ngon.
 

Nhiều lúc nghe vợ kể lại sự tình về tài “thoát hiểm” của mình, Quân phá lên cười thích thú. Nhưng rồi sau đó, chính anh cũng bị biến thành “phương tiện” cho việc khéo chèo chống của vợ. Phương kho thịt mặn, mẹ chồng khẽ phê bình, ngay lập tức chân cô dưới gầm bàn đá liên tiếp vào chân chồng. Quân hiểu ý ngay liền tiếp lời: “À, tại lúc Phương nấu con bắt cô ấy cho thêm muối đấy mẹ ạ. Không hiểu sao giờ con ăn mặn thế không biết. Cô ấy chiều ý con nên mới nấu như vậy”.

Có lần, Phương kho cá. Sau khi đã đặt lên bếp, bật lửa xong xuôi, Phương thoải mái ra nhà khách ngồi xem bộ phim Hàn Quốc mà cô thích. Đang khóc lóc sụt sùi vì cảm động, chợt tiếng Quân trên nhà gọi vọng xuống: “Em ơi, có nấu gì không mà khét thế?”. Thôi, thế là nồi cá... thành than. Phương mếu máo gọi chồng xuống “chữa cháy”: “Mẹ sắp về rồi, mẹ mà biết chắc giận lắm. Anh phải giúp em, giờ em chạy ra chợ đi mua hoa quả, anh ở nhà mẹ về thì nhận là em bận đi chợ nhờ anh trông hộ nồi cá kho nhưng do anh mải xem bóng đá nên để cháy. Thế nhé, em đi đây không mẹ về mất”. Vừa nói, Phương vừa chạy biến ra khỏi nhà để lại Quân với một mùi khét nồng nặc khắp nhà. Cuối cùng, Quân đành làm đúng y như lời vợ “tính toán”.

Bát đĩa trong nhà cứ lần lượt "rủ nhau" ra đi vì vỡ. Lần nào Phương cũng nhanh chóng “tẩu tán” chúng vào sọt rác trước khi mẹ phát hiện ra. Ngày hôm sau cô đi siêu thị lần đúng cái bát bị vỡ hôm trước mà bày trả vào. Cũng may chẳng lần nào Phương bị mẹ chồng phát hiện. Một số lần chưa kịp mua bù thì mẹ chồng biết, tất nhiên chẳng ai khác ngoài Quân hoặc thi thoảng là tại con mèo tinh nghịch làm vỡ.

Hôm nay, Phương rảnh rỗi tự nhiên muốn động tay động chân, muốn làm việc nhà. Cô cầm khăn lau tới lau lui cái kệ tivi. Bỗng nhiên “Choang!!!”, lọ hoa mà mẹ chồng cô yêu quý nhất vỡ tan tành dưới nền nhà. Phương xanh mặt, lấm lét nhìn quanh sợ bất chợt lúc này mẹ hcồng đi vào. Bởi vì cô biết đây không phải lọ hoa bình thường, nó cả kỉ vật cuối cùng mà bố chồng cô tặng cho mẹ. Bà quý nó vô cùng. Thỉnh thoảng lắm mới mang ra cắm vài bông hoa ly mà thôi. Giờ mà biết tại Phương làm vỡ thì chắc bà sẽ không thèm nhìn mặt con dâu mất. Vậy là lại một kịch bản được soạn ra, Quân lại là “thủ phạm”.

Cả buổi chiều hôm đó mẹ chồng Phương không nói không rằng, tối bà cũng chẳng ăn cơm. Gương mặt bà buồn và có vẻ tức giận nhiều lắm. Tối đó, nằm trên giường, Phương ôm lấy chồng nịnh nọt:“Em xin lỗi, em không hề cố ý. Em chỉ muốn lau dọn lại cái kệ thôi nào ngờ vô ý… Em hứa từ giờ sẽ cẩn thận nhiều hơn”.

Quân thở dài thượn thượt: “Giời ơi là giời, chừng nào thì em mới hết đểnh đoảng đây?”.

Chia sẻ